Monday, December 23, 2024
HomeCHÍNH TRỊ - XÃ HỘITheo chân dòng tiền vào nhiệt điện than

Theo chân dòng tiền vào nhiệt điện than

TIẾNG DÂN

LTS: Theo thông tin trong bài báo sau đây, đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Trung Quốc đã đầu tư vào 14 trong số 27 dự án điện than tại Việt Nam, với tổng số vốn cho vay của bốn ngân hàng TQ, chiếm tới hơn 80% hỗ trợ tài chính của nhóm ngân hàng thương mại và bằng 25% tổng nguồn vốn cho vay bởi tất cả các tổ chức tài chính nước ngoài.

Mục đích của các dự án này vừa giúp Trung Quốc TQ giải cứu số thiết bị nhiệt điện kỹ thuật tồn đọng trong kho của họ lẽ ra phải phế bỏ, vừa biến Việt Nam thành con nợ lâu dài, thu được lợi nhuận cao, và nhất là giải cứu nạn thất nghiệp ở Trung Quốc, giải quyết nạn thiếu cô dâu cho số nhân công đó nhờ xuất khẩu lao động nam sang VN điều hành các dự án.

Các dự án này góp phần tàn phá môi trường sống ở Việt Nam. Họ xả khí thải, chất thải và nhiệt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của cư dân địa phương. Không những thế, họ còn ngang nhiên kiểm soát khu vực quanh nhà máy và biến khu vực nơi họ đầu tư làm nơi sinh hoạt, giống như lãnh địa riêng của họ.

____

TBKTSG

Theo chân dòng tiền vào nhiệt điện than

Trung Chánh

29-12-2017

Một dự án nhiệt điện than đang được xây dựng ở Hậu Giang. Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG) – Để có công suất điện than hơn 13.000 MW như hiện nay, ngoài việc phải huy động một lượng vốn lên đến gần 40 tỉ đô la Mỹ để xây dựng các nhà máy thì ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề được các nhà chuyên môn cảnh báo. Trong khi đó, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất điện than đến năm 2030 tới 55.000 MW.

Những ai bơm tiền cho điện than Việt Nam?

Theo báo cáo “Phát triển nhiệt điện than ở Việt Nam: Góc nhìn tài chính” của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), để có được công suất hơn 13.000 MW điện than như hiện nay, Việt Nam đã huy động 39,789 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư. Trong đó, nguồn vốn trong nước chiếm 17%, tương đương khoảng 6,6 tỉ đô la Mỹ (gồm vốn của chủ đầu tư trong nước và vốn vay từ các ngân hàng trong nước); vốn nước ngoài chiếm 52%, tương đương khoảng 21 tỉ đô la Mỹ (gồm vốn của chủ đầu tư nước ngoài và vốn vay từ các ngân hàng nước ngoài) và 31% nguồn tiền được huy động từ các nguồn không xác định được.

Cụ thể, theo báo cáo của GreenID, đối với nguồn tài chính trong nước, có 4,1 tỉ đô la Mỹ là vốn của chủ đầu tư và 2,5 tỉ đô la Mỹ là vốn vay từ các ngân hàng trong nước. Trong đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) dẫn đầu với 1,075 tỉ đô la Mỹ; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) 705 triệu đô la Mỹ; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 374 triệu đô la Mỹ; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) 126 triệu đô la Mỹ. Ngoài ra, các tên tuổi khác như LienVietPostBank, Eximbank, Agribank, Maritime Bank, BaoViet Insurance cũng cung cấp tài chính cho nhiệt điện than.

Đối với nguồn tài chính nước ngoài, báo cáo này cho biết, có khoảng 4,5 tỉ đô la Mỹ do chủ đầu tư nước ngoài bỏ ra và khoảng 16,5 tỉ đô la Mỹ vay từ các tổ chức tài chính nước ngoài.

Có 23 tổ chức tài chính nước ngoài cấp vốn cho nhiệt điện than ở Việt Nam và được phân loại thành ba nhóm chính, gồm cơ quan tín dụng xuất khẩu, ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính hỗ trợ phát triển.

Trong đó, nhóm cơ quan tín dụng xuất khẩu chiếm 51% (8,3 tỉ đô la Mỹ), với sự tham gia của năm tổ chức, gồm Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (4,048 tỉ đô la Mỹ), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (1,762 tỉ đô la Mỹ), Công ty Bảo hiểm thương mại Hàn Quốc (1,294 tỉ đô la Mỹ), Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (1,207 tỉ đô la Mỹ) và Ngân hàng Euler Hermes của Pháp (21 triệu đô la Mỹ).

Nhóm ngân hàng thương mại chiếm 32% (hơn 5 tỉ đô la Mỹ), gồm 16 ngân hàng, trong đó có năm ngân hàng Trung Quốc, năm ngân hàng Nhật Bản và sáu ngân hàng đến từ các quốc gia khác (Anh, Pháp, Thụy Sỹ, Ý và Singapore). Đứng đầu là các ngân hàng Trung Quốc, như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (1,573 tỉ đô la Mỹ), Ngân hàng Công thương Trung Quốc (1,08 tỉ đô la Mỹ), Ngân hàng Trung Quốc (787 triệu đô la Mỹ), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (783 triệu đô la Mỹ). “Tổng vốn cho vay của bốn ngân hàng này chiếm tới hơn 80% hỗ trợ tài chính của nhóm ngân hàng thương mại và bằng 25% tổng nguồn vốn cho vay bởi tất cả các tổ chức tài chính nước ngoài”, báo cáo của GreenID viết.

Còn nhóm tổ chức tài chính hỗ trợ phát triển chiếm 17% (hơn 2,7 tỉ đô la Mỹ). Có tám quốc gia và một ngân hàng phát triển đa phương tham gia. Trung Quốc là quốc gia cung cấp tài chính lớn nhất với 50% nguồn tài chính của nhóm này, kế đến là Nhật Bản (23%), Hàn Quốc (18%)…

Như vậy, có thể thấy việc phát triển nhiệt điện than ở Việt Nam thời gian qua phụ thuộc phần lớn vào nguồn tài chính nước ngoài, trong đó Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu.

Vì sao Trung Quốc là nước bơm tiền nhiều nhất?

Bà Nguyễn Thị Hằng, điều phối viên chương trình nghiên cứu của GreenID, cho rằng có một mối liên hệ “khắng khít” giữa nguồn tiền của Trung Quốc đổ vào các dự án nhiệt điện than của Việt Nam và sự hiện diện của các tổng thầu Trung Quốc trong những dự án này. “Trong số 27 nhà máy đang vận hành, có 14 nhà máy được xây dựng bởi tổng thầu Trung Quốc, tương ứng với 14 nhà máy nhận nguồn tài chính từ quốc gia này”, bà Hằng dẫn chứng.

Bà Hằng cũng dẫn báo cáo “Carbon trap: how international coal finance undermines the Paris Agreement” (Bẫy carbon: nguồn tài chính quốc tế cho điện than đã làm suy yếu Hiệp định Paris như thế nào), trong đó chỉ ra một động cơ khác của việc cấp vốn của Trung Quốc là để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thiết bị, các dịch vụ tư vấn, thiết kế và xây dựng từ các công ty của quốc gia này sang Việt Nam. “Trung Quốc có động lực mạnh mẽ để xuất khẩu các thiết bị nhiệt điện than sang các nước là vì tình trạng dư thừa công suất nhiệt điện than trong nước cũng như nhu cầu sản xuất nhiệt điện than của nước này giảm mạnh do những thay đổi về chính trị, kinh tế và mối quan ngại về ô nhiễm môi trường ngày một tăng cao”, bà Hằng giải thích và nói rằng trong bối cảnh đó thì các công ty sản xuất thiết bị và xây dựng nhà máy nhiệt điện than Trung Quốc phải tìm cách xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài như là một giải pháp thay thế để tiếp tục phát triển.

Theo bà Hằng, phần lớn những công ty đó là của nhà nước, do đó, khó khăn của những công ty này được Chính phủ Trung Quốc đặc biệt quan tâm, tìm cách tháo gỡ. “Bên cạnh động lực xuất khẩu thiết bị, việc cung cấp tài chính cho nhiệt điện than ở Việt Nam còn mở đường đầu tư cho Trung Quốc trong các dự án cơ sở hạ tầng và nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, nâng cao vị thế kinh tế, chính trị của Trung Quốc trên thế giới”, bà Hằng cho biết.

Tìm cách hạn chế dòng tiền vào điện bẩn

Để đạt mục tiêu công suất điện than đến năm 2030 là 55.000 MW như Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã vạch ra, GreenID cho biết, ngoài gần 40 tỉ đô la Mỹ mà Việt Nam đã huy động thời gian qua, còn cần thêm một lượng vốn lên đến 46 tỉ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, trước những mối nguy về ô nhiễm môi trường từ nhiệt điện than đã và đang diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng như ở Việt Nam, liệu rằng có nên tiếp tục huy động vốn để làm điện than nữa hay không, nhất là khi Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo?

Rõ ràng, với những động cơ “bơm tiền” vào nhiệt điện than như nêu trên của các nhà đầu tư nước ngoài thì việc ngăn dòng tiền vào điện than, nếu muốn, sẽ hết sức khó khăn.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ, dẫn câu chuyện cách đây vài năm về sự kiện các doanh nghiệp lớn sang Lào và Campuchia phá rừng trồng cao su, gây ảnh hưởng đến môi trường. Lúc đó, có một số tổ chức đã yêu cầu ngân hàng cung cấp tài chính cho họ rút khỏi những dự án đó, nếu không sẽ bị đưa vào danh sách đen. “Tôi nhớ ở Việt Nam cũng có ông bị và ngân hàng của Đức họ rút, không cho vay nữa”, ông Tuấn nói.

Ở Việt Nam, theo ông Tuấn, cần tuyên truyền mạnh và cho người dân biết chuyện ngân hàng nào đã cung cấp tín dụng cho phát triển nhiệt điện than, gây ảnh hưởng đến môi trường, để họ có phản ứng cần thiết với ngân hàng đó. “Tiền ngân hàng cho vay ở đâu mà có?”, ông Tuấn nêu câu hỏi và giải thích là chủ yếu do người dân và doanh nghiệp gửi vào.

Theo bà Hằng, vấn đề nêu trên đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. “Ví dụ, năm 2013, các tổ chức và mạng lưới gồm Rainforest Action Network ở Mỹ, Urgewald ở Đức và Greenpeace đã có hàng loạt hoạt động gây áp lực tới ngân hàng Goldman Sachs, Deutsche Bank và Credit Suisse, yêu cầu những ngân hàng này không tham gia vào việc phát hành cổ phiếu của công ty than Ấn Độ”, bà Hằng dẫn chứng.

Ngoài ra, bà Hằng cho rằng tác động tới chính phủ các nước để ban hành chính sách thắt chặt nguồn tài chính công cho điện than cũng là một giải pháp. “Dưới áp lực của các phong trào môi trường và thoái vốn, nhiều quốc gia đã ban hành chính sách thắt chặt hoặc dừng cung cấp tài chính cho nhiệt điện than, gồm Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, và Anh”, bà Hằng cho biết.

Theo bà Hằng, vào tháng 11-2015, các bên tham gia vào thỏa thuận Hợp tác và Phát triển kinh tế về hỗ trợ tín dụng xuất khẩu chính thức (OECD Arrangement), gồm Úc, Canada, Liên hiệp châu Âu (EU), Nhật Bản, New Zealand, Na Uy, Thụy Sỹ và Mỹ, cũng đã tán thành những quy định mới về đầu tư cho các dự án điện than. Trong đó, có những giới hạn về hỗ trợ tín dụng xuất khẩu chính thức cho những nhà máy điện than hiệu suất thấp. Thỏa thuận này đã có hiệu lực từ đầu năm 2017.

Cụ thể, để nhận được vốn vay từ các cơ quan tín dụng xuất khẩu của OECD thì các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam phải áp dụng công nghệ “trên siêu tới hạn” (SC) có thể làm giảm tối đa lượng khí thải CO2. Điều đó cùng với các yêu cầu về kiểm soát khí thải ngày một thắt chặt, chi phí sản xuất điện than sẽ ngày càng cao hơn.

“Đây là một biện pháp về chính sách nhằm hạn chế nguồn tài chính cho nhiệt điện than”, bà Hằng nhận định.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular