Hồi học ở Liên bang Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghiã Xô Viết anh xã mình phải đọc rất nhiều sách của Lê Nin,một trong những ông tổ của chủ nghĩa cộng sản hành động. Nhưng có điều thú vị là nhà mình hầu như toàn làm ngược lại những gì các giáo sư, viện sỹ ở đó rao giảng.
Câu đầu đề bài này là câu nói nổi tiếng của Lê Nin. Nhiều trường ở Việt Nam chắc còn treo khẩu hiệu và bắt các cháu nhai đi nhai lại câu này nhiều lần trong suốt tuổi cắp sách đến trường. Còn khi được hỏi là nếu được làm lại cuộc đời thì quãng thời gian nào trong đời là anh thấy phí nhất, cần làm lại nhất anh xã mình luôn nói đó là giai đoạn học và bảo vệ luận án tiến sỹ.

Từ hồi hai cô gái đầu đang học phổ thông nhà mình đã thông báo là trong nhà không có chuyện cho hay phụ con tiền học đại học. Anh muốn các cháu theo gương bố mẹ hãy quyết tâm học giỏi để giành học bổng toàn phần. Thêm nữa anh thấy với các phương tiện tự học rộng mở như ngày nay thì việc bỏ từ bốn tới bẩy năm cuộc đời cho việc theo đuổi một cái bằng đại học là gần như quá lãng phí thời gian. Anh xã mình từng nói việc đầu tiên của các Bộ trưởng Bộ giáo dục nên làm là mời toàn bộ các thầy cô nghiên cứu cái tinh tuý của game điện tử và xây dựng bài giảng thú vị khiến các học sinh hôm nay say mê được việc học như chơi game. Cún nhà mình năm nay đang lớp 12. Vì cúm Tàu hoành hành, trẻ em ở Toronto hầu như học online ở nhà là chính. Mỗi tuần chỉ có vài tiếng học online mà lúc nào ngồi học thì trước mặt cậu cũng có ba cái màn hình. Một cái máy tính bàn để nghe thầy cô giảng, một cái laptop là đang chơi game online và cái smart phone là nhắn tin, WhatsApp, Instagram, Twitter… tanh tách không ngừng nghỉ với bạn bè. Thỉnh thoảng còn bỏ ra nấu ăn, nghe nhạc hay chơi đàn…Nói vậy để thấy là cu cậu hầu như chả thèm học cái gì thầy cô giảng cả. Vậy mà môn nào cậu cũng vẫn đạt điểm gần như tuyệt đối. Mình không nghĩ chỉ có tài năng là đủ để dẫn đến thành đạt.

Cái cần hơn cả tài năng là sự chăm chỉ lao động và vì thế mình vô cùng thất vọng với cung cách các trường ở Ontario về việc dạy trẻ giai đoạn này. Chương trình quá dễ dãi, đòi hỏi quá thấp, tinh thần cầu tiến của phần lớn thầy cũng như trò đều rớt tới thảm hại. Hôm vừa rồi con mình đề nghị là cho cậu nghỉ một năm không học tiếp lên đại học năm nay để suy nghĩ thêm là có cần đến trường học không và có thời gian giúp bố kiến tạo khu công viên nghỉ dưỡng. Cậu tin là sẽ học được nhiều từ đó hơn là đến giảng đường. Anh xã đã không phản đối lại còn khuyến khích là trừ những ngành đặc thù như y, dược, kiến trúc, kỹ sư … còn nếu định học những ngành như kinh tế, thương mại, môi trường, báo chí, lịch sử, chính trị, văn học, ngôn ngữ…thì tự học còn tốt hơn đến trường… Rồi anh dẫn chứng các ví dụ của các chủ công ty từ Apple, Facebook, Microsoft… Những kẻ dùi mài kinh sử cho lắm nhiều khi chỉ ước được đi làm thuê cho mấy người ít học và bỏ học mà thôi. Cái nhà mình muốn ở con trẻ là bản lĩnh sống mạnh mẽ, tinh thần hào hiệp, sẵn lòng giúp đỡ mọi người, bao dung và nhân ái, những cái luôn đứng trước và đứng trên rất cao kiến thức sách vở, cái không học ở đâu tốt hơn ở trường đời. Quan trọng không phải là học mà là hành.

Hôm vừa rồi hai vợ chồng mình và người bạn là bác sỹ Phong tính mua một di tích lịch sử nổi tiếng của Canada, ngôi nhà của một trong những Thủ tướng lừng lẫy nhất của Canada- John Diefenbaker. Ông nổi tiếng vì vốn là con một ông giáo làng, từ thị xã nhỏ bé có vài trăm dân mà ôm tham vọng thay đổi Canada, thành đất nước của tất cả mọi người. Ông thất bại vô cùng nhiều trong đời trước khi tới đỉnh vinh quang. Anh xã muốn mua với tâm nguyện để làm viện bảo tàng cho tất cả trẻ em Canada tới thăm miễn phí. Để cho các cháu thấm cái tinh thần quyết liệt của một người luôn sục sôi dòng máu dám mơ, dám nghĩ, dám làm. Chủ nhà và hai vợ chồng mình ngồi nói chuyện ấm áp cả tiếng và bên bán chỉ nêu điều kiện là họ không phải là người tham tiền, họ chỉ muốn trước nhất là người mua phải dọn vào ở hẳn đó và yêu quý ngôi nhà. Nghe đơn giản vậy, chỉ có dọn vào ở thôi là chúng tôi bán mà chúng mình không thể thực hiện được vì còn quá nhiều việc khác ở Toronto.

Nhân tiện ở trên vùng đó, một gia đình người bạn rủ đến chơi. Anh sở hữu hơn 2000 acres đất rừng, hồ, sông , suối thác nước…. Đất rộng săn bắn chán liền làm nhà máy xẻ gỗ. Trời tháng 10 Canada se lạnh mà vẫn áo cộc tay giới thiệu say mê về rừng, về gỗ, về nhà máy, trang bị thêm cho chúng mình bao hiểu biết về lâm nghiệp. Hay nhất là cô con gái anh học xong đại học cũng không tìm việc ở thành phố mà lại về rừng, lấy chồng, nuôi con cùng nuôi đủ các con vật từ chó, chim, ngựa, lừa… Thật thú vị khi một cô gái trẻ, đẹp, tóc vàng óng ả, duyên dáng và mạnh mẽ say mê truyền cảm hứng cho bạn về các loại ngựa cô từng mang đi đua và thi đấu…
Xa cách tất cả những khói bụi ồn ào của đô thị, hít căng lồng ngực sự trong lành của rừng, bên tai là tiếng suối reo, tiếng thác nước réo rắt, hàn huyên không ngớt cùng những con người hăng say lao động và yêu quí thiên nhiên.

Đang dòng đi chơi một người bạn khác lại rủ xuống nhà nghỉ của cậu. Cậu đã đưa chìa khoá nhà nghỉ cho mình từ lâu và mời để lúc nào anh chị có thời gian thì xuống nghỉ ngơi ít ngày mà chưa khi nào đi được. Niagara Falls, danh thắng thiên nhiên nổi tiếng bậc nhất nhân loại là nơi mình qua lại không biết bao nhiêu lần trong đời nhưng lần này xuống ở nhà nghỉ của bạn lại có một tinh thần sảng khoái đặc biệt.
Niagara Falls, đạp xe dọc biên giới Canada- Mỹ Ảnh : Lan Phạm
Cùng đạp xe với Dũng chiêm ngưỡng biên giới Mỹ-Canada, thăm bảo tàng, ngắm thác, về lại cố đô đầu tiên của Canada Niagara On The Lake… trèo rừng, ra chợ mua đồ nông sản, tới trang trại nho mua rượu ice wine, tận hưởng đặc sản của vùng. Đâu đâu cũng thân thiện, trang trọng, hiện đại…

Dạo này tinh thần sống thân thiện với môi trường ở Canada lên cao, người người đạp xe, chạy bộ. Không ai biết ai cả mà thấy nhau ai cũng rối rít chào hỏi. Cứ một quãng thành phố lại treo các đồ sửa xe đạp và bơm miễn phí cho mọi người cần dùng. Mỹ, Anh, Canada từng là kẻ thù không đội trời chung của nhau mà giờ ở đâu cũng thấy ba lá cờ đại diện cho ba nước đó đứng cạnh nhau cùng tung bay phấp phới. Đất nước này được tổ chức khoa học, văn minh và nhân bản vậy mà tìm mỏi mắt không đâu thấy một tấm biểu ngữ đời đời nhớ ơn ai đó hay đảng nào đó thật là quang vinh vĩ đại gì cả…

Vài ngày học thêm bao điều. Khó sách vở nào giúp tăng cường kiến thức nhanh chóng và phong phú đến vậy.