Thấm thoát 15 ngày cũng dần trôi qua. Những người phụ nữ Lào, Cambodia và Myanmar ở cùng tôi trong phòng giam đã lần lượt bị trục xuất về nước. Phòng giam trở nên rộng rãi, cứ mỗi người được thả ra thì cả phòng đều vui. Người được về nhà cũng vui mà người còn lại cũng hy vọng họ sắp được thả. Đa số họ chỉ là những người buôn bán bình thường, tìm đường vào Thái để dễ bề kiếm sống, cho nên khi họ bị trục xuất về nước, đối với họ không quá nặng nề.
Thường thì những người nhập cư bất hợp pháp bị bắt, họ bị nhốt ở IDC vài tháng, sau đó cảnh sát Thái sẽ trục xuất họ về nước, cảnh sát Thái đưa họ về, tiền xe do người tù tự lo. Với những trường hợp có quy chế tị nạn của UNHCR, thì bị đóng tiền phạt, nếu không đóng thì cứ ở trong đó, sau đó họ bị trục xuất về nước hay không thì tôi chưa nắm rõ, vì theo luật pháp của Thái, Thái Lan không ký công ước về người tị nạn, nên họ không có trách nhiệm bảo hộ người tị nạn mặc dù đã được UNHCR cấp quy chế tị nạn.
Trước ngày bay đến Canada, tôi được cảnh sát Thái Lan đưa từ Bang Khen IDC quay lại Suan Phlu IDC để hoàn tất hồ sơ, và họ đưa tôi từ IDC này ra thẳng phi trường để đi Canada. Tại phi trường, nhân viên IOM đón tôi và theo sát gia đình tôi để hoàn thành những thủ tục lên phi cơ.
Khoảng 3 giờ sáng ngày 3/4/2025, tôi và con gái cùng với sáu người đàn ông (một em trai người Myanmar, ở Bangkok IDC 2 năm, cũng được đi định cư Canada giống như tôi, cùng với 4 người Singapore và một người Đức), tất cả đều cùng ngồi trên xe tù ra thẳng phi trường. Bốn người Singapore và người đàn ông Đức bị trục xuất về nước.
Khi chiếc xe tù chạy ra khỏi cổng IDC, người đàn ông Đức “hú” một tiếng dài, ngón tay làm cử chỉ (thô tục: Fuck you), anh ta đưa ngón tay chỉ vào cổng IDC và nói “vĩnh biệt IDC”, bốn người đàn ông Singapore cũng vui mừng không kém, đối với họ, như vừa bước ra khỏi cổng “địa ngục”. Tôi thầm nghĩ, IDC Thái Lan dù có khắc nghiệt, cũng không thể nào bằng nhà tù cộng sản Việt Nam, nếu họ phải ở tù Việt Nam trong hoàn cảnh như chúng tôi, không biết họ sẽ chửi bới thế nào nữa. Trong xe tù có rất nhiều bao nylon rác, gió thổi mạnh vào bên trong xe làm cho mấy cái bao cứ bay phấp phới như bươm bướm, bay cả vào mặt chúng tôi, chúng tôi chỉ biết nhìn nhau cười lớn.
Em trai trẻ nhất trong nhóm 4 người Singapore, nói với tôi em ở Bangkok IDC suốt 5 năm rưỡi, tôi không biết em phạm tội gì, nhưng không tiện hỏi, 3 người Singapore còn lại và cả người đàn ông Đức, có lẽ đều bị án dài, có thể ngoài việc nhập cư bất hợp pháp, họ còn bị phạm tội khác ở Thái Lan. Trên đường đi, họ liên tục reo mừng, nói rằng họ đã được sống trở lại, đã được về nhà. Em trai đó rất dễ thương, nhìn thấy tôi co ro vì lạnh, em lấy áo khoác đưa cho tôi. Một lát sau em nói với 3 người bạn rằng em đói, tôi liền đưa cho em cái bánh bông lan mà tôi có đem theo, lúc đầu em ngại không nhận, nhưng thấy tôi mời nhiệt tình, em cảm ơn và ăn ngon lành. Tôi không nghĩ rằng, có một ngày trên một đất nước khác, lại tiếp tục chia sẻ với “bạn tù” trong hoàn cảnh như vậy.
Thời gian một năm ở Thái và những ngày ở IDC đối với tôi là một trải nghiệm quý giá. Cho tôi hiểu thấu hơn về tình bạn bè, hiểu về văn hóa và tâm tánh người Thái. Người Thái Lan tâm tánh hiền hòa, sống trung thực, ngăn nắp và sòng phẳng. Luật pháp Thái Lan nghiêm khắc, nền giáo dục rất tốt, cho nên ở Thái ít xảy ra nạn trộm cắp hay những vụ án có tính chất nghiêm trọng. Vậy nên, họ “dị ứng” với người nhập cư bất hợp pháp, vì họ luôn muốn bảo tồn văn hóa và an ninh của quốc gia. Thời gian ở Thái, giúp tôi hiểu nhiều hơn về cách thức tị nạn chánh trị, vốn hiểu biết này sẽ giúp ít cho những người chưa trải qua thực tế nếu họ muốn tìm hiểu.
Mỗi chặng đường đã đi qua hoặc sẽ đi tới dù khó khăn hay thuận lợi đều là những trải nghiệm quý báu. Khó khăn giúp rèn luyện nên bản lĩnh con người. Khi con người đã từng trải qua khó khăn, họ sẽ luôn đối mặt được những sự việc sẽ xảy ra, sẽ luôn vững vàng bước tới.
Phi trường Suvarnabhumi đã thấp thoáng trong tầm mắt, em trai người Singapore và mọi người reo lên, mỗi người một cảm xúc khác nhau. Năm người đàn ông đó sẽ về nhà, về bên gia đình của họ. Tôi và em trai người Myanmar sẽ bay đến một đất nước mới, đất nước đã mở rộng vòng tay đón chúng tôi trong lúc khó khăn: Đất nước có quốc kỳ hình lá phong đỏ.
Và nơi đây, chúng tôi sẽ bắt đầu một cuộc sống mới. Riêng với tôi, không chỉ là một cuộc sống mới, mà là cả chặng đường cần phải cố gắng không chỉ cho riêng cá nhân mình.
Huỳnh Thị Tố Nga
April 14, 2025