Vào 7h tối ngày 28/8/2009, nghĩa là cách đây đúng 10 năm, tôi bị công an chộp bất ngờ tại một quán cafe ở cạnh ĐH Mỹ thuật Hà Nội. Sau đó, đưa về Cơ quan ANĐT Bộ Công an, rồi lại về đồn CA phường, lòng vòng đổi xe “đánh tâm lý” lên xuống rồi, các đồng chí mới tống “đối tượng” về B14 lúc khoảng 8h30-9h tối.
Tôi đã mất 9 ngày đêm trong trại. 9 ngày để một phóng viên lề phải, “em bé Hà Nội” ngây ngô va chạm với những thứ kinh tởm nhất trong đời (tính đến thời điểm ấy).
Ngây ngô đến mức tôi tưởng trong trại, vào mùa đông, có nước nóng để tắm. Tôi tưởng cho người khác mượn tài khoản ngân hàng là có tội, mà tội lớn lắm. Tôi tưởng có tội mà nhận thì chắc chắn sẽ được hưởng khoan hồng, gọi là “tình tiết giảm nhẹ”. Tôi tưởng với công an, cứ thành thật, đừng quanh co, giấu giếm, coi như trăm sự trông cậy vào các đồng chí điều tra viên, thì sẽ được thả nếu vô tội hay là sẽ được xử nhẹ, xử đúng nếu có tội.
Ra khỏi trại, tôi vẫn thắc mắc khôn nguôi, và nghĩ mãi mới dám hỏi nhỏ một người bạn rất thân: “Anh, nếu vô tội thì mình có nên nhận tội không?”. Anh bạn tôi (là luật sư Nguyễn Hồng Trường, cố vấn của Quỹ IDG, đã mất năm 2017) bật cười: “Nguyên tắc là không có tội thì không được nhận tội, em ạ”. Anh nói xong tôi mới thấy nhẹ cả người. Trời ơi, có cái nguyên tắc căn bản như thế mà tôi cũng không biết. Ở trong trại thì công an chỉ “ân cần” khuyên tôi thành khẩn thôi (kết hợp với đập bàn đập ghế, quát, xỉa xói móc mỉa…).
Dĩ nhiên, ngày đó tôi cũng chưa từng nghe nói đến “Bộ luật Hình sự”, “Điều 258”, “an ninh quốc gia”. Tôi chẳng hề biết đến các khái niệm “tạm giam”, “tạm giữ hình sự”, “khởi tố vụ án”, “khởi tố bị can”, “viện kiểm sát”… này nọ. Tôi không hề biết trước là sẽ bị giam 9 ngày hay bao lâu. Có lúc công an nói với tôi là tội của tôi có thể ngồi tù tới 20 năm. Trời đất, 20 năm tù vì hành vi cho mượn tài khoản ngân hàng để ai đó in áo kêu gọi “màu xanh cho Tây Nguyên”? Có cái gì vô lý hơn thế trên đời? Tôi lờ mờ hiểu đó là một sự bất công và vô lý cùng cực, nhưng… cũng phải chịu chứ biết làm thế nào, luật pháp mà, ai bảo làm sai luật (!). Tôi đâu hiểu rằng khi luật pháp là công cụ của chế độ độc tài, thì thân phận mỗi người dân bị trị chỉ như con sâu cái kiến, và công lý không thể tồn tại.
10 năm đã qua. 10 năm là thừa đủ để phóng viên lề phải, “em bé Hà Nội” thuở ấy thay đổi.
Thay đổi lớn nhất là… sự cố ấy đánh thức trong con người tôi một điều gì như là “cảm thức công lý”. Tôi cảm nhận về sự bất công của luật pháp Việt Nam, về sự tồi tệ của thể chế độc tài và sự tăm tối của xã hội dưới chế độ độc tài, rõ hơn bao giờ hết. Rõ đến mức không cần phải là chuyên gia về luật pháp, không cần phải là luật sư, thẩm phán, tôi tin rằng bất kỳ người nào, có lương tri ở mức tối thiểu, với cảm nhận tối thiểu về công lý, đều có thể thấy rõ sự đồi bại, hủ lậu của nền luật pháp và hệ thống chính trị Việt Nam.
Và từ chuyện thấy nó, tôi quyết chống lại nó. Tôi không muốn tiếp tục có những người dân hiền lành, vô tội, thấp cổ bé họng như tôi ngày ấy, ngơ ngác giữa một bầy công an, mếu máo khóc lóc. Không muốn tiếp tục có những gia đình tan nát vì người thân dính vòng lao lý, những cha mẹ già đạp xe đi khắp nơi tìm cửa kêu cầu, cứu con.
Xa hơn nữa, tôi không muốn tiếp tục những cảnh ly tán, người vào tù, kẻ lưu vong, và tôi khao khát một đất nước yên bình, dân chủ tự do, dân chúng yêu thương nhau, không còn bóng nạn nhân của oan sai và vi phạm nhân quyền.
Có một điều tôi chưa từng kể cho ai. Vào cái đêm cuối cùng trong trại B14 (lúc ấy, vẫn chưa hề biết sẽ phải ngồi tù bao lâu), tôi đã nghiến răng lại mà tự nhủ: “Nếu tao được thả, thì thôi, coi như vụ này bỏ qua. Còn nếu tao bị tù, tao thề rằng chúng mày sẽ có một Lê Thị Công Nhân thứ hai”. (Sự thực là hồi đó, tôi không biết đến bất kỳ một nhà hoạt động, bất đồng chính kiến nào, chỉ biết và nhớ mỗi cái tên Lê Thị Công Nhân vì nghe… lạ).
Thực tế diễn ra sau đó cho thấy tôi… không làm như lời tôi từng tự nhủ. Bởi vì được thả sau 9 ngày rồi mà tôi vẫn chống Nhà nước, và càng ngày càng chống dữ hơn, do tôi cảm nhận thấy quỹ thời gian cho Việt Nam đang cạn dần.
Nhưng chẳng có gì để tôi phải tiếc nuối. Nếu có, thì luôn là sự tiếc nuối vì đã không chiến đấu sớm hơn.