Hồ tiên sinh (Tổng biên tập Bồn cầu thời báo) vốn là dị nhân lừng lẫy đất thần châu, bút pháp múa gậy vườn hoang, hô phong hoán vũ đã đạt lô hỏa thuần thanh, người người kính ngưỡng. Kẻ thất phu ở nơi xa xôi này trước nay kính nhi viễn chi tuyệt nhiên không dám qua lại.
Nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt – Mỹ, tiên sinh vốn chẳng can hệ lại ngông cuồng buông lời kích động, ly gián, kẻ thất phu nghe qua cũng chỉ bịt mũi bỏ ngoài tai, nghĩ phận tiên sinh ăn cơm chúa múa tối ngày, chẳng qua vung bút lòe loẹt lừa bịp quần chúng bản xứ, ví như đá ném ao bèo, rút dao chém nước.
Chẳng ngờ Đại sứ quán quý quốc hôm nay lại cho chuyển ngữ bài viết của tiên sinh sang tiếng Việt đăng trên trang Facebook. Hành động này nếu không phải chính thức thể hiện quan điểm thì cũng xem như ra mặt nhiệt liệt ủng hộ, đồng thời muốn phổ biến những lời hồ đồ của tiên sinh đến đối tượng độc giả là nhân dân và quan viên nước Việt.
Chính vì lẽ đó, kẻ quê mùa này cũng mạn phép dùng đôi lời thô kệch mà trao đổi với tiên sinh! Khác với tiên sinh vỗ ngực đại diện cho suy nghĩ của nhiều người trong 1,4 tỷ người Trung Quốc, kẻ nơi thôn dã chỉ dám lấy phận thất phu mà lạm bàn quốc sự.
Đầu tiên, kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt – Mỹ là hoạt động song phương của hai nước đánh dấu một cột mốc mới trong quan hệ hòa hiếu giữa hai nước. Thế giới bên ngoài người người thực tâm chúc mừng, cớ sao chỉ riêng tiên sinh và những người đại diện quý quốc buông lời gièm pha? Phải chăng có đôi điều phẫn uất không cam tâm hay có tật giật mình, sợ bóng sợ gió?
Tiên sinh thử kiểm tra lại xem trong mọi hoạt động, phát biểu của tầng tầng lớp lớp đại biểu hai nước có nhắc gì đến bên thứ ba, có nhắc chi đến quý quốc?
Hai quốc gia Việt, Mỹ từng trải qua giai đoạn lịch sử đau thương, vun bồi được 25 năm quan hệ phát triển quả thật kỳ công, cần ý chí, nghị lực, thành tâm từ cả tầng lớp lãnh đạo đến tận mỗi người dân để gác lại quá khứ, hướng đến tương lai.
Tiên sinh mở đầu đã nhắc “hàng nghìn hàng vạn tấn bom xuống miền Bắc Việt Nam”, lộ rõ mưu toan kích động, ly gián.
Nếu tiên sinh chóng quên thì để kẻ thất phu này nhắc cho tiên sinh nhớ, mới từ đầu năm nay Việt – Trung hai nước cũng vừa kỷ niệm 70 năm bang giao.
Chẳng nhẽ tiên sinh muốn người ngoài nhân dịp ấy nhắc lại “Quyết Đông Hải chi thuỷ bất túc dĩ trạc kỳ ô/ Khánh Nam Sơn chi trúc bất túc dĩ thư kỳ ác” mới thấy thống khoái trong lòng?
Người Mỹ nếu có hận thù cũng chỉ dăm chục năm trở lại, chứ với quý quốc xưa nhất cũng nghìn năm có lẽ, mà mới nhất thì chỉ vài ba mươi năm. Tiếng khóc mẹ già Vị Xuyên, Gạc Ma vẫn còn văng vẳng.
Nhân bàn về lịch sử bang giao cũng xin nói thêm với tiên sinh, tiên sinh có biết vì sao Việt – Mỹ mới trải qua 25 năm quan hệ, còn Việt – Trung đã trải qua 70 năm mà trong mọi cuộc điều tra khảo sát đều cho thấy người Việt đối với nước Mỹ đều tỏ ra thiện cảm và cảm thấy tin tưởng hơn hẳn đối với quý quốc không?
Vì 25 năm quan hệ Việt – Mỹ chất đầy thiện chí, thành tâm, không xóa bỏ quá khứ, nhưng xem trọng tương lai. Còn 70 năm quan hệ với quý quốc chủ yếu chỉ nhận lại mưu hèn kế bẩn, phản trắc và chiến tranh xâm lược.
Không cần nhắc chi chuyện trúc Nam Sơn, nước Đông Hải xa xôi, những sự kiện đê hèn mà quý quốc ra tay đối với đất nước tôi trong 70 năm, từ đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, giật dây Pol Pot, tấn công biên giới phía bắc 1979 cho đến thảm sát ở Trường Sa… thiên hạ người người đều thấu. Lẽ nào tiên sinh cần tôi nhắc lại chi tiết?
Thôi thì yêu ghét nước nào là chuyện tình cảm của từng người. Nhưng trên bình diện bang giao, nước tôi không để tình cảm yêu ghét ấy chi phối, khác với quý quốc phải viện đến việc kích động chủ nghĩa dân tộc để củng cố cho sự chính danh của giới cầm quyền, suốt ngày ủ mưu đe dọa gây xung đột với lân bang, chuyển lửa ra bên ngoài, gây bất ổn hòa bình khu vực và thế giới.
Bên trong quý quốc, hôn quân thi hành bá đạo làm những chuyện thương thiên hại lý, kinh động trời đất, bên trong lòng dân oán thoán, bên ngoài người người phẫn nộ. Nhưng nước tôi dù ở sát bên cũng không viện vào đó mà điều binh trị tội, chỉ dựa vào hành xử bên ngoài của quý quốc mà nói chuyện bang giao.
Nếu đại sứ quý quốc làm được những việc thành tâm như người Mỹ, đến biên giới phía bắc bày biện thắp hương anh linh tử sĩ, đến tượng đài Gạc Ma khấu đầu tạ tội, lẽ nào người dân nước tôi còn hẹp hòi chuyện xưa chuyện cũ?
Lại nữa, tiên sinh viết rằng: “Trong nước Việt Nam có một số người theo đuổi chủ nghĩa dân tộc chống Trung Quốc”. Xin được thưa rõ cùng tiên sinh, người dân chúng tôi trước nay triệu người như một, chỉ có một thứ chủ nghĩa dân tộc là chủ nghĩa chống kẻ xâm lược bờ cõi, bất luận là ai, không cứ phải là Trung Quốc. Ngàn năm trước đã vậy mà ngàn năm sau vẫn vậy!
Trong năm điều xằng bậy mà tiên sinh liệt kê có nhắc nhiều đến thể chế, ổn định chính trị và chỗ dựa, xin thưa với tiên sinh rằng đối với nước chúng tôi, thể chế đời nào cũng chỉ là vỏ bên ngoài, cốt lõi là lợi ích dân tộc. Không bảo vệ được lợi ích dân tộc, thì cái vỏ nào cũng vô nghĩa và cũng nhanh chóng tan biến.
Huống chi thế giới ngày nay đang đối mặt cuộc biến đổi trăm năm, một phần cũng nhờ đại dịch bắt nguồn từ quý quốc, khắp năm châu các nước đều phải suy xét lại chiến lược, đường đi nước bước, lấy lợi ích làm trọng, tranh thủ cơ hội sống sót và vươn dậy, ý thức hệ chỉ còn là câu chuyện nhạt nhòa dĩ vãng, may ra còn tồn tại trên giấy tờ, khẩu hiệu.
Trong cuộc bàn luận ấy, người Việt nước tôi tự thân có những tính toán riêng của mình, biết đối thoại, biết phân biệt việc tốt, việc xấu, người xây dựng, kẻ phá hoại, không có đường thì đi mãi cũng thành đường. Không cần tiên sinh và quý quốc phải nhiều lời kích động, ly gián!
Xuyên suốt bài viết, tiên sinh bày tỏ lo sợ Việt – Mỹ bắt tay ám hại cho Trung Quốc quả thật trớ trêu. Vì chỉ nội tam giác ba nước ở thế kỷ 20, chỉ có người Việt chúng tôi, cả từ Bắc Việt đến Nam Việt trong lịch sử, mới thật đủ tư cách để phê phán việc ai cấu kết ai để gây hại cho nước còn lại!
Cũng chỉ người Việt nước tôi mới có đủ trải nghiệm và tư thế để nói về thân phận con cờ, từ những bài học trả giá bằng máu, mà không ít trong số đó đến từ phía quý quốc! Không cần bất kỳ ai rao giảng, đặc biệt từ từ quý quốc!
Là dân tộc có truyền thống hòa hiếu, chủ trương “mang đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, nhắc lại chuyện quá khứ và so sánh không phải để khoét sâu hận thù, mà để từ đó nói với tiên sinh rằng bất luận quá khứ khó khăn như thế nào, con đường hòa giải thật không khó.
Chỉ cần quý quốc từ bỏ dã tâm bành trướng, dã tâm lãnh thổ, chấm dứt vĩnh viễn can thiệp vào hoạt động dầu khí hợp pháp ở Biển Đông, chấm dứt bức hiếp ngư dân Việt, tôn trọng luật pháp quốc tế, từ bỏ đường lưỡi bò.
Đối với các thực thể chiếm đóng phi pháp ở Trường Sa, thì phi quân sự, hoàn nguyên và triệt thoái. Đối với Hoàng Sa thì dựa vào tiền lệ Bạch Long Vỹ mà trao trả. Đối với các vùng biển chồng lấn còn lại thì chiếu theo luật pháp quốc tế mà thành tâm phân định.
Nếu quý quốc làm được những việc ấy, hai nước lân bang gà gáy sớm tối đều nghe, lẽ nào lại không thể bán anh em xa mua láng giềng gần?
Kẻ thất phu này cũng nguyện mang sức tàn mà đứng ra mà lan tỏa, biểu dương thiện chí hòa bình và thành tâm của quý quốc, cổ vũ cho quan hệ hòa hiếu đời đời vững bền giữa hai nước mà không bên thứ ba nào có thể ly gián được.
Tiên sinh không còn phải múa bút viết ra những chuyện trái lương tâm! Còn kẻ thất phu này không phải nhọc công nói lời phải quấy!