Thú thực, tôi luôn hồi hộp vì rất sợ Việt Nam thắng trong các kỳ thể thao khu vực.
“3 cm là chiều cao tăng lên của người Việt Nam sau hơn 1 phần tư thế kỷ. Đây là con số thấp so với hầu hết các nước trong khu vực. Theo khảo sát các chuyên gia sức khỏe đại học Stanford ở Hoa Kỳ thực hiện hơn 100 quốc gia, Việt Nam nằm trong các quốc gia lười vận động nhất thế giới, với chỉ khoảng 15,3% số người dân tập thể dục nhiều hơn ba mươi phút mỗi ngày. Theo nghiên cứu từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia 5 năm qua số mắc tăng huyết áp ở Việt Nam đã tăng hơn gấp rưỡi, số mắc đái tháo đường tăng trên 200% trong vòng 10 năm” (VTV).
Môn thể dục trong nhà trường hiện nay, dù không hay nói ra, nhưng trong thâm tâm của tất cả, từ học sinh, giáo viên cho đến các nhà quản lý, vẫn chỉ coi là “môn phụ”, là giải lao cho vui. Các hoạt động thể thao học đường thực chất thì lại càng thê thảm hơn nữa, vì nếu có tổ chức thì chủ yếu cũng chỉ vì câu chuyện thành tích kinh niên, chứ không phải nhu cầu tự thân như một sinh hoạt bình thường và lành mạnh. Nó trái hẳn với các nước phát triển: đoạt giải trong môn bóng chày còn quan trọng hơn một cái giải toán quốc tế!
Câu chuyện thể thao ở Việt Nam, như tôi hình dung, không khác là bao so với các giải thi học sinh giỏi: trong khi chất lượng của cả nền giáo dục bết bát, bằng cấp không được quốc tế công nhận, nhưng vẫn luôn có những tấm huy chương Olympics lóng lánh trong các kỳ thi khu vực và quốc tế. Nó chính là thuốc mê hay một thứ màn thưa che mắt được không ít người, và thường gây nên những cơn tự hào đê mê kéo dài.
Nếu “học sinh giỏi” của Việt Nam là nuôi vài con gà chọi giữa bầy gà công nghiệp, thì thể thao là một phiên bản đồng dạng.
Xin hết sức thông cảm vì đã nói lời khó nghe: Trong tình hình này, thua thường mang lại nhiều ý nghĩa hơn là thắng, vì ít ra nó có thể giúp cho một số người giật mình tỉnh giấc, thay vì chìm đắm vào một cơn mê sảng trường thiên.
Thái Hạo