Thursday, December 26, 2024
HomeCHÍNH TRỊ - XÃ HỘIBản tin sáng 4-1-2018

Bản tin sáng 4-1-2018

TIẾNG DÂN

Tin Trong Nước

Tin Biển Đông

BBC bình luận: Từ Biển Đông đến Một Vành đai của TQ. Bill Hayton, nhà nghiên cứu người Anh cho rằng, tình hình Biển Đông năm 2017 “’tạm yên’ nhưng chỉ là ‘phần nổi của tảng băng chìm’ tiềm ẩn bất ổn”. Bắc Kinh không chỉ thúc đẩy quá trình quân sự hóa Biển Đông, mà còn thực hiện Sáng kiến Một vành đai, Một con đường, để Trung Quốc có thể xâm lấn các vùng lãnh thổ, lãnh hải bằng cả quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm.

Ông Hayton ghi nhận: 3 nước Đông Nam Á ông đã đến thăm đều “chịu sức ép từ Trung Quốc về vấn đề khai thác dầu ở biển Đông và Trung Quốc đều muốn kiểm soát vấn đề này bất chấp quan điểm của các nước sở tại”. Tình trạng “yên bình” ở Biển Đông cuối năm 2017 chỉ là bức bình phong để Trung Quốc gia tăng áp lực, buộc các nước ASEAN phải hợp tác.

Tống Tổ Anh
Văn công Trung Quốc, Tống Tổ Anh, hát cho công nhân và lính Trung Quốc tham gia xây đắp Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa. Ảnh: BBC

Báo VietNamNet đặt câu hỏi: ‘Nước cờ khai cuộc’ của TT Trump sẽ làm nóng cuộc đua Mỹ – Trung? “Bàn cờ lớn” ở đây là khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông. Tác giả ghi nhận: “Với mục tiêu trở thành ‘cường quốc biển’, Trung Quốc đã và đang tăng cường hiện diện và triển khai nhiều biện pháp chiến lược lâu dài tại biển Đông và biển Hoa Đông”.

RFI có bài: Chiến lược an ninh mới của Mỹ: Việt Nam có thể có vị trí tốt. Theo GS Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, yếu tố kiềm hãm Trung Quốc vẫn được đặt nặng trong Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Hoa Kỳ. Chủ trương “tăng cường ảnh hưởng của Mỹ” vẫn có thể tác động đến tình hình tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông.

Mời đọc lại: Trung Quốc triển khai hệ thống giám sát ngầm ở ba vùng biển(VNE). – Vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa trong quan hệ Việt- Trung (1974-1995)- Kỳ 1 (TTVN). – VN ở đâu trong ‘Vành đai và Con đường’ của TQ?(BBC).

Chính trường Việt Nam ngày đầu năm

Nhà báo Bùi Tín nhận định: Cụ Tổng khó ngủ ngay từ ngày đầu năm. Chuyện không vui ập đến chính trường Việt Nam đầu năm 2018: Vũ “nhôm” thoát vòng vây an ninh, đang tìm đường đến Đức từ Singapore. “Nếu Vũ Nhôm được nhận vào CHLB Đức thì vụ án bắt cóc bằng bạo lực, do một tướng Việt cộng cầm đầu trên lãnh thổ Đức với sự đồng lõa của Đại sứ quán CHXHCN Việt Nam sẽ được đưa ra xét xử công khai”.

Theo tác giả, “tính toán của ông Nguyễn Phú Trọng lúc đầu sai một ly, nay đi một dặm, không còn độ lùi, trừ phi tỉnh ra, ngay thật công nhận sai lầm là bắt cóc”. Giải pháp duy nhất là bác Tổng công khai thừa nhận bác đã chỉ đạo an ninh Việt Nam hành động, bất chấp luật pháp nước Đức và xin lỗi. Nước Đức đã ngỏ lời từ trước rằng họ chỉ chờ đợi chuyện này.

Tác giả Phạm Hưng Quốc dự báo diễn biến tình hình chính trị Việt Nam trong thời gian tới. Lý thuyết của Karl Marx cho rằng: “Chủ nghĩa tư bản tìm mọi cách tạo giá trị lợi nhuận thặng dư… Khi giá trị thặng dư lên tới 70, 80, 100% thì chúng sẽ có những tâm lý điên loạn đến mức chúng có thể tự treo cổ!”. Điều lạ là chính những lãnh đạo của một trong những thể chế theo Chủ nghĩa Cộng sản còn sót lại trên thế giới đang có biểu hiện tâm lý gần giống như vậy.

Theo tác giả, yếu tố quan trọng nhất quyết định chính trường Việt Nam trong thời gian tới là diễn tiến của chiến dịch thanh trừng nội bộ, qua chiến dịch “đốt lò”, của bác Tổng. Yếu tố Trịnh Xuân Thanh và những hình phạt về ngoại giao từ nước Đức cho thấy, “cuộc chiến chống tham nhũng đã vượt qua phạm vi biên giới của Việt Nam”.

Về vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, báo Quân đội Nhân dân đề xuất “liều thuốc”: Khả năng “tự bảo vệ” – vấn đề hết sức quan trọng. Tác giả thừa nhận, hiện tượng “tự diễn biến” đã góp phần vào quá trình sụp đổ của khối cộng sản Liên Xô – Đông Âu. Tình hình chính trường Việt Nam hiện nay, nếu chuyện “tự diễn biến” lan đến cả những tầng lãnh đạo cao nhất, “thì tính chất lại càng cực kỳ nguy hiểm và sẽ gây nên hậu quả khôn lường đối với vai trò lãnh đạo của Đảng”.

Tác giả cho rằng, “khả năng ‘tự bảo vệ’ của mỗi tổ chức, mỗi con người” có thể là giải pháp ngăn được hiện tượng “tự diễn biến”. Tuy nhiên, yếu tố tư tưởng của các đảng viên, mấu chốt của khả năng “tự bảo vệ”, lại đang gặp vấn đề bất ổn. Câu chuyện Vũ “nhôm” thao túng chính trường Đà Nẵng chỉ bằng quyền lực của đồng tiền là minh chứng điển hình.

Mời đọc thêm: Thủ tướng chỉ thị chấn chỉnh, tăng cường quản lý đất đai — Bí thư Trương Quang Nghĩa tuyên bố sẽ giành lại đất công cho người dân (Tin Tức). – Cách chức Phó chánh thanh tra tỉnh dùng bằng đại học giả (VOV). – ‘Đà Nẵng đang thiếu nguồn nhân sự lãnh đạo kế cận’ (Zing). – Trình Quốc hội phê duyệt 3 đặc khu kinh tế (NLĐ).

Sự nguy hiểm của “nghề lãnh đạo”

Hồi kết chuyện lãnh đạo “đi lạc”: Tìm thấy thi thể Chủ tịch huyện Quốc Oai trong tình trạng treo cổ. Sau hơn một tuần “mất tích”, ông Nguyễn Hồng Lâm, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, đã được tìm thấy tử vong trong tình trạng treo cổ “tại ngôi nhà thứ 3, (chưa đánh số nhà) thuộc ngõ 297 đường Hoàng Mai, tổ 41, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội”.

Nhà báo Đào Tuấn bình luận: Quan chức: Nghề nguy hiểm. “Nhìn nhận nhiệt độ gần đây cho thấy quan chức là nghề cũng nguy hiểm còn hơn cả nghề đánh máy”. Nghề đánh máy vốn đã là nghề nguy hiểm ở Việt Nam, vì các sai phạm lớn thường do… “lỗi đánh máy”, bây giờ nghề quan chức còn nguy hiểm hơn cả nghề đánh máy!

Facebook Thanh Niên Công Giáo viết: Chủ tịch huyện Quốc Oai, Hà Nội chết một cách lạ thường. “Trong thời gian qua đã có nhiều cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh chết qua nhiều sự việc quá lạ lùng. Chắc hẳn chế độ này đang có nhiều vấn đề nghi kỳ dẫn đến những vụ án không bình thường như vậy”.

LS Lê Văn Luân đánh giá về sự nguy hiểm của “nghề lãnh đạo”: “Năm ngoái thì Chi cục trưởng chi cục kiểm lâm Yên Bái bắn chết Chủ tịch HĐND… Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh bị đe doạ giết, chủ tịch thành phố Đà Nẵng cũng chịu cảnh tương tự từ một người thân của cấp dưới. Nay ở giữa Thủ Đô, Chủ tịch huyện Quốc Oai mất tích một tuần mới thấy xác trong tư thế treo cổ”.

Mời đọc thêm: Chủ tịch huyện Quốc Oai tử vong trong tư thế treo cổ (NLĐ). – Thi thể Chủ tịch huyện Quốc Oai được tìm thấy như thế nào? (LĐ).

Vũ “nhôm” phiêu lưu ký

Blog Bình Luận Án có bài: Vì sao ông Vũ “nhôm” chưa có luật sư Việt Nam?LS Trần Hồng Phong cho rằng, khả năng ông Vũ “nhôm” mời luật sư Việt Nam trợ giúp pháp lý và bào chữa là thấp. Lý do: “Vì các luật sư sẽ buộc phải ra tay ‘tố giác’ thân chủ nếu không muốn bị xử lý, theo quy định tại Bộ luật hình sự mới vừa có hiệu lực từ 1/1/2018 (điều này phần nào đó sẽ gây bất lợi cho Vũ ‘nhôm’ xét trên phương diện cá nhân về phía Vũ nhôm)“.

Trang BBC đặt câu hỏi: Chính trị VN ra sao nếu ông Anh Vũ bị bắt về? GS. Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu chính trị Việt Nam, cho BBC biết rằng, nếu Vũ “nhôm” bị an ninh Việt Nam bắt về, “vụ này sẽ có ‘tác động tức thì’ tới Bộ Công an Việt Nam và thành phố Đà Nẵng”. GS. Thayer lưu ý một đặc điểm của luật pháp Đức: “Không cho phép dẫn độ sang các nước nơi có thể có án tử hình”. Vì lý do này, cả Trịnh Xuân Thanh và Vũ “nhôm” đều đã chọn nước Đức làm nơi tỵ nạn.

Trang Đầu Tư Tài Chính Việt Nam đưa tin: Phiên tòa cho Phan Văn Anh Vũ ở Singapore ấn định ngày 18/1. Trao đổi với hãng tin Reuters, LS Remy Choo của Vũ “nhôm” cho biết, Vũ đang “khá căng thẳng, bị chứng cao huyết áp và hiện vẫn chưa rõ lý do bị giữ tại Singapore”. Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ một trong các luật sư của Vũ “nhôm”, cho biết, dù phiên tòa dành cho Vũ “nhôm” đã được ấn định ngày 18/1/2018, nhưng, Vũ “vẫn có thể bị trục xuất về Việt Nam trước thời điểm trên”.

Dịch giả Hùng Hà có bài dịch từ báo Spiegel: Vụ Trịnh Xuân Thanh: Nhân viên mật vụ Việt Nam muốn xuất cảnh đến Đức. Truyền thông Đức cho biết, Vũ “nhôm” đã hứa sẽ cung cấp thông tin tình báo về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin nếu nước Đức chấp nhận bảo vệ Vũ. Sẽ có một cuộc trò chuyện về vụ này “giữa một liên lạc viên với các quan chức của Sở Hình sự Tiểu bang Berlin”.

Người dân hỏi lãnh đạo Đà Nẵng: Vì sao ông Vũ ‘Nhôm’ mua được nhiều đất công? Ông Trương Quang Nghĩa không trả lời thẳng được, nhưng thông báo giải pháp “mất bò mới lo làm chuồng”: “tất cả nhà đất công sản của thành phố khi di chuyển trụ sở làm việc, từ nay tuyệt đối không được đem bán mà phải giữ lại làm đất công cộng và phục vụ các thiết chế văn hóa”.

Mời đọc thêm: Singapore có dễ ‘nhả’ Vũ ‘Nhôm’ cho Việt Nam?  —  ‘Luật sư: Vũ Nhôm lo ngại an nguy bản thân do ‘chính trị nội bộ’ VN (VOA). – Luật sư Singapore xác định Phan Van Anh Vu là Vũ ‘nhôm’ —  Singapore có thể đơn phương trục xuất Vũ ‘nhôm (TT). – Luật sư Singapore được phép gặp Phan Van Anh Vu (LĐ). – Ông Anh Vũ ‘lo lắng cho an toàn cá nhân’ (BBC/ TD). – CEO Hòa Bình: Công ty không có hợp đồng nào với Vũ ‘Nhôm’ (TP). – Luật sư mong muốn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Thomas De Maizière chấp thuận cho ông Phan Văn Anh Vũ cư trú tại Đức (TB). – Trùm bất động sản đào thoát từ Việt Nam vẫn đang ở Singapore, các LS cho biết (CNBC).

Nhân quyền ở Việt Nam

RFA bình luận về tình hình nhân quyền năm 2017: “Tồi tệ vì sự chuyên chế hóa của chính quyền”. Các lãnh đạo đang dùng vũ lực để nói chuyện với những người đang cố gắng dùng giải pháp ôn hòa để cổ vũ, phổ biến các giá trị nhân quyền ở Việt Nam.

Ngày 27/11/2017 phóng viên Nguyễn Văn Hóa bị tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hà Tĩnh kết án 7 năm tù giam và 3 năm cấm đi khỏi nơi cư trú với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo khoản 1 điều 88, bộ luật Hình sự.
Ngày 27/11/2017 phóng viên Nguyễn Văn Hóa bị tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Hà Tĩnh kết án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế. Ảnh: AFP/ RFA

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Quang A cho rằng năm 2017 vẫn có những điểm sáng là các phong trào xã hội xuất phát từ những người dân bình thường bất bình vì quyền lợi thiết thân của họ bị xâm phạm. “Trong một cuộc đấu tranh dài và gian khổ như vậy thì tôi nghĩ các nhà hoạt động và người dân rất nên tiếp tục những cuộc đấu tranh của mình, phải rất rất lưu ý rằng đấu tranh bất bạo động, ôn hoà, đúng pháp luật”.

Đặng Văn Hiến, nạn nhân của nạn cướp đất

Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu có bài viết về ông Đặng Văn Hiến, là thủ phạm và cũng là nạn nhân, đã nổ súng trong một vụ tranh chấp đất đai gây chấn động ở tỉnh Đắk Nông hồi tháng 10/2016, khiến 3 người của công ty Long Sơn tử vong.

Tác giả ngậm ngùi khi viết về những người dân nghèo như ông Hiến, lâm vào bước đường cùng, không có nhiều chọn lựa. Tác giả viết: “Bạo lực sinh ra từ đâu, tôi nghĩ, bạo lực sinh ra từ những mâm cao cổ đầy, rượu tuôn như suối, bắt tay gầm bàn để xoá nhoà luật pháp. Ai làm được điều này, chắc chắn đó không phải là người dân, như Đặng Văn Hiến và các đồng phạm đang có mặt ở Toà hôm nay!

Ông Đặng Văn Hiến (đang ôm con), nói lời từ biệt gia đình, vợ, con, trước khi ra đầu thú. Ảnh: CAND.

Zing đưa tin: Tử hình Đặng Văn Hiến trong vụ nổ súng làm 3 người chết. Sau 2 ngày xét xử, TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên án Đặng Văn Hiến tử hình, Ninh Viết Bình 20 năm tù, Hà Văn Trường 12 năm tù, cùng về tội giết người.

Nhà báo Mai Quốc Ấn viết: “Nhưng tòa chưa tuyên được những tội trạng mà Nghiêm Xuân Thiên Sửu và đồng bọn đã gây ra ở Tuy Đức, Đak Nông một cách đầy đủ. Tòa cũng chưa tuyên được sự tắc trách của chính quyền địa phương (ở đây tôi dùng từ tắc trách là nhẹ)“.

Mời đọc thêm: Xả súng 16 người thương vong: Đề nghị tử hình bị cáo Đặng Văn Hiến (VNN). – Cuộc đầu thú kỳ lạ và đẫm nước mắt (CAND).

Ô nhiễm môi trường

Báo Trí Thức Trẻ bàn về ước mơ triệu đô mang tên “không khí sạch” của người Sài Gòn. Chuyện buồn ở thành phố từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”: “Người dân sống tại Sài Gòn phải hít hàng nghìn lít khí ô nhiễm mỗi ngày”. Có chuyên gia cảnh báo, nếu hiện tượng “sương mù khói bụi” vẫn tiếp diễn ở Sài Gòn, người dân sẽ sớm phải “đeo mặt nạ chống độc khi ra đường như dân Bắc Kinh”.

Báo cáo chất lượng không khí do liên minh năng lượng bền vững Việt Nam vừa công bố cho biết, năm 2016, Sài Gòn, phải trải qua “175 ngày không khí bị ô nhiễm ở mức báo động so với tiêu chuẩn của WHO”. Ngay cả khẩu trang cũng không thể ngăn các chất độc như thuỷ ngân hay chì đã có trong bầu không khí ô nhiễm ở Sài Gòn.

Sương mù khói bụi ở Sài Gòn. Ảnh: TTVN

Về “dòng sông tuyết” ở Hà Nam: Dòng kênh bọt trắng tanh nồng ‘đày’ dân suốt 1 thập kỷ. Từ 10 năm trước, hiện tượng “mặt kênh nổi bọt trắng từng tảng trôi lững lờ trên mặt nước đen ngòm” đã dần xuất hiện, khiến người dân xóm Chợ Lương, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, Hà Nam “mất ăn mất ngủ”. Trong suốt thập kỷ, người dân không ngừng kiến nghị các cấp lãnh đạo, nhưng tai quan chức nghe không thấu.

Một người dân địa phương chia sẻ: “Với người ở xa đến thì lạ nhưng với chúng tôi thì mỗi năm dăm lần chứng kiến. Cứ xã bơm nước thì lại có ‘sông bọt’ như vậy. Mùa này còn đỡ chứ những đợt có gió lớn, nước dâng lên bọt tràn cả vào ao chuôm làm chết cá…”. Người dân đã quen với cảnh đeo khẩu trang cả trong giấc ngủ.

Mời đọc thêm: Thêm thời gian hỗ trợ khắc phục sự cố môi trường biển(ĐCS). – Ô nhiễm nặng, kênh dẫn nước ở Hà Nam nổi bọt trắng xóa (VTV).

BOT vẫn tiếp tục bóp cổ dân

Về hiện tượng tài xế liên tục “bất tuân dân sự” ở các trạm BOT, báo Lao Động đưa tin: Bắt không đúng mạch sẽ không chữa lành bệnh. Ngay đầu năm, cánh tài xế đã dùng nhiều biện pháp đấu tranh để phản đối hệ thống BOT, “trả tiền lẻ, tiền chẵn, tiền có mệnh giá thấp, tiền xu, thay lốp ngay barie trạm, nhằm gây ách tắc giao thông, buộc trạm phải xả, miễn phí”.

Nhiều trạm BOT đặt ở vị trí “thắt cổ chai” nên phương tiện không lưu thông qua hầm, đường tránh cũng phải trả phí. Các tài xế, nhà xe không thể không đấu tranh vì thu nhập của họ bị ảnh hưởng bởi trò “tận thu” bằng BOT.

Tác giả thừa nhận, giải pháp “đẩy nhanh tốc độ quyết toán và triển khai thu phí tự động” của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chỉ giải quyết được phần ngọn. Khi người dân bất bình, họ cần sự tôn trọng chứ không phải sự áp bức.

Báo Tiền Phong ghi nhận: BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp lại ‘nóng’ vì phản ứng của tài xế. Sáng 3/1/2018, ba tài xế điều khiển phương tiện từ Trung tâm Đào tạo lái xe số 10 đến chặn trên “3 làn của trạm thu phí và bấm còi inh ỏi không chịu mua vé, gây ra ách tắc giao thông”. Nhân viên đành phải xả trạm. Tuy nhiên, đến chiều, “xe tải của Trung tâm Đào tạo lái xe lại thực hiện hành vi tương tự”.

Lý do các tài xế phản đối trạm BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp: trung tâm chỉ cách trạm khoảng 200m nhưng tài xế “phải đóng phí qua trạm với giá quá cao”, là 30.000 đồng/xe cho mỗi lần qua trạm. Trung tâm Đào tạo lái xe số 10 phải tốn 120.000 đồng mỗi ngày chỉ để trả tiền vé cho 4 lượt xe qua lại trạm.

Mời đọc thêm: Xuất hiện tài xế ‘gây rối’ tại BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp(PLTP). – Tài xế dừng xe phản đối trạm BOT Tam Kỳ đặt sai vị trí(MT&ĐT). – Tài xế ‘cố thủ’ ở trạm BOT Tam Kỳ, yêu cầu nhân viên nói lý do thu phí (Zing).

Khi Đảng và Nhà nước làm đường

Chuyện lạ ở Quảng Nam: Đường ven biển gần 1.500 tỷ xuất hiện nhiều ‘ổ gà’. Đó là tuyến đường ven biển dài 24,5 km, được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đưa vào sử dụng từ tháng 3/2016, với tổng mức đầu tư 1.440 tỷ đồng (giai đoạn 1). “Sau gần hai năm tuyến đường đưa vào sử dụng, đoạn qua huyện Thăng Bình giáp huyện Duy Xuyên mặt đường bị xuống cấp, nhiều nơi xuất hiện ‘ổ gà’.”

Lý do “đường ngàn tỷ” mau hư: “Dự án được thiết kế đổ bê tông nhựa 2 lớp; lớp thứ nhất dày 7 cm, lớp thứ hai dày 5 cm. Tuy nhiên do tình hình khó khăn nguồn vốn, đơn vị thị công mới làm được một lớp bê tông nhựa 7 cm thì tuyến đường đã đưa vào sử dụng”. Nghĩa là, nếu làm đủ 2 lớp thì số tiền đầu tư còn lớn hơn nữa.

Mời đọc thêm: Đường 200m xây hết gần 80 tỷ đồng, quận Thanh Xuân nói gì? (VTV).

Thêm một số tin trong nước: Năm 2017: Phát hiện hơn 1 nghìn văn bản có dấu hiệu trái luật (ĐCS). – Đất nước thời “tận thu”: ‘Tôi cảm thấy sốc khi mỗi ngày mất 300.000 đồng tiền gửi xe’  —  Làng nghề ‘mổ xác máy bay’ im ắng sau vụ nổ khiến 2 người chết (Zing). – Những bài học xương máu từ vụ nổ ở xã Văn Môn (ANTĐ). – Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam khẩn thiết cảnh báo căn bệnh sắp thành “đại dịch” ở nước ta (TTVN/ Soha). – Cần sớm có lương tối thiểu giờ (NLĐ). – Năm 2017 Việt Nam hứng chịu kỷ lục số cơn bão, thiên tai khốc liệt, dị thường (LĐ). – Kỳ vọng trong năm 2018(RFA). – Kháng thư yêu cầu dỡ bỏ tượng Hồ Chí Minh ở Nhật (VOA).

Tin quốc tế

Tình hình nước Mỹ

Đã xảy ra cuộc đấu khẩu gián tiếp giữa TT Donald Trump với Steve Bannon trên truyền thông Mỹ. Bannon, một nhân vật cực hữu, từng là cánh tay phải của Trump và là chiến lược gia trưởng của tổng thống Mỹ, nhưng đã phải rời khỏi tòa Bạch Ốc hôm 18/8/2017.

Trong cuốn sách sắp xuất bản ngày 9/1/2018 của Michael Wolff về tình hình nội bộ bên trong tòa Bạch Ốc, Bannon nói rằng, cuộc gặp gỡ giữa những người thân cận với Trump như con trai Don Jr., con rể Jared Kushner… với nữ luật sư Nga, Natalia Veselnitskaya, hè năm 2016, là “hành động phản quốc“.

Bannon nói: “Tôi nghĩ việc này hội đủ các yếu tố phản quốc, không yêu nước hoặc những chuyện tệ hại khác. Anh cần gọi FBI ngay lập tức”. Zing có bài tóm lược: Bannon tố cuộc gặp con trai TT Trump với phía Nga là ‘phản quốc’

Bannon cũng nói với ông Wolff rằng, phe điều tra do công tố viên độc lập Robert Mueller dẫn đầu, sẽ đập Don Jr, con trai trưởng của Trump như đập quả trứng. Cuộc điều tra xoay quanh những phi vụ rửa tiền trong gia đình Trump và theo Bannon, tòa Bạch Ốc “đang ngồi trên biển, cố gắng ngăn trận cuồng phong loại 5” (là loại mạnh nhất, có sức gió từ 156 dặm/ giờ, tức 251 km/ giờ trở lên).

Ông Trump tức giận, đáp trả lại Bannon trên báo Washington Post, nói Bannon bị mất trí: Khi anh ta bị sa thải, anh ta không chỉ bị mất việc, mà anh ta đã mất trí“. Vẫn bản chất của Trump, phủ nhận sự đóng góp của Bannon, mà nhiều người cho rằng, đã giúp Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.

Trump nói, “Steve liên quan rất ít tới cuộc chiến thắng lịch sử của chúng tôi… nhưng Steve chịu trách nhiệm cho cái ghế nghị sĩ bang Alabama của đảng Cộng Hòa hơn 30 năm qua, đã bị mất…” Ý Trump muốn nói tới chuyện Bannon ủng hộ Roy Moore tranh ghế thượng nghị sĩ liên bang bị thất bại trong cuộc bầu cử hồi tháng 12/2017. Nhưng chính ông Trump cũng đã ủng hộ ông Moore, không chỉ Bannon.

Trên VOA có bài Mỹ không bán công ty cho Trung Quốc vì lo ngại an ninhTheo đó, Mỹ quyết định không bán công ty chuyển tiền MoneyGram cho công ty Trung Quốc, Ant Financial (do Jack Ma làm chủ). Kế hoạch mua bán trị giá 1,2 tỷ USD này đã bị một ủy ban của Mỹ bác bỏ do lo ngại an ninh quốc gia bị đe dọa, xâm hại.

Mời đọc thêm: Kế hoạch can thiệp bầu cử Mỹ của Nga bại lộ vì rượu (KT). – Tổng thống Mỹ ban bố tình trạng thảm họa do ‘giặc lửa’ tại California (TTXVN). – Hàng không Mỹ vấp hàng loạt “lùm xùm” phân biệt đối xử chống Do Thái (TQ).

Mối quan hệ giữa các siêu cường

Về mối quan hệ Mỹ-Trung, VietNamNet có bài phân tích: ‘Nước cờ khai cuộc’ của TT Trump sẽ làm nóng cuộc đua Mỹ – Trung? Với chiến lược Xoay trục và sau này là Tái cân bằng mà Mỹ đang thực hiện ở Châu Á-Thái Bình Dương, trong Chiến lược An ninh Quốc gia mới đây, TT Trump đưa ra khái niệm “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở”.

Ngoài Thái Bình Dương, khu vực Ấn Độ Dương sẽ trở thành một thế trận mới của Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc đang gia tăng bành trướng với các cảng ở Sri Lanka, phát triển các căn cứ tại Pakistan và lập thêm các căn cứ ở Đông Phi và Maldives. Mỹ cũng đang gia tăng quan hệ với Ấn Độ, một quốc gia có tầm chiến lược quan trọng nhất trong “bàn cờ” Ấn Độ Dương.

Trên trang Viet Times có bài mang nặng tính “yêu Nga” của truyền thông “lề phải”, qua bài viết: Chọc tức “Gấu Nga”: Mỹ-NATO tự đeo gông vào cổ. Theo bài phân tích này, Mỹ – NATO đã tự đeo gông vào cổ hay nhận trái đắng khi quyết định trang bị vũ khí hạng nặng cho quân đội Ukraine.

Bài viết đưa ra khá nhiều các dữ kiện và mốc thời gian, với những lập luận rằng Nga vừa là nạn nhân của Mỹ-NATO, đồng thời cũng tài tình hóa giải các chiến lược bao vây đó. Ngoài ra, Nga còn khiến cho Mỹ-NATO nhận trái đắng.

Bài viết có đoạn: “Có thể người Mỹ có ý định giúp Ukraine bằng cách kết hợp việc gửi vũ khí sát thương cho nước này nhưng đồng thời thừa nhận sai lầm của NATO khi vào năm 2008 đã tuyên bố sẽ kết nạp hai nước Ukraine và Gruzia. Nó cũng trở thành một cái gông chiến lược nặng nề đang treo trên cổ liên minh“.

Mời đọc thêm: Nga-Trung mong đợi những gì trong hợp tác chiến lược 2018?  – Lập trường của Mỹ gây phức tạp triển vọng thỏa thuận hạt nhân Iran (TTXVN). – Mỹ “gây sức ép” Balkan: Giáng trả sức mạnh Nga? (TQ).

Các vấn đề của Trung Quốc

Về quan hệ Đài- Trung, VOA có bài: Quan hệ Trung Quốc – Đài Loan tiếp tục đình trệTheo đó, Bắc Kinh muốn hối thúc Đài Loan tuân thủ nguyên tắc một nước Trung Quốc, nhưng TT Đài Loan Thái Anh Văn đã bác bỏ những đề xuất của Bắc Kinh.

Các cuộc đối thoại Đài-Trung đã bị dừng lại từ giữa năm 2016, đến nay chưa được nối lại. Theo bài viết, “có nhiều khả năng Đài Loan sẽ không thay đổi quan điểm trong năm nay“. Điều đó có nghĩa là quan hệ Đài Loan và Trung Quốc sẽ còn đình trệ, thậm chí là căng thẳng.

Trên VTV có bài: Sau nhiều năm phát triển nóng, Trung Quốc mạnh tay với vấn nạn ô nhiễmTrung Quốc đã “tàn phá mọi thứ” để phát triển trong gần 40 năm qua, giờ đây quốc gia này mới tính đến vấn nạn ô nhiễm. Theo bài viết, luật thuế môi trường của Trung Quốc sẽ được áp dụng từ đầu năm 2018.

Tác giả cho biết, trong năm 2017 Trung Quốc đã xử lý hàng chục ngàn tổ chức, công ty, hàng ngàn cá nhân vi phạm các quy định về môi trường. Trung Quốc đã quyết định đóng cửa tất cả các nhà máy nhiệt điện chạy than để đưa ô nhiễm sang Việt Nam với hơn 30 dự án nhiệt điện than được cấp phép, phần lớn là của Trung Quốc.

Mời đọc thêm: Trạm vũ trụ Trung Quốc 8,5 tấn mất kiểm soát, sắp đâm xuống Trái Đất (TTXVN). – Triều-Hàn muốn đối thoại, Trung Quốc nói gì? (GT). – Pháp: bài hát kỳ thị người Trung Quốc dạy cho trẻ mẫu giáo bị cấm (VOA).

Biểu tình Iran – Tình hình Trung Đông

Tình hình biểu tình ở Iran vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Về chủ đề này VTV có tin: Hàng chục nghìn người tuần hành ủng hộ chính phủ IranTheo đó, đã có hàng chục ngàn người biểu tình ủng hộ chính phủ. Theo nhiều nguồn tin, hiện chưa có đụng độ giữa những người biểu tình phản kháng và những người ủng hộ chính phủ thần quyền Iran.

Cũng liên quan đến biểu tình ở Iran, trên báo Pháp Luật Thành Phố có bài viết Vệ binh Iran chưa muốn ra tay dẹp biểu tình. Ramezan Sharif, người phát ngôn của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết, cảnh sát và các lực lượng an ninh “đã hoàn toàn kiểm soát được tình hình tại thủ đô Tehran và các thành phố xảy ra biểu tình“.

Ông Sharif nói thêm: “Các cơ quan thực chấp pháp đang thực hiện rất tốt nhiệm vụ. Lực lượng IRGC không cần phải hỗ trợ và can thiệp vào diễn biến tình hình hiện nay”. Nếu lực lượng IRGC ra tay, sẽ có các cuộc trấn áp đẫm máu.

Quan hệ giữa Israel với Iran lại nóng lên khi Iran nghi ngờ Israel “giật dây” các cuộc biểu tình. Mới đây, Thủ tướng Netanyahu cáo buộc Iran tìm cách tấn công bên trong Israel. Thủ tướng Israel phát biểu ngày 3/1 “Iran đang sử dụng chủ nghĩa khủng bố chống Israel không chỉ với sự trợ giúp từ các phong trào khủng bố, như Hamas, Hezbollah và Thánh chiến Hồi giáo, mà còn cố tổ chức các hành động khủng bố bên trong Israel và chống lại công dân Israel“.

Tuyên bố cứng rắn của Israel đưa ra sau khi quốc gia này triệt phá tổ chức gián điệp của Iran tại Bờ Tây. Thủ lĩnh nhóm này là Mohammed Makharmeh, 29 tuổi, người Palestine. Cơ quan an ninh Shin Bet của Israel nói, “sự can dự của Iran trong tài trợ khủng bố chống Israel và phơi bày những nỗ lực của Tehran tại nhiều nước để tăng cường hoạt động thù địch chống Israel“.

Mời đọc thêm: Đức: Người biểu tình Iran xứng đáng nhận được sự tôn trọng — Tín hiệu hòa dịu trong quan hệ song phương Saudi Arabia-Liban — LHQ đề nghị Saudi Arabia phóng thích hàng chục người bị bắt giữ — Iran bắt giữ một công dân châu Âu trong các cuộc biểu tình —Israel lên kế hoạch trục xuất hàng nghìn người di cư châu Phi — Tổng thống Iran kỳ vọng biểu tình sẽ chấm dứt trong vài ngày tới (TTXVN). – TT Trump tái cam kết sẽ hậu thuẫn nhân dân Iran (VOA).

Thêm các tin thế giới khác: Hơn 40 ứng cử viên độc lập tranh cử Tổng thống Nga năm 2018 (VOV). – Nga muốn phát triển tiền ảo để né trừng phạt phương Tây? (GT). – Anh bắt giữ 6 đối tượng tình nghi là thành viên một nhóm cực hữu    Những cuộc bầu cử có thể làm ‘rung chuyển’ châu Âu năm 2018  —  Gần nửa triệu người Afghanistan phải đi sơ tán trong năm 2017 (TTXVN). – Những nguy cơ thế giới phải đối mặt năm 2018 (VNN). – Tàu công nghệ cao lên đường tìm kiếm máy bay MH370  — Indonesia lập cơ quan an ninh mạng chống cực đoan, tin giả (RFA). – Nơi ‘dư luận viên’ tung hoành trên mạng xã hội (BBC). – Ukraina: Dân phẫn nộ xuống đường sau vụ một nữ luật sư bị sát hại (RFI).

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular