VOA
Người dân thủ đô của Việt Nam năm ngoái chỉ có khoảng 38 ngày hít thở không khí sạch, trong khi phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng hơn nhiều so với chuẩn quốc tế, theo nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID).
Tổ chức phi lợi nhuận của Việt Nam này mới công bố kết quả nghiên cứu chất lượng không khí ở Hà Nội, dựa trên dữ liệu được thu thập tại trạm quan trắc của Đại sứ quán Hoa Kỳ năm 2017.
Nồng độ bụi trung bình năm ở Hà Nội cao hơn khoảng 4 lần so với hướng dẫn về chất lượng không khí của WHO.
Ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc của GreenID, cho VOA Việt Ngữ biết rằng ô nhiễm bụi trung bình trong năm ở thủ đô Việt Nam “cao hơn khoảng 4 lần so với hướng dẫn về chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới” và tình trạng đó “chưa có dấu hiệu giảm trong 5 năm gần đây”.
Ông cũng nói rằng các khảo sát năm 2016 và 2017 do tổ chức của ông tiến hành cho thấy rằng “có đến 99% số người được hỏi thể hiện quan ngại sâu sắc về chất lượng không khí” và “khoảng 93% khẳng định chất lượng không khí đang tác động tiêu cực tới sức khỏe của họ”.
Theo WHO, ô nhiễm không khí cả trong nhà lẫn ngoài đường là “sát thủ thầm lặng” và là “một trong những nguyên nhân góp phần gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam”.
Ông Sính cho biết rằng vấn đề sức khỏe thường gặp là các bệnh đường hô hấp như viêm đường hô hấp cấp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi, hen, các bệnh tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, và trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương do ô nhiễm không khí.
Theo kết quả quan trắc tối 7/2 của cả Đại sứ quán Mỹ và Đức mà VOA Việt Ngữ ghi nhận, chất lượng không khí ở Hà Nội “có hại cho sức khỏe”.
Còn theo AirVisual, trang web cung cấp thông tin về tình trạng ô nhiễm không khí trên thế giới, có không ít lần Hà Nội vượt thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.
Ông Sính nói rằng tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay ở Việt Nam đã gây “quan ngại” cả với các đối tác quốc tế.
Mới đây, sau Đại sứ quán Hoa Kỳ, cơ quan ngoại giao Đức mới thông báo đã lắp đặt máy đo chất lượng không khí ở Hà Nội.
Ông cho rằng nỗ lực đó nhằm “cảnh báo về mức độ ô nhiễm cho công chúng”, và là “hành động tích cực nhằm nâng cao nhận thức của người dân”.
“Thêm vào đó, đây cũng là nguồn cung cấp dữ liệu có sẵn phục vụ phân tích để có những đánh giá toàn diện hơn về chất lượng không khí thành phố”, ông Sính nói.
Ông cho rằng “Việt Nam có tốc độ phát triển đang ở chiều rộng mà chưa có chiều sâu” và rằng “mọi chính sách đề nhằm mục tiêu phát triển mà chưa chú ý đến bảo vệ môi trường, điển hình là vụ Formosa Hà Tĩnh”.
Ô nhiễm không khí không phải là vấn đề của riêng ai…
Ông Trần Đình Sính nói.
“Ô nhiễm không khí không phải là vấn đề của riêng ai, muốn giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của chính quyền và người dân”, Phó Giám đốc của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh nói.
“Đối với chính quyền, để cải thiện chất lượng không khí cần kiểm soát tốt các nguồn gây ô nhiễm, việc chỉ ra đâu là nguồn đóng góp chủ yếu để có những biện pháp can thiệp phù hợp là cần thiết. Đối với người dân, hãy chủ động trang bị kiến thức để có giải pháp tự bảo vệ môi trường sống của bản thân và gia đình mình”.