BBC
Đức bắt đầu phiên tòa xét xử một công dân Việt Nam bị cáo buộc các tội danh hoạt động gián điệp và hỗ trợ bắt cóc.
Mang hai quốc tịch Việt Nam và Czech, bị cáo, được nêu danh tính viết tắt là Long N. H. 47 tuổi, bị cáo buộc là đã thuê và lái chiếc xe van được dùng để bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh hồi cuối tháng 7/2017 ở Berlin.
Đức ‘điều tra tướng công an VN’
“Ông ta bị cho là đã tham gia vào vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh và người đi cùng,” Công tố viên cao cấp, Lienhardt Weiss nói với các phóng viên bên ngoài phòng xử án.
“Ông ta bị cáo buộc là đã thuê hai chiếc xe cho điệp vụ này. Một được dùng để theo dõi các nạn nhân, còn một là để thực hiện vụ bắt cóc. Sau đó, bị cáo đã lái cả hai chiếc xe về Prague, Cộng hòa Czech, nơi ông ta thuê.”
Tuy nhiên, cơ quan công tố nói ông Long không trực tiếp cầm lái chiếc xe van trong thời điểm xảy ra vụ bắt cóc.
Luật sư của ông Long, Stephan Bonell nói với các phóng viên rằng thân chủ mình “không biết gì hết… ông ấy là con tốt thí” và rằng các nhân viên an ninh Việt Nam đã nói với ông rằng cần ông thuê xe “để đi du lịch”, hãng tin AFP tường thuật.
Ông Thanh khi đó đang đi bộ tại công viên Tiergarten ở Berlin cùng một phụ nữ được nêu danh tính là Thi Minh P. D., khoảng 24-26 tuổi, thì “cả hai bị lôi đi giữa ban ngày, vào trong một chiếc xe van Volkswagen, sau đó bị đưa về Việt Nam trái với nguyện vọng của họ”, theo lời công tố viên Weiss.
Tuần báo Đức Der Spiegel nói người phụ nữ này là người tình bí mật của ông Trịnh Xuân Thanh, người đã bay từ Paris sang để gặp ông ở một khách sạn.
Ông Weiss nói rằng sau đó, ông Thanh bị đưa về Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin, rồi đưa về Việt Nam “bằng cách nào đó không rõ”.
Tại thời điểm mà Đức nói là xảy ra vụ bắt cóc, ông Trịnh Xuân Thanh đã nộp đơn xin tị nạn.
Các điều tra viên nghi ngờ rằng đối tượng bị bắt cóc có thể đã được đưa vào xe dịch vụ cứu thương để đưa tới thủ đô Bratislava của Slovakia, sau đó bay về Hà Nội, nhật báo Đức Tageszeitung tường thuật.
“Dựa trên các thông tin chúng tôi có, thì chiến dịch này đã được lên kế hoạch và được thực hiện bởi cơ quan mật vụ Việt Nam, với sự tham gia của các nhân viên Tòa đại sứ Việt Nam ở Berlin,” ông Weiss cho biết thêm.
Ông Trịnh Xuân Thanh thông qua luật sư đại diện tuyên bố ông là nguyên cáo trong vụ việc, và tuyên bố này “đã được tòa án chấp nhận”.
Bà Petra Schlagenhauf, luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức, đại diện cho thân chủ trước tòa.
“Việt Nam không bao giờ nghĩ rằng vụ bắt cóc này có thể bị phát hiện tại đây, và không nghĩ là nó sẽ không tạo ra những sóng gió như thế,” bà luật sư nói với các phóng viên bên ngoài phòng xử án.
“Chúng tôi phải đưa ra giả thuyết rằng cơ quan an ninh Việt Nam cảm thấy rất an toàn, đủ để họ thực hiện được một vụ như thế mà không sợ bị ai phát hiện hay quan tâm đến. Đó là một sai lầm to lớn.”
Ông Long từng có thời gian đi lao động xuất khẩu tại Đông Đức, AFP tường thuật, nhưng đơn xin tị nạn của ông tại Đức bị bác. Sau đó ông tới định cư tại Cộng hòa Czech.
Luật sư bào chữa cho ông Long đã chỉ trích chính phủ Đức về việc không cân nhắc các cáo buộc của Việt Nam theo đó nói ông Thanh tham nhũng, cũng như yêu cầu của Hà Nội đòi Berlin trục xuất ông Thanh.