Thursday, November 21, 2024
HomeGiáo DụcNhà hát Lớn Hà Nội : Biểu tượng của di sản kiến...

Nhà hát Lớn Hà Nội : Biểu tượng của di sản kiến trúc, nghệ thuật Pháp

RFI
Bản tin Các chương trình khác
TẠP CHÍ VIỆT NAM

Nhà hát Lớn Hà Nội : Biểu tượng của di sản kiến trúc, nghệ thuật Pháp
Thu Hằng

Nhà hát Lớn Hà Nội (Théâtre municipal de Hanoi) là công trình quy mô nhất, lộng lẫy nhất ở Viễn Đông vào đầu thế kỷ XX. Sau gần 110 năm chỉ phục vụ biểu diễn nghệ thuật và các sự kiện quan trọng, Nhà hát Lớn Hà Nội, từ ngày 06/09/2017, có thêm hoạt động mới: Đón khách tham quan.

Như vậy, khách tham quan đã có thể được ngắm một trong những công trình nghệ thuật độc đáo và “là nơi chứng kiến những cuộc “tiếp xúc” đầu tiên giữa Việt Nam với văn hóa, nghệ thuật phương Tây, cụ thể là âm nhạc và sân khấu”, theo đánh giá của nhà sử học Dương Trung Quốc.

Xây nhà hát để mở rộng phục vụ công chúng

Đầu thế kỷ XX, công chúng Pháp và một bộ phận tri thức Việt thường lui tới nhà hát Takou (ở phố Hàng Cót ngày nay), nhưng Takou dần bị quá tải, đặc biệt là vào mùa đông, khi đoàn kịch từ Pháp sang biểu diễn ở Hà Nội và Hải Phòng. Hội đồng thành phố Hà Nội đề xuất với toàn quyền Đông Dương tạm quyền lúc đó là Fourès (1896-1897) xây một nhà hát lớn hơn để có thể đáp ứng nhu cầu. Đề xuất của thành phố cũng phù hợp với dự án phát triển Hà Nội thành thủ đô xứ Đông Dương của toàn quyền Paul Doumer (1897-1902), cùng với nhiều công trình khác làm thay đổi sâu sắc bộ mặt thành Thăng Long xưa.

Đợt tuyển chọn thiết kế được Hội đồng Thành phố Hà Nội tổ chức vào năm 1899 và giải nhất thuộc về bản vẽ của kiến trúc sư Knosp nhưng sau đó bị Ủy ban kỹ thuật bác bỏ vì không khả thi. Cuối cùng, ông Babonneau, kiến trúc sư quản lý công chính thành phố Hà Nội được giao nhiệm vụ nghiên cứu sơ bộ. Việc lập dự án được giao lại cho kiến trúc sư Victorin Harley, phụ trách công trình đô thị thuộc Sở quản lý Đường bộ, và cuối cùng được thống sứ Bắc Kỳ thông qua ngày 30/03/1901.

Theo cuốn Ville de Hanoi (Thành phố Hà Nội, xuất bản năm 1905), suốt năm 1900, thành phố lên kế hoạch xây móng và lập hồ sơ đấu thầu. Đồ họa thiết kế từng bước được điều chỉnh cùng lúc với việc thăm dò khu đầm lầy để xây công trình, nằm ở đầu phố Paul Bert (Tràng Tiền ngày nay).

Phiên đấu thầu diễn ra ngày 25/04/1901, công ty của hai doanh nhân Charavy và Savelon, gần phố Thợ Nhuộm, trúng thầu toàn bộ công trình và bắt tay khởi công ngày 07/06/1901, dưới sự giám sát của kiến trúc sư công trình Victorin Harley. Công ty của hai ông Charavy và Savelon, trước thuộc về ba nhà thầu Fournier, Trelluyer và Levaché, là đối tác quen thuộc và được chính quyền thuộc địa tín nhiệm, vì đã xây rất nhiều công trình lớn ở Bắc Kỳ như nhà tù Hỏa Lò, nhà ở của quan chức, lô cốt, doanh trại pháo binh, ga Phủ Lạng Thương, bờ kè ở cảng Hải Phòng…

Vì khu vực được chọn là bãi sình lầy, mới được lấp, nên việc xây móng đặc biệt được chú ý. Người ta đóng đến 35.000 cọc tre để ổn định nền đất sau đó đổ một tấm đan bê tông dầy 0,90m để làm nền. Có thể hình dung ra được quy mô đồ sộ của công trình thông qua thống kê trong cuốn Ville de Hanoi : khoảng 12.000m3 vật liệu gồm 12 triệu viên gạch và 570 tấn gang và sắt đã được sử dụng ; 300 thợ nề miệt mài lao động hàng ngày và hoàn thiện công trình mà không để xảy ra bất kỳ tai nạn nghiêm trọng nào.

Tòa nhà được xây bằng gạch. Nền được làm từ gạch trát vữa xi măng và phần còn lại trát bằng vữa trộn từ vôi, móng được xây từ đá khai thác trong nước, bên trong sân khấu được phủ lớp gạch chịu lửa phòng cháy. Mái được làm từ đá đen có họa tiết trang trí bằng kẽm mạ vàng. Nguyên vật liệu đều được khai thác trong nước, từ gạch đến đá cẩm thạch, từ vôi đến xi măng, từ gỗ đến men… trừ mỗi sắt được uốn và rèn tại chỗ. Chính quyền thành phố tự hào vì sử dụng triệt để các loại nguyên vật liệu khác ngoài gỗ, để tránh nguy cơ bị thiêu rụi trong trường hợp hỏa hoạn như những công trình cổ ở Việt Nam.

  • © RFI / Tiếng Việt
    Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh trong cuốn hướng dẫn du lịch của L. Bonnafont, 1919, nhà in Extrême-Orient.
  • © RFI / Tiếng Việt
    Hình vẽ mặt tiền Nhà hát Lớn Hà Nội. Annuaire général de l’Indochine française (Niên bạ Đông Dương), năm 1899.
  • © RFI / Tiếng Việt
    Hình vẽ bên hông Nhà hát Lớn Hà Nội. Annuaire général de l’Indochine française (Niên bạ Đông Dương), năm 1899.

“Không phải là phiên bản của Opéra Garnier”

Không như nhiều người vẫn nghĩ, Nhà hát Lớn Hà Nội “không phải là bản sao của nhà hát Opéra Garnier ở Paris”, theo giáo sư – kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, người chủ trì công cuộc trùng tu trong những năm 1990 : “… Nếu giống, có chăng là về chức năng, cấu trúc, không gian mặt bằng… Còn về kiến trúc, Nhà hát Lớn Hà Nội là sự phát triển đặc trưng của lối kiến trúc Pháp ở một nước thuộc địa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong đó có sự biểu hiện, tiếp nối của kiến trúc tân cổ điển, kiến trúc tân Baroque và những nhân tố bản địa hóa rất đặc biệt, độc đáo và có giá trị thẩm mỹ tự thân” (1).

Mặt tiền của nhà hát được trang trí với hàng cột theo kiểu Corinth, phía trên là hàng mũ cột được trang trí với các họa tiết cành lá bằng đất nung tráng men. Nhà hát có hai tầng, trên tầng hai (tầng một, theo phương Tây), ở mặt tiền là một hành lang ngoài (loggia) khiến người ta liên tưởng đến hành lang (galerie) của điện Tuileries xưa, được xây theo thức cột Ionic. Với tổng diện tích gần 2.600 m2, Nhà hát dài 87m, rộng khoảng 30m, cao 34m tính đến chóp mái cao nhất, từ đây người ta có thể chiêm ngưỡng toàn thành phố và nhìn xa đến tận những rặng núi ở Ninh Bình, đỉnh Ba Vì, Tam Đảo…

Có thể nói, dự án Nhà hát Lớn đã phá mọi kỷ lục : ngân sách dự trù ban đầu là khoảng 600.000 franc (240.000 đồng Đông Dương), cuối cùng bị đội lên thành 2.250.000 franc ; thời gian thi công dự kiến khoảng 18 tháng, cuối cùng mất 10 năm để hoàn thiện. Lý do là sau giai đoạn kinh tế Bắc Kỳ khởi sắc vào đầu thế kỷ 20, Hà Nội không ngừng được mở rộng để xứng tầm thủ đô của Đông Dương, nhưng tất cả bỗng dừng lại từ năm 1905, bên cạnh đó là những tranh luận gay gắt với “Mẫu quốc”về những khoản chi phí đắt đỏ dành cho Đông Dương.

Trong suốt thời gian thi công, đã có lúc công trình bị bỏ hoang suốt 3 năm, chỉ khi nhà hát Takou xuống cấp nghiêm trọng, thành phố Hà Nội mới cho tiếp tục thi công. Được khánh thành vào ngày 09/12/1911, Nhà hát Lớn còn là thành quả của ba kiến trúc sư chính. Kiến trúc sư Victorin Harley là người tiến hành những khảo sát sơ bộ, bố trí công trình, chia tỉ lệ một cách hài hòa, sắp xếp sân khấu theo đúng tiêu chí hiện đại nhất lúc đó của nghệ thuật sân khấu.

Jean Bossard là kiến trúc sư thứ hai được giao lập kế hoạch hoàn thiện công trình sau 5 năm xây dựng và 3 năm bị bỏ hoang. Ông là người hoàn thiện mặt tiền, gần như được làm lại hoàn toàn và đồ sộ hơn so với bản thiết kế ban đầu, cũng như hệ thống chiếu sáng Nhà hát.

Cuối cùng, kiến trúc sư François Lagisquet là người hoàn thiện công trình với nhiều sửa đổi chi tiết giúp Opéra Hà Nội trở thành một trong những nhà hát đẹp nhất của Pháp và những vùng đất thuộc địa xa xôi. Ông cũng là người bố trí hoàn toàn khán phòng, nội thất và những hoạt tiết trang trí trên tường.

  • © RFI / Tiếng Việt Nhà hát Lớn Hà Nội.
  • © RFI / Tiếng Việt
    Mặt tiền Nhà hát Lớn Hà Nội.
  • © RFI / Tiếng Việt Nhà hát Lớn Hà Nội về đêm.
  • © CC/Vinhphat1808 Phòng khán giả bên trong Nhà hát Lớn Hà Nội.

Người bệnh tưởng : Vở kịch Pháp đầu tiên được diễn bằng tiếng Việt tại Nhà hát Lớn

Xem kịch ở Nhà hát Lớn trở thành thú giải trí cao cấp của người Pháp ở Đông Dương và giới thượng lưu, trí thức người Việt. Tuy nhiên, các vở kịch thường bằng tiếng Pháp và đa phần do người Pháp diễn. Sau 9 năm thành lập, lần đầu tiên vào ngày 25/04/1920, một vở kịch Pháp, Người bệnh tưởng (Malade imaginaire) của đại văn hào Molière, được biểu diễn bằng tiếng Việt, do người Việt thủ vai và tại Nhà hát nổi tiếng.

Người bệnh tưởng là một trong những dịch phẩm từ tiếng Pháp sang quốc ngữ của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, một trong những người tâm huyết khuyến khích người dân học “tiếng nước nhà” trong bối cảnh Bắc Kỳ bắt đầu tách khỏi “cựu học”. Đêm diễn thành công rực rỡ. Tất cả khách mời người Pháp và Việt đều ngạc nhiên vì các “nghệ sĩ” (nghiệp dư), trong đó Nguyễn Văn Vĩnh đóng vai Diafoirus, đã truyền tải được hết tinh thần của một vở kịch nước ngoài thông qua tiếng Việt.

Báo chí đương thời nhận xét lựa chọn của Nguyễn Văn Vĩnh là tinh tế vì khán giả ở mọi tầng lớp có thể dễ dàng tiếp nhận tư tưởng Tây phương được thể hiện bằng ngôn ngữ bình dân. Trên báo Nam Phong, chủ bút Phạm Quỳnh cũng đồng tình rằng thành công của vở kịch Người bệnh tưởng cho thấy có thể viết văn bằng chữ quốc ngữ được, dù ông cũng cho rằng chữ viết này còn phải được trau dồi, mở rộng để có thể truyền tải hết được kiến thức phương Tây.

Mong muốn của Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh được đền đáp một năm sau đó, khi Vũ Đình Long xuất bản tác phẩm Chén thuốc độc (1921). Với tác phẩm sân khấu đầu tiên này, chữ quốc ngữ bước vào một giai đoạn mới và sân khấu kịch không chỉ còn là lĩnh vực của riêng người Pháp.

Người bệnh tưởng (Malade imaginaire) được các “nghệ sĩ” nghiệp dư Việt Nam biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh chụp từ Lecture pour tous (Paris), 1920. RFI / Tiếng Việt

(1) Người đưa tin, “Nhà hát lớn Hà Nội, chuyện bây giờ mới kể”, 22/12/2017.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular