Friday, December 27, 2024
HomeDIỄN ĐÀN39 năm vẫn chưa biết nhục

39 năm vẫn chưa biết nhục

Phạm Trần

22-2-2018

58 năm sau ngày ông Hồ Chí Minh, cha đẻ của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nói câu tuyên truyền“Đảng ta là đạo đức, là văn minh” thì số cán bộ, đảng viên “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” và “quan liêu, tham nhũng, lãng phí”tăng cao hơn bao giờ hết.

Kết quả này là bằng chứng đảng đã hòan toàn bất lực trong kế họach “xây dựng chỉnh đốn đảng” (XDCĐĐ) bắt đầu từ Khóa đảng VII thời Đỗ Mười làm Tổng Bí thư (1991-1997). Bây giờ, dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng khoá đảng XII, tổng cộng 27 năm XDCĐĐ mà lãnh đạo vẫn chỉ biết đổ lỗi cho “mặt trái của nền kinh tế thị trường” và số cán bộ, đảng viên thiếu bản lĩnh bị sa ngã trước cám dỗ của tiền tài và danh vọng, là nguyên nhân của tình trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hoá” đang đe dọa sự sống còn của đảng.

Như vậy, nếu ông Hồ còn sống thì hẳn ông phải xấu hổ cho những điều ông nói tại buổi lể kỷ niệm 30 năm ngày thành lập đảng (3-2-1930 / 3-2-1960).

Hồi ấy ông nói:

“Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao
Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình!
Đảng ta là đạo đức, là văn minh
Là thống nhất, độc lập, là hoà bình, ấm no
Công ơn Đảng thật là to
Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng”

(Rút ở “Lời khai mạc lễ kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Đảng”, Thơ Bác Hồ, NXB Quân Đội Nhân Dân, 1971)

Nhắc lại chuyện xưa của ông Hồ để thấy nhiều điều ông nói chỉ để tuyên truyền gây ảo tưởng và hy vọng hão huyền. Các lớp lãnh đạo sau ông, từ thời Bí thư thứ nhất rồi Tổng Bí thư Lê Duẩn (cầm quyền từ  10 tháng 9 năm 1960 – 10 tháng 7 năm 1986, 25 năm, 303 ngày), đến các Tổng Bí thư Trường Chinh qua Nguyễn Văn Linh (khoá VI) rồi chuyển cho Đỗ Mười (VII), Lê Khả Phiêu (VIII) đến Nông Đức Mạnh (IX và X) sang Nguyễn Phú Trọng (từ Khoá XI), tổng cộng 58 năm mà căn bệnh “suy thoái đạo đức và tư tưởng” của cán bộ, đảng viên vẫn là tiền đề của mọi vấn đề đảng còn phải đối phó.

Nhưng nếu “suy thoái đạo đức” chỉ thu gọn trong phạm vi con người của đảng thì hy vọng sửa sai vẫn có thể làm được nếu lãnh đạo quyết tâm làm đến nơi đến chốn.

Ngược lại, khi “đạo đức” và “văn minh” chỉ còn là tấm bình phong che đậy cho âm mưu xuyên tạc lịch sử thì đạo lý dân tộc và lòng yêu nước đã bị loại bỏ. Càng tệ hại và ô nhục hơn, nếu hành động ấy lại do những người có học vị cao trong xã hội được trao trọng trách bảo tồn và khai sáng đã quay lưng phản bội, theo lệnh của Bộ Chính trị để tránh gây ra phức tạp trong quan hệ Việt-Trung.

Đem suy luận này áp dụng cho hành động sợ Tầu ra mặt của Lãnh đạo đảng CSVN khi họ cố tình lãng quên xương máu của trên 40 ngàn đồng bào và bộ đội đã hy sinh trong cuộc Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979 -1990 thì ta biết ngay tại sao bộ Lịch sử Việt Nam được Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phát hành ngày 18/08/2017, tuy đã dám viết “quân Trung Quốc xâm lược” nhưng vẫn hời hợt về cuộc chiến này.

39 NĂM PHẢN BỘI

Trước hết, trong 39 năm qua, mỗi khi ngày 17 tháng 2 hàng năm trở về, hàng triệu con tim người Việt trong nước đã thổn thức tưởng nhớ về những người đã nằm xuống trong cuộc chiến biên giới 1979-1990, dù trong quân ngũ hay dân thường, cụ gìa, đàn bà và trẻ thơ. Nhưng ngoài những cuộc thăm viếng nghĩa trang hay tư gia lẻ tẻ của các cựu chiến binh nhớ về đồng đội cũ, tuyệt nhiên không có bất cứ tổ chức, đòan thể hay chính quyền từ trung ương xuống cơ sở nào đứng ra tổ chức các buổi lễ tưởng niệm và ghi ơn những người đã hy sinh.

Chẳng những thế, đảng và nhà nước CSVN còn ra lệnh cho công an, công an đội lốt côn đồ ngăn chặn, bắt cóc và tấn công những người dân xuống đường tuần hành hay tập trung dâng hương tại kỳ đài Lý Thái Tổ cạnh Hồ Gươm Hà Nội, hay tại Sài Gòn vào ngày 17/2.

Nhảy nhót ở tượng đài Lý Thái Tổ trong ngày tưởng niệm cuộc chiến biên giới. Ảnh: internet

Cũng tương tự, các cuộc tổ chức tưởng niệm 74 chiến sỹ Quân đội Việt Nam Cộng hòa hy sinh trong trận chống quân Tầu xâm lăng Hòang Sa năm 1974 và 64 Bộ đội đã bỏ mình ở Trường Sa năm 1988 cũng bị ngăn chặn.

Về mặt báo chí truyền thông thì từ 1979 đến 2016, không báo nào hay bất cứ ai được phép khơi lại cuộc chiến biên giới. Lệnh cấm này đã được nới rộng đối với các báo “không chính thống” từ năm 2017, sau khi bị nhiều trí thức và giới sử học chỉ trích.

Tuy nhiên, các cơ quan báo chí “ruột” như Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Saìgòn Giải Phóng, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các Đài Truyền hình chính phủ và Quân đội đều đồng loạt được lệnh “ngậm miệng” để được ăn tiền.

Riêng lần kỷ niệm 39 năm cuộc chiến biên giới năm nay (2018), các báo của Bộ Thông tin và Truyền thông gồm Infonet, VietNamNet và Tuần Việt Nam đã phổ biến một số bài viết dưới dạng nghiên cứu hay phỏng vấn về diễn tiến của cuộc chiến từ ngày 17/02/1979 cho đến các cuộc giao tranh đẫm máu Việt-Trung tại mặt trận Tỉnh Hà Tuyên cũ, đặc biệt tại Vị Xuyên.

Những bài viềt này, tuy có nhiều bằng chứng nhưng chưa được đưa vào sách sử để nói cho các thế hệ người Việt Nam sau này biết tường tận về biến cô đau thương này.

Vì vậy, những sự kiện còn thiếu trong 8 trang (từ trang 351 đến 359) của tập 14 bộ Lịch sử Việt Nam đã để lại một khỏang trống khó hiểu.

Bằng chứng khi nói về cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam ở biên giới phía Bắc, đã có không ít thắc mắc tại sao giới viết sử của đảng CSVN phải mở đầu bằng đọan nịnh Trung Hoa thế này: “Việt Nam luôn luôn biết ơn sự giúp đỡ tận tình của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước. Việt Nam rất coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc”.

Sau đó, sách sử mới Việt Nam lại cố ý liên kết xung đột biên giới Việt-Trung từ năm 1976 với cuộc chiến giữa Việt Nam và Quân Khmer đỏ, do Pol Pot lãnh đạo được Bắc Kinh yểm trợ, ở biên giới Tây Nam.

Nhưng sách lại không dám nói đó là hành động của Trung Quốc dùng Khmer đỏ Pol Pot đề phá Việt Nam mà lại viết ỡm ờ thế này: “Các cuộc xung đột nổ ra ở biên giới Việt – Trung (khu vực Cao Bằng – Lạng Sơn) vào cuối năm 1976 và tháng 3/1977 gần như trùng hợp với thời gian diễn ra tình hình căng thẳng ở biên giới Việt Nam – Campuchia ở phía Tây Nam”.

Đến khi viết về cuộc chiến Việt-Trung thì sách của Việt Nam chỉ tóm tắt: “5h sáng ngày 17/2/1979, 60 vạn quân Trung Quốc đồng loạt vượt biên giới kéo dài 1.400km tiến vào 6 tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai và Yên Bái), Lai Châu, điều động 9 quân đoàn chủ lực; 2.559 khẩu pháo, 500 xe tăng và xe thiết giáp tiến sâu vào đất Lạng Sơn, Lai Châu 10 — 15km, vào Cao Bằng 40 — 50km.

Quân dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 địch, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự trong đó có 280 xe tăng, xe bọc thép, phá hủy 115 khẩu pháo và súng cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí, bắt nhiều tên xâm phạm lãnh thổ Việt Nam.

Tuy nhiên, do bị động nên không phải bộ phận nào cũng giữ vững được khả năng chiến đấu. Đoạn trích sau đây trong báo cáo của Đảng Đoàn Tổng Công đoàn Việt Nam phản ánh một góc độ khác của tình hình: “Trên mặt trận chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược, các đơn vị tự vệ công nhân viên chức các lâm trường, nông trường, các đoàn địa chất, các xí nghiệp, cơ quan ở sát biên giới đã chiến đấu dũng cảm, góp phần đánh lui nhiều đợt tiến công của địch, tiêu diệt nhiều địch. Tuy nhiên, ít đơn vị chiến đấu được dài ngày do thiếu đạn, thiếu ăn, thiếu chỉ huy thống nhất với bộ đội chủ lực; một số đơn vị bỏ chạy vô tổ chức do bị động, lãnh đạo không vững vàng…”.

“… Ngày 1/3/1979, Trung Quốc đề nghị đàm phán Trung – Việt ở cấp Thứ trưởng Ngoại giao để khôi phục hòa bình, an ninh ở biên giới, tiến tới giải quyết tranh chấp về biên giới lãnh thổ. Ngày 14/3/1979, Trung Quốc rút hết quân về nước”.

Đọc những dòng chữ “nửa sự thật” này ai cũng thấy lịch sử đã bị bóp méo có chủ trương che giấu nhiều sự thật. Bởi vì trong chiến tranh thì phải có thương vong, nhưng các nhà viết sử Cộng sản lại che giấu thương vong của phía Việt Nam trong khi họ được tự do phanh phui số tổn thất về người và quân trang của quân đội Trung Hoa. Họ cũng vẽ ra thành công bằng cách nói vắn tắt để vơ vào mà không cần phải chứng minh rằng: “ Với thắng lợi của hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam đã bảo vệ được chủ quyền dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, tạo điều kiện để tiếp tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Đồng thời, Việt Nam cũng làm tròn nghĩa vụ quốc tế với nhân dân Campuchia và nhân dân Lào, tích cực góp phần bảo vệ độc lập dân tộc và hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á”.

Lối viết sử mập mờ như vậy chỉ làm cho người đọc thắc mắc thêm, và tất nhiên chẳng mở mang được trí tuệ cho học sinh khi phải học những điều này trong sách Giáo Khoa.

Hơn nữa sẽ chẳng ai hiểu tại sao Việt Nam, dưới thời Cộng sản cầm quyền lại phải có “nghĩa vụ quốc tế với nhân dân Campuchia và nhân dân Lào” để làm gì? Ai đã ra lệnh, chi viện cho Việt Nam làm như thế, và với mục đích gì?

Sách sử không dám giải thích vì mấy chữ “nghĩa vụ quốc tế”, không những mơ hồ mà còn tiềm ẩn tổn thất về người và của mà phiá Việt Nam đã tiêu hao ở Lào trong 20 năm theo đuổi chiến tranh xâm lăng Việt Nam Cộng hòa, và thêm 10 năm Việt Nam xâm lăng và chiếm đóng Kampuchea để đánh nhau với quân Khmer đỏ của Pol Pot từ 1979 đến 1989.

Sau 10 năm phiêu lưu ở Cao Miên, quân Việt Nam phải rút về nước để đổi lấy bình thường quan hệ ngọai giao với Trung Hoa năm 1991, tiềp sau Hội nghị bí mật Việt-Trung ở Thành Đô (Tỉnh Tứ Xuyên bên Tầu) năm 1990.

Tổn thất của Việt Nam trong 10 nămở Cao Miên được ước tính khỏang 50 ngàn quân lính chết và lối 30 ngàn bị thương, nhưng không ai biết Việt Nam hay nước nào đền bù thiệt hại này cho những gia đình có người hy sinh?

Vậy khi sách sử Việt Nam còn thiếu minh bạch thì ai mà tin được các nhà làm sử khi họ viết trong sách mới rằng: “Sau thắng lợi của cuộc chiến đấu bảo vệ lãnh thổ ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, nhiệm vụ củng cố quốc phòng và an ninh càng được đẩy mạnh. Chiến công mới: tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận lực lượng phản động FULRO ở vùng Tây Nguyên, bắt gọn nhiều nhóm phản động, gián điệp, thám báo và làm phá sản âm mưu phá hoại của chúng, là thể hiện sự cảnh giác cao của quân và dân Việt Nam”.

Đọc những dòng này, ai cũng cảm thấy như có tiếp sức hà hơi tuyên truyền của Ban Tuyên giáo nên gía trị lịch sử đã bị bị lu mờ.

Do đó,Tổng chủ biên bộ sử Việt Nam, PGS.TS (Phó Giáo sư-Tiến sỹ) Trần Đức Cường đã nhìn nhận “ Nhiều vấn đề quan hệ Việt – Trung chưa được nhắc đến”, hoặc ông cũng “Tiếc là cuộc chiến bảo vệ biên giới giai đoạn 1980 – 1989 chưa đưa được vào bộ sử do tư liệu hầu như không có”.

Nên biết sau khi rút quân khỏi Cao Bằng và Lạng Sơn ngày 14 tháng 3 năm 1979, quân đội Trung Hoa lại mở ra mặt trận thứ hai từ 1980 đến 1990 đánh vào tỉnh Hà Tuyên (gồm Hà Giang và Tuyên Quang). Cuộc chiến kéo dài nhiều tháng ác liệt và gây thương vọng nặng cho Việt Nam xẩy ra ở Vị Xuyên, nay thuộc Tỉnh Hà Giang thành lập mới từ năm 1991.

Nhưng Giáo sư Cường lại cũng “nuối tiếc bộ sử chưa nói sâu về quan hệ Việt – Trung các thời kỳ hay sự kiện Gạc Ma năm 1988”.

Gạc Ma là bãi đá trong quần đảo Trường Sa và là nơi đã xẩy ra cuộc chiến đẫm máu giữa lực lượng phòng thủ Việt Nam và quân xâm lược Trung Hoa ngày 14/03/1988. Có 64 lính của Quân đội nhân dân đã thiệt mạng ở đây. Gạc Ma nay nằm trong tay quân Trung Hoa cùng với một số bãi đá đã biến thành đảo nhân tạo và căn cứ quân sự của Bắc Kinh.

ĐẠO ĐỨC CỦA LỊCH SỬ

Với những thiếu sót khi biên sọan bộ lịch sử quan trọng, sau 9 năm làm việc và nghiên cứu tài liệu, thử hỏi thứ “đạo đức” và “văn minh” theo tiêu chuẩn của ông Hồ Chí Minh đặt ra năm 1960 thì những nhà viết sử Cộng sản có đáng được tưởng thưởng không?

Họ hãy nghe Thiếu tướng Lê Mã Lương, người đã chiến đấu 8 năm ở biên giới Việt-Trung và được phong tặng “anh hùng lực lượng võ trang”, kể về chiến sự ác liệt tại Vị Xuyên: “Đã có cả chục ngàn người lính và thường dân ngã xuống và chừng đó người khác bỏ lại một phần thân thể mình dọc biên giới phía Bắc những năm 1979-1988. Khi nói về lịch sử, dân tộc, chúng ta phải công bằng, không ai được phép lãng quên, không ai được cố tình lãng quên sự thật này”. (Theo báo Tuần Việt Nam, 27/07/2017).

Cậu chuyện bi thương thứ hai nên kể về Pháo đài Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn.

Đó là khi: “Nhắc đến những ngày đương đầu với quân Trung Quốc tại Lạng Sơn, không thể không kể đến trận đánh tại pháo đài Đồng Đăng. Người trực tiếp chiến đấu tại pháo đài này là Đại tá – Anh hùng Nông Văn Pheo, năm nay 61 tuổi. Ông may mắn sống sót sau trận đánh vô cùng chênh lệch về lực lượng với quân xâm lược.

Để bảo toàn lực lượng, Đại tá Pheo và một số đồng đội đã phải rút lui khỏi pháo đài tìm đường về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Theo thống kê, sau 3 ngày đêm chiến đấu anh dũng, Đại tá Nông Văn Pheo đã trực tiếp tiêu diệt 70 tên địch, góp phần gây tổn thất nặng nề cho quân địch.

Nhưng đau xót thay, sau khi pháo đài Đồng Đăng thất thủ, quân Trung Quốc đã sát hại hàng trăm đồng bào ta. Pháo đài trở thành ngôi mộ tập thể lớn nhất trong chiến tranh biên giới của nhân dân Lạng Sơn.

Trước sự tấn công ồ ạt của quân Trung Quốc, Đồng Đăng và thị xã Lạng Sơn đều bị thất thủ. Quân xâm lược đi đến đâu là tiến hành đốt phá nhà xưởng, công sở, kho tàng bến bãi tới đó. Thị xã Lạng Sơn và nhiều địa phương khác gần như bị phá huỷ hoàn toàn sau khi quân Trung Quốc rút đi”. (báo Dân Việt, ngày 17/02/2018)

Chi tiết hơn, nhân chứng Hoàng Văn Liên là một trong hai người sống sót tại pháo đài Đồng Đăng, nấm mồ chung của gần 400 người cả dân thường và bộ đội Việt Nam.

Báo Tuần Việt Nam viết ngày 10/02/2018: “Nhóm của ông cùng lực lượng biên phòng chiến đấu quyết liệt. Sau ba ngày, bộ đội tại các lực lượng đã hy sinh gần hết. Những người còn lại rút vào cố thủ trong pháo đài và bắn qua lỗ châu mai. Pháo đài có 3 cửa, một cửa đã bị lấp từ trước, 2 cửa còn lại bị lính Trung Quốc chiếm giữ. Đến ngày thứ 4, lính Trung Quốc thả bộc phá và khí ngạt vào hang khiến toàn bộ gần 400 người cả dân và quân thiệt mạng. Ông và một đồng đội khác lợi dụng đêm tối đã lên khỏi hang rút đi, trở thành 2 nhân chứng cuối cùng cho câu chuyện bi tráng ở pháo đài Đồng Đăng”.

“Pháo đài Đồng Đăng vẫn ở đó, trở thành chứng tích của một sự kiện lịch sử, là nấm mồ chung của gần 400 người Việt Nam”. (Tuần Việt Nam, ngày 10/02/2018)

Nhìn chung, nhiều biến cố đau thương của Tỉnh Lạng Sơn trong cuộc chiến tranh biên giới 1979 đã bị sách sử mới của Việt Nam cố tình bỏ quên.

Chẳng hạn như chi tiết này của Phóng viên Trường Sơn: “Theo công bố chính thức, Lạng Sơn đã loại khỏi vòng chiến 19.000 quân Trung Quốc, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn và 4 tiểu đoàn địch, phá hủy 76 xe tăng, thiết giáp, 52 xe quân sự. Để lập nên chiến công này, quân dân Lạng Sơn cũng đã phải chịu hy sinh to lớn: Sư đoàn 3 hy sinh và bị thương gần 1.500 cán bộ chiến sĩ; Sư đoàn 337 hy sinh 650 cán bộ chiến sĩ, Sư đoàn 338 hy sinh 260 cán bộ chiến sĩ, Trung đoàn 197 hy sinh và bị thương 168 cán bộ chiến sĩ…” (Infonet, ngay 17/02/2018)

Vậy thương vọng đôi bên ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Tuyên) ngày ấy ra sao?

Phóng viên Hòang Thùy của Việtnam Express cho biết trong bài viết ngày 25/07/2014: “Mặt trận Vị Xuyên – Thanh Thuỷ được xác định là vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh chống lấn chiếm biên giới phía Bắc 1984-1989. Trong vòng 4 tháng (4/1984 – 8/1984), Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 7.500 quân Trung Quốc…”.

Thương vong của phiá quân đội Việt Nam thì nhiều tài liệu nói là có khỏang 4,000 người đã hy sinh, một nửa trong số này vẫn còn nằm ở chiến trường.

Với những tang thương ngất trời như thế mà ở Việt Nam vẫn có những kẻ làm tay sai cho Tầu phương bắc để rước voi về dày mồ như đã thấy ở Dự án Bauxite Tây Nguyên và Formosa Hà Tĩnh.

Cách ứng xử này làm gì có “đạo đức” và “văn minh” như ông Hồ tuyên truyền cách nay 58 năm vì nó không phải là của những con người có truyền thống và văn hoá Việt Nam.

Càng đáng khinh hơn khi có những lãnh đạo đã đang tâm đánh đổi xương máu chiến sỹ và đồng bào trong chiến tranh biên giới để được yên thân với giặc Phương Bắc mà không biết hèn và nhục là gì.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular