VOA
Điều lấn cấn lớn nhất trong việc đưa thi thể 39 người Việt tử vong trên đường nhập cư lậu vào Anh không phải là thủ tục mà là tiền bạc, một gương mặt quen thuộc trong làng giải trí của người Việt hải ngoại từng tham gia xử lý một vụ chuyển thi thể từ Mỹ về Việt Nam, cho biết.
Hiện giờ việc xác định danh tính 39 nạn nhân tử vong hôm 23/10 trong thùng xe đông lạnh từ Bỉ đến Essex, Anh quốc, đã hoàn tất. Tất cả đều là người Việt Nam chủ yếu đến từ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, công an Việt Nam sau khi sang Anh phối hợp với cảnh sát Anh cho biết.
Vấn đề kế tiếp là làm sao chuyển các thi thể này về lại quê nhà. Gia đình các nạn nhân nói với VOA họ mong được nhận thi thể để mai táng ở quê nhà. Trong khi đó, Reuters đưa tin rằng chính quyền sở tại đã đến thuyết phục thân nhân chấp nhận phương án nhận tro cốt.
‘Quá trình phức tạp’
Trao đổi với VOA, ông Dũng Taylor từ khu Little Saigon thuộc bang California, người vừa tới tận hiện trường vụ án mạng bên Anh để tìm hiểu về thảm kịch này, nói rằng đưa thi thể là một việc ‘phức tạp’.
“Thứ nhất là về mặt an ninh: phải làm sao đảm bảo không có ai đưa những vật ngoài, những mặt hàng cấm, không an toàn vào thi thể để được chuyển về,” ông Dũng cho biết. Ông cũng từng tham gia vào việc hồi hương thi thể diễn viên hài Anh Vũ về Việt Nam, người qua đời đột ngột khi đang lưu diễn ở Mỹ hồi đầu năm.
“Thứ hai là phải đảm bảo thi thể trong nguyên cuộc hành trình không bị hư hỏng, thối rữa trong một cái hòm đóng kín,” ông nói thêm. “Ở Việt Nam khí hậu nóng, nếu thi thể không được bảo quản đúng mức thì sẽ rắc rối.”
Tuy nhiên, trong khi vụ tử vong của diễn viên Anh Vũ là việc của một cá nhân nên ‘gia đình và người thân phải đứng ra lo hết thủ tục này thủ tục kia’ thì trong vụ 39 người mọi thủ tục được kênh ngoại giao hai nước Anh-Việt giải quyết, ông Dũng cho biết. “Cho nên không còn gặp khó khăn về giấy tờ nữa,” ông nói.
“Chính phủ Anh đã nhận dạng 39 người và xác định được nguyên nhân cái chết và đã chuyển giao cho Chính phủ Việt Nam.” “Còn đối với Anh Vũ thì gia đình phải đến, chờ khám nghiệm và tuyên bố nguyên nhân tử vong xong xuôi hết thì mới được nhận thi thể.”
Theo ông, các thi thể có thể được vận chuyển bằng máy bay thương mại như là ‘hàng hóa’ đặc biệt được thông quan trước nên ‘vào trước ra trước’.
“Thi thể nằm trong khoang đặc biệt bên trong có dụng cụ ướp lạnh,” ông nói và cho biết khi quá cảnh và nối chuyến bay, thi thể ký gửi sẽ được nhân viên sân bay chuyển từ máy bay này sang máy bay khác như mọi hàng hóa khác.
Theo lời ông Dũng thì mỗi chuyến bay thương mại sẽ ‘có chỗ để vận chuyển từ 2 đến 4 thi thể’.
“Cho nên nếu đem 38 thi thể (1 thi thể đã được thân nhân đồng ý nhận tro cốt) về thì phải chia ra nhiều chuyến, đi nhiều hãng. Còn nếu đưa đi hết một lần thì phải thuê một chuyến bay riêng,” ông giải thích.
Còn nếu vận chuyển tro cốt thì ‘mọi việc sẽ dễ hơn nhiều’, ông Dũng nói.
“Sau khi kiểm tra xong thì tro cốt sẽ được cho vào hủ, được niêm phong lại theo thủ tục an ninh. Tro cốt khi về đến Việt Nam thì hải quan Việt Nam sẽ kiểm tra lại đúng là tro cốt thì sẽ cho nhận,” ông nói thêm.
Ông cho biết nếu giải quyết theo phương án hỏa táng thì tất cả 39 tro cốt có thể được đóng chung vào một kiện hàng và gửi trên cùng một chuyến bay. Còn nếu như có thân nhân ở Anh thì thân nhân có thể ôm theo tro cốt lên máy bay như hành lý xách tay.
Chi phí đắt đỏ
Ông Dũng nói qua tìm hiểu tận nơi trong chuyến đi Anh vừa rồi, ông biết được chi phí để đưa thi thể từ Anh về Việt Nam dao động từ 8.000 đến 15.000 bảng Anh cho một thi thể ‘tùy vào đi bằng hòm sắt (rẻ hơn) hay bằng hòm gỗ kín lại hết’. Trong khi đó, chi phí để hỏa táng mỗi thi thể bên Anh chỉ từ ‘500-700 bảng’, ông nói thêm.
“Vấn đề rắc rối của phía chính quyền Việt Nam là nếu nhận hết 38 thi thể này về đến sân bay Nội Bài thì quãng đường vận chuyển còn lại từ Nội Bài về đến quê nhà nạn nhân thì ai sẽ lo?” ông Dũng nhận định và cho biết chi phí để thuê một xe thùng lạnh đưa thi thể từ Hà Nội về đến Nghệ An hay Hà Tĩnh lên đến cả trăm triệu đồng.
“Do vấn đề này nên bên Anh cũng khuyên phía Việt Nam nên nhận tro cốt vì nhanh gọn hơn.”
Ông nói rằng ông hoàn toàn thông cảm với nguyện vọng của các gia đình nạn nhân là ‘muốn nhìn mặt người thân của họ lần cuối trước khi an táng’ nhưng ‘số tiền thì ai sẽ lo?’
“Tôi nghĩ nguyện vọng nhìn mặt người thân lần cuối không phải là quá đáng. Tôi có 4 người con nên tôi rất là hiểu và chia sẻ với họ,” ông nói.
“Nhưng đòi hỏi cái gì cũng phải nằm trong điều kiện của mình. Còn khi vượt khỏi tầm kiểm soát của mình thì được cái gì thì nên chấp nhận cái đó,” ông nói thêm.
Khi được hỏi nếu các nạn nhân này có thân nhân bên Anh thì có thể nhờ họ đứng ra lo liệu được không, ông cho rằng những thân nhân này ‘tình trạng cư trú cũng rất bấp bênh’ nên không dám đứng ra vì sợ lộ mặt.
Còn nếu để các gia đình từ Việt Nam sang Anh cho họ nhìn mặt người thân của họ lần cuối rồi hỏa thiêu đem tro cốt về, ông Dũng nêu vấn đề ‘họ có đủ chi phí để đi hay không?’
“Nếu như họ có đủ chi phí qua Anh thì tại sao lại không đủ chi phí thuê xe đông lạnh vận chuyển thi thể từ sân bay Nội Bài về quê?” ông lập luận.
“Các gia đình nói là họ không có tiền. Họ muốn nhìn mặt người thân nhưng lại muốn chính quyền tài trợ hết.” Do đó, theo ông Dũng, nếu các thân nhân ở Việt Nam nóng lòng thì cách nhanh nhất là ‘nhận lại tro cốt’, còn nếu không thì ‘phải chờ đợi trong nhiều tháng’.
“Theo dư luận hiện giờ thì phần lớn người dân Việt Nam không muốn chính phủ bỏ tiền ngân sách ra đưa các thi thể nạn nhân về nước,” ông nhận định.
Về phản ứng của người Việt ở Mỹ, nhất là ở Quận Cam, nơi có đông đảo người Việt, ông Dũng nói qua quan sát của ông trên thực tế, “ai cũng thương tâm và chia sẻ, nhưng phần đông cho rằng nên đem tro cốt về.”
“Một phần vì chi phí quá cao. Một phần vì thi thể (được trữ lạnh) đã biến dạng. Hình ảnh nhìn lần cuối có thể sẽ ám ảnh gia đình cả đời,” ông giải thích.
Ông Dũng cho biết trong cộng đồng người Việt khi xảy ra trường hợp du khách từ trong nước qua Mỹ tử vong hay Việt kiều về nước chết đột ngột thì ‘rất nhiều trường hợp chuyển thi thể trở về’.
“Ở cả Mỹ và Việt Nam thì ai cũng muốn đem thi thể về để chôn hết. Nhưng đó là những nhà có điều kiện và mọi thứ nằm trong tay của họ,” ông nói.