Monday, December 23, 2024
HomeBIỂN ĐÔNGKim Jong-Un ngỏ ý muốn áp dụng mô hình “đổi mới” của...

Kim Jong-Un ngỏ ý muốn áp dụng mô hình “đổi mới” của Việt Nam ?

Singapour được chọn làm nơi nghị hội giữa ông Trump và Kim Jong-Un vào trung tuần tháng sáu tới. Trên BBC có học giả Vũ Minh Khương trả lời phỏng vấn. Theo tôi ông học giả “đề cao” Việt Nam (hơi quá) khi cho rằng VN là một “mô hình” kinh tế và chính trị để Bắc Hàn noi theo.

Theo tôi, nhận định vậy là rất chủ quan, vì đã bỏ qua ba yếu tố quan trọng là 1/ lịch sử phân chia hai xứ Nam, Bắc Hàn, 2/ di sản do chiến tranh 1950-1953 và 3/ thế địa chiến lược phức tạp của bán đảo.

Trong khi Việt Nam chỉ là một “phiên bản lỗi” của TQ.

Mọi mặt, từ thể chế chính trị cho tới mô hình phát triển kinh tế, hay các mặt văn hóa xã hội, VN “rập khuôn” TQ. Ta có thể nói Việt Nam là một Trung Quốc thu nhỏ. Hai bên đều do đảng cộng sản “lãnh đạo nhà nước và xã hội”. TQ khởi xướng trước phương châm “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung hoa” để đón tư bản thì VN đi theo sau, với “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. TQ xây dựng “quốc gia pháp trị xã hội chủ nghĩa” thì VN làm theo “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”…

“Lỗi” là vì TQ thành công bao nhiêu thì VN thất bại bấy nhiêu.

Sau 30 năm “đổi mới” VN “cơ bản” là một quốc gia “nông nghiệp”, sống nhờ bán sức lao động và khai thác tài nguyên. So với một TQ đã trở thành một quốc gia “kỹ nghệ hóa” với sức nặng kinh tế hàng thứ nhì thế giới.

VN vẫn là một quốc gia “khởi nghiệp”, nhưng lại tràn ngập các tệ nạn xã hội của một quốc gia phá sản đang trên đường phân hóa.
Một “mô hình” tồi dở như vậy dứt khoát không thể làm “gương” cho ai hết.

Bắc Hàn có thể bị cô lập nhưng không vì vậy mà Kim Jong-Un không biết những gì đã diễn ra tại VN, hay trên quốc tế.

Việc chọn lựa Singapour là địa điểm hội họp, họ Kim đã cho thấy phần nào ý định của mình.

Singapour là “mô hình lý tưởng” của TQ mà thế hệ lãnh đạo “tiên phong” của TQ là Đặng Tiểu Bình đã không ngần ngại học hỏi. Cho đến bây giờ với Tập Cận Bình, “Trung hoa mộng” của ông này là gì nếu không phải là mô hình Singapour áp dụng trên diện lớn ?

Trong buổi gặp gỡ Tập Cận Bình hồi đầu tuần tại Đại Liên (Liêu Đông), một thành phố hải cảng tiên tiến, họ Tập đã có ý “khoe” thành phố phát triển này để “dụ” họ Kim “mở cửa” theo mô hình phát triển của TQ.

Trước đó, tại buổi gặp gỡ lịch sử “liên Triều”, tổng thống Nam Hàn Moon Jea-In đã “ưu ái” nhét vào tay Kim Jong-Un một chìa khóa USB, nghe nói là chứa đựng hồ sơ kế hoạch xây dựng Bắc Hàn.

Vì vậy ý kiến báo chí đăng tải “Kim Jong-Un muốn áp dụng chính sách đổi mới của VN”, theo tôi, nếu có là chót lưỡi đầu môi.

Bằng không là lời của nhà báo gắn vào miệng họ Kim.

Nếu ta xét theo lịch sử, họ Kim không thể áp dụng mô hình VN, thống nhứt đất nước bằng vũ lực. Đây là chiêu pháp “đồng ư qui tận”, sử dụng ở lúc cùng đường, tất cả cùng chết, mà ta biết chắc là giòng họ Kim sẽ tiêu diệt cùng với chế độ độc tài. Quốc gia Đại Hàn thống nhứt với nhiều bi kịch do chiến tranh tạo ra. Dại gì Kim Jong-Un đi theo con đường (chông gai đổ máu) của VN ?

Còn nếu áp dụng mô hình “mở cửa” của VN (sau 1995), thì tại sao lại không áp dụng mô hình TQ (cho thấy thành công hơn) ?

Mà nếu áp dụng mô hình TQ thì tại sao không chọn mô hình Singapour, bởi vì mô hình này là “mô hình lý tưởng” mà TQ đang theo ?

Theo tôi, buổi họp Trump-Kim tại Singapour cho phép ta đưa “mô hình” này lên trên.

Trong khi, nhìn về phương diện lịch sử, “thống nhứt đất nước” là nguyện vọng của nhân dân hai miền. Mô hình Đông-Tây Đức vì vậy cũng có nhiều sác xuất sẽ được lựa chọn.

Ta không thể loại trừ “kế hoạch thống nhứt đất nước theo mô hình Đông-Tây Đức” nằm trong chiếc chìa khóa USB mà tổng thống Moon trao cho Kim Jong-Un.

Về phương diện quan hệ với Mỹ, theo tôi, Kim Jong-Un lại càng không thể áp dụng mô hình VN.

Bởi vì quan hệ Việt-Mỹ đến nay không đi tới đâu. Ảnh hưởng của TQ lên các lãnh đạo VN khiến quốc gia này lần hồi bị mất chủ quyền, ở các vấn đề kinh tế và đối ngoại.

Kim Jong-Un cho thấy đến nay chưa bao giờ phụ thuộc vào TQ bất kỳ một cái gì, mặc dầu bề ngoài Bắc Hàn lệ thuộc TQ về kinh tế. Nhưng vẫn là trao đổi năng lượng và thực phẩm đổi lấy tài nguyên. TQ không “cho không” cái gì hết. Trong khi chương trình nguyên tử và hỏa tiễn (đạn đạo và liên lục địa) của Bắc Hàn, nếu đe dọa Nhật (và Mỹ) thì cũng đe dọa cả Bắc Kinh (và tất cả các thành phố lớn của TQ).

Tức là con đường của họ Kim là “độc lập và tự chủ”.

Theo tôi họ Kim sẽ không đi lệch con đường “độc lập tự chủ” của mình. Mô hình Singapour “trung lập” một cách tương đối, có thể được áp dụng để không phật lòng các láng giềng khổng lồ như TQ, Nga và Nhật.

Nhưng các mô hình này vẫn chỉ là “chuyển tiếp”. Mục đích của lãnh đạo hai bên, cũng như của cả dân tộc Triều Tiên là “thống nhứt đất nước”.

Thời gian chuyển tiếp có thể một, hai thập niên.

Sẽ là ảo tưởng khi đánh giá Việt Nam như là một “mô hình” lý tưởng. Trí thức VN nên xét lại mình, tự đặt câu hỏi vì sao VN sau 30 năm “đổi mới” vẫn là “quốc gia khởi nghiệp”, đứng trước nguy cơ chưa giàu đã già” ?

Đây mới là điều hữu ích. Ốc không mang nổi mình ốc, đừng lo xa chuyện thiên hạ.

Nhân Tuấn Trương
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular