VOA
Một năm sau vụ kỷ luật và loại khỏi ban chấp hành trung ương đối với Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, giờ đây dư luận xã hội và người dân, đặc biệt là khối dân oan đất đai lên đến hàng trăm ngàn người Việt Nam – đang nhìn vào quan điểm và thái độ xử lý Tất Thành Cang – Ủy viên trung ương, Phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM – của Nguyễn Phú Trọng cùng Bộ chính trị của ông ta như một phép thử quan trọng về thực chất của tuyên ngôn ‘chống tham nhũng không có vùng cấm’ hay chỉ là ‘chống tham nhũng một bên’.
Vì sao Nguyễn Phú Trọng không đả động Thủ Thiêm?
Cho đến nay, rất tương đồng thời gian khiếu nại tố cáo vụ ‘ăn đất’ của giới quan chức TP.HCM ở Thủ Thiêm đã kéo dài vượt quá mọi giới hạn, vụ xử lý Tất Thành Cang và phía sau đó là ‘phe cánh chính trị’ Lê Thanh Hải đã nhùng nhằng, ‘nâng lên hạ xuống’ quá lâu, hoặc nói trắng ra là đã liên tiếp xảy đến những hành vi chạy chọt và thỏa hiệp giữa những đối tương tham nhũng với các ‘cơ quan chức năng’ và ngay trước mắt người vừa ngồi vào ghế chủ tịch nước của kẻ đã ‘chẳng may qua đời dù được tận tình cứu chữa’.
Tháng Năm năm 2018 đã có một bằng chứng hết sức hùng hồn để tố cáo âm mưu của một thế lực chính trị nào đó muốn dùng vụ Thủ Thiêm, bắt đầu từ vụ mất tích tấm bản đồ quy hoạch gốc Thủ Thiêm, nhằm ‘tống tiền’ nhóm lợi ích Lê Thanh Hải theo cách phải ‘ói ra’. Trong suốt một tuần lễ, báo chí nhà nước được đăng bài thả ga, báo có tâm cũng như báo đánh hôi và báo lợi dụng đã như thể lên đồng trong một cơn rên rỉ sướt mướt. Song sang tuần sau đó, báo chí chợt câm bặt như vừa bị một bàn tay bóp nghẹt miệng. Từ đó đến nay, tham nhũng Thủ Thiêm vẫn nguyên trạng một mớ hổ lốn, còn dân oan vẫn nguyên trạng những kẻ chỉ thiếu điều cạp đất mà ăn.
Cũng cho tới nay, hiện tượng hết sức lạ lùng là dư luận và người dân vẫn tuyệt đối không nghe Nguyễn Phú Trọng đả động đến vụ Thủ Thiêm dù chỉ một từ, tuy trong các cuộc tiếp xúc cử tri của ông ta tại Hà Nội luôn có những câu hỏi của giới tướng lĩnh về hưu và cựu thần trung thành về câu chuyện kinh thiên động địa này. Chứng kiến thái độ im lặng đầy kiên định và như thể cố ý như thế, rất nhiều người dân đã và đang cho rằng ‘Tổng Chủ’ Nguyễn Phú Trọng, nếu không dính dáng đến vụ ‘ăn đất’ Thủ Thiêm, thì cũng cố gắng ‘bảo kê’ cho những quan chức tham nhũng trong vụ này.
Chỉ ‘kỷ luật đồng chí Tất Thành Cang’?
Quá nhiều bằng chứng chỉ trong thời gian ngắn gần đây đã cho thấy bất kỳ lúc nào vụ Thủ Thiêm cũng có thể bị một thế lực chính trị – lợi ích nhóm trong nội bộ đảng cầm quyền nhấn cho chìm xuồng, nếu không luôn có sự hiện diện một phong trào đấu tranh của mạng xã hội, các tổ chức xã hội dân sự và người dân không cho chìm xuồng một cách dễ dàng như thế.
Từ tháng Năm năm 2018 khi tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm ‘vô tình’ bị báo chí nhà nước phát hiện đã bị biến mất, cho đến nay cái điều nghịch lý kinh khủng ấy vẫn còn là một bí mật khổng lồ mà không có bất kỳ cơ quan hay cá nhân quan chức nào phải chịu trách nhiệm.
Cũng cho tới nay, những bản kết luận kiểm tra và thanh tra của cơ quan Thanh tra chính phủ đã không hề làm rõ được việc ít nhất 160 ha đất dành cho tái định cư ở Thủ Thiêm ‘biến’ đi đâu hoặc biến vào túi ai. Trong khi đó, những đối tượng bị xem là ‘ăn đất’ bẫm nhất như Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang, Nguyễn Văn Đua… vẫn ung dung phè phỡn trên nước mắt và xương máu của hàng chục ngàn dân oan Thủ Thiêm, còn những tờ báo nhà nước muốn mở miệng về vụ này thì lại bị cơ quan Tuyên giáo trung ương kềm nén theo phương châm ‘cho sủa mới được sủa’.
Chỉ đến tháng Mười Một năm 2018, mới xuất hiện một ít tin tức về khả năng (chỉ là khả năng) ‘sẽ kỷ luật Tất Thành Cang’, sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương về mức độ sai phạm của Cang trong hai vụ ‘ăn đất’ ở Nhà Bè và Thủ Thiêm là ‘rất nghiêm trọng’.
Đến cuối tháng Mười Một, ngay cả nhân vật nổi tiếng bởi thói quen ‘tự bó miệng’ là Nguyễn Thiện Nhân – thân là bí thư thành ủy TP.HCM nhưng lại chưa hề làm được bất cứ điều gì giúp cho dân oan Thủ Thiêm ngoài những hứa hẹn có cánh và ý đồ chỉ muốn đẩy dân oan vào khu tái định cư để khỏi đi khiếu kiện tố cáo – cũng phải lần đầu tiên thẽ thọt về ‘Bộ Chính trị sẽ quyết định mức kỷ luật đồng chí Tất Thành Cang vào tháng Mười Hai năm 2018’.
Vì sao phải là tháng Mười Hai? Và tháng Mười Hai có gì đặc biệt?
Theo lịch trình đã được xác định ngay sau Hội nghị trung ương 8 vào tháng Mười năm 2018, sẽ có thêm một hội nghị trung ương nữa – Hội nghị 9 – được tổ chức vào tháng Mười Hai cùng năm. Hội nghị này nhắm tới mục tiêu sẽ lấy phiếu tín nhiệm các thành viên bộ chính trị và ủy viên trung ương – tương tự Hội nghị trung ương 10 vào tháng Giêng năm 2015.
Cũng tại Hội nghị trung ương 9, khả năng nhiều là vụ ủy viên trung ương Tất Thành Cang sẽ được lôi ra, tuy chưa biết Nguyễn Phú Trọng sẽ dành cho Cang tư thế gì – ‘cẩu đầu trảm’ hay một thứ gì đó đỡ nhục hơn.
Giờ đây, hy vọng còn lại của Tất Thành Cang lại là… Nguyễn Xuân Anh.
Nguyễn Xuân Anh hay Đinh La Thăng?
Vào tháng Mười năm 2017, trong bối cảnh cuộc đấu đá dữ dội của ‘hai hổ không thể cùng rừng’ ở ‘thành phố đáng sống nhất Việt Nam’ là Đà Nẵng, quan chức bí thư Nguyễn Xuân Anh – nhân vật được đồn đoán ‘thân’ với chủ tịch nước khi đó là Trần Đại Quang – đã bị đo ván trước Huỳnh Đức Thơ – chủ tịch Đà Nẵng và được đồn đoán là ‘người nhà’ của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Kết quả, Nguyễn Xuân Anh bị cách chức và bị loại khỏi Ban chấp hành trung ương tại Hội nghị trung ương 6.
Tuy thế, thân phận của Nguyễn Xuân Anh là có thể chấp nhận được trong bối cảnh ‘lò’ của Nguyễn Phú Trọng rừng rực cháy và có vẻ sẵn sàng thiêu đốt những quan chức nhúng chàm, đặc biệt là quan chức thuộc ‘phe địch’ chứ không phải ‘phe ta’.
Không bị vướng vòng lao lý, Nguyễn Xuân Anh đã yên bình cho tới nay và có lẽ đang tính kế vui thú điền viên khi tuổi về hưu còn lâu mới tới.
Nhưng Tất Thành Cang lại không hề muốn số phận ông ta phải kết thúc như người đã từng kè vai bá cổ với Cang: Đinh La Thăng.
Bởi số phận của Đinh La Thăng là quá tệ…
Vào cuối tháng Tư năm 2017, Đinh La Thăng đã bị một cú trời giáng: trong khi Thăng vẫn chứng nào tật đó khi tiếp tục chuỗi ba hoa bán trời không văn tự trên mặt báo chí, cùng lúc xuất hiện tin hàng lang ‘anh Thăng đã ‘thu xếp’ được với Hà Nội, không sao đâu’, thì Ủy ban Kiểm tra trung ương của Trần Quốc Vượng bất ngờ quy mức ‘sai phạm rất nghiêm trọng’ cho Thăng vào thời ông ta còn là chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Chỉ hai tuần sau đó, Hội nghị trung ương 5 diễn ra, Đinh La Thăng bị loại khỏi Bộ Chính trị và mất luôn cái ghế bí thư TP.HCM đầy quyền lực và đầy cơ hội khoe mẽ, dù vẫn giữ được chức ủy viên trung ương và được đưa về Ban Kinh tế trung ương để ‘nhốt quyền lực vào lồng’.
Tuy nhiên cái ghế ủy viên trung ương cho có ấy thật chẳng là gì. Chỉ ăn không ngồi rồi ở ghế Phó trưởng ban kinh tế trung ương được bảy tháng, Đinh La Thăng đã bị khởi tố và tống giam vào tháng Mười Hai năm 2017, để tròn ba tháng sau ông ta phải rền rĩ một triết lý chấn động’tâm thức cộng sản’: ‘Hãy đối xử với bị cáo như một con người!’ khi phải nhận hai mức án tổng cộng đến 31 năm tù giam.
Còn giờ đây, ngay trước mắt của Tất Thành Cang cũng là một hội nghị trung ương…
Tất Thành Cang sẽ biến thành Nguyễn Xuân Anh hay Đinh La Thăng?
Nhưng lại có một khác biệt khá lớn giữa Nguyễn Xuân Anh với Tất Thành Cang: tuy cùng là cấp ủy viên trung ương, nhưng khi bị phát hiện ‘sai phạm rất nghiêm trọng’, tài sản nổi của Nguyễn Xuân Anh chỉ mới bị phát hiện có một căn nhà phố do Phan Văn Anh Vũ ‘tặng’, chứ không phải là gần một chục ngôi biệt thự rải rác khắp Sài Gòn của Tất Thành Cang – theo một số nguồn tin trên mạng xã hội đăng tin kèm cả hình ảnh dẫn chứng rất chi tiết.
Nếu luật về truy thu tài sản có nguồn gốc bất minh sẽ được Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2019 chứ không bị thất bại vì chỉ có 1/3 ủng hộ như vào tháng Mười Một năm 2018, hẳn số biệt thự trên của Tất Thành Cang – ước tính giá trị hàng chục triệu USD – sẽ tràn trề cơ hội được cống hiến cho ngân sách đảng thông qua chủ trương ‘thu hồi tài sản tham nhũng’ của ‘Tổng Chủ’ Nguyễn Phú Trọng.
Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh ‘Anh hùng thông tin’.