HomeBLOGNGƯỜI ĐÀN BÀ CỦA CHA TÔI

NGƯỜI ĐÀN BÀ CỦA CHA TÔI

Provence 2015
Tôi gặp người đàn bà ấy lần đầu tiên vào một buổi chiều Provence nhạt nắng.
Gallery của cha hôm ấy đông hơn mọi khi, có vài khách Pháp và khách du lịch Đức tản bộ qua. Tôi đang ngồi trên cầu thang gỗ, nghịch vài phác thảo, thì bà bước vào – mỏng nhẹ như một cơn gió.
Bà mặc váy linen màu kem, chân đi đôi giầy bệt khiến bà trông bé nhỏ trong phòng tranh toàn người cao lớn. Khi bà tháo chiếc khăn quàng mỏng, lộ ra mái tóc ngắn. Rồi bà cứ đắm mình trong phòng, sờ tay vào nắm đấm cửa, quanh quẩn ở bậc cầu thang, xem những thứ không liên quan đến tranh. Bà còn khẽ vuốt ve những nhánh oải hương cắm trong bình, như thể chúng nạm bằng vàng.
Khi bà dừng lại trước bức “Người đàn bà ở Brno”- một liên tưởng nào đấy khiến tôi biết đó chính là NGƯỜI ĐÀN BÀ CỦA CHA TÔI.
Bà đây sao? Người khiến cả đời cha cứ loay hoay với hạnh phúc của mình. Khiến ông bỏ cả chân giảng dạy ở ENSBA Paris- về làm lão nông trên ngọn đồi trồng toàn thứ oải hương không ăn được, nuôi đám ong chỉ biết bay vò vò điếc hết cả tai.
Tôi còn nhớ- lúc đó mới 8 tuổi- sau chuyến đi xa về, hình như là đến một thành phố nhỏ ở Đông Âu với những bức tranh phố cổ của ông- ba mẹ đã cãi nhau một trận rất to. Mẹ la hét, như mọi khi. Tôi ngồi co ro trong góc phòng. Giọng cha nhỏ, gần như thì thầm: “em tha lỗi. Tình yêu là thứ không thể cố là được”. Mẹ vẫn la hét không dừng. Rồi xô đẩy. Rồi từ đó, mẹ uống và hút thuốc liên miên. Cho đến khi cha ra đi, không mang theo gì ngoài tôi và những bức tranh.
Tôi không thích những bức tranh ấy. Cả đời ông, tôi thấy- hầu như chỉ vẽ chúng. Nó khiến trái tim ông không còn chỗ cho ai khác. Cho mẹ. Và cả cho tôi.
Nhưng tôi thấy cha không cố để có bà- ngược lại- cố để quên. Ông lấy vợ- người đó cũng không phải bà. Tôi không hiểu, yêu một người mà không dám giành lấy cơ hội- rốt cuộc- để làm gì?
Người vợ này của ông còn rất trẻ và đẹp. Chị mê ông như thiếu nữ mê một quý ông. Nhưng ông ly dị gần như ngay sau đó. Người vũ công này tìm cách gỡ bỏ tranh của ông- chị ấy cũng ghen như mẹ tôi. Trước khi kịp hiểu mình sai ở đâu, chúng tôi lại dọn nhà một lần nữa. Lần này là về Provence.
Ban ngày, ông lao động như một nông dân thực thụ. Oải hương cần thu hoạch và đưa đi ép dầu- ong cần thu mật- đất cần thêm phân. Đêm, ông chong đèn vẽ tranh. Chả cần nhìn cũng biết ông vẽ gì.
“Làm hoạ sĩ mà chỉ vẽ mãi một người- ba không chán sao?”
“Ba vẽ không phải để nhớ- mà vẽ để quên”
“Con sẽ không bao giờ như ba.”
“Ba đã cố làm một người cha tốt.”
“Cái ba làm tốt nhất là một người thất tình.”
Tôi ném thẳng vào mặt ông. Và tim thắt lại khi thấy ông đau. Mặt ông trong phút chốc nhàu hẳn đi.
Đó là lần đầu cha con tôi tranh luận về người đàn bà ấy.
Sau này, khi ba tôi đã mất đi trí nhớ, tôi nhận ra một điều: điều tốt nhất mà ba làm được trong đời là yêu say đắm mà không trở thành người phản bội.
*
Cha tôi bước tới, ánh mắt xám nhạt như bừng sáng – thứ ánh sáng mà tôi chưa từng thấy kể từ khi chúng tôi rời đi.
“Anh biết em sẽ ghé qua.”
Giọng ông trầm và hơi khàn, mang theo chút ngạc nhiên, nhưng nhẹ nhõm, như thể một người sắp chết đuối cuối cùng cũng chạm chân được vào đất liền.
Bà quay lại. Họ nhìn nhau, như trong khán phòng không còn ai, ngoài họ. Cha tôi chuyển ly vang sang tay trái để nắm lấy bàn tay người đàn bà của ông đang chìa ra. Như nắm một cánh hoa, như bám vào mỏ neo neo cuộc đời ông lại. Bà không thu tay lại. Họ nhìn nhau, cười, nói những điều mà tôi biết chính họ cũng chẳng hiểu gì. Cha tôi bỗng chốc thành người khác hẳn. Tôi không nhớ có khi nào ông cười như vậy.
Họ kéo nhau đi. Bỏ lại phòng tranh đầy nắng và cả những bức tranh mà ông chưa bao giờ cho phép ai sờ vào mà không có sự để mắt của ông.
Họ ngồi ở quán nhỏ dưới chân đồi. Không ôm không sát má kề vai- nhưng không gì chen vào giữa họ. Những giàn nho Provence đung đưa trong cơn mưa nhè nhẹ, và rồi, khi cha tôi hôn bà, tôi khẽ quay đi, cay cay nơi khoé mắt. Tôi ghét điều đó- giống như sự phản bội mẹ tôi- dù ông có quyền làm điều đó.
Sau này, khi cha tôi đã mất hết trí nhớ về Provence, tôi đã kể lại cho ông rất nhiều lần chi tiết này. Lúc ông ghé đầu để hôn bà, lúc ông nắm tay bà, từng ngón, từng ngón một để hôn… Ông cứ vòi vĩnh để được nghe lại mãi. Và ông bắt đầu ghi nhật ký, để những mẩu ký ức không biến mất trước khi bị xoá sạch.
Tối đó, mẹ tôi gọi điện. “Mẹ đừng hút thuốc. Cũng đừng uống rượu nữa.” Tôi bảo.
“Tại sao?”
“Bà ấy không làm thế”
“Ai?”
“Người đàn bà ở Brno.”
Đầu dây bên kia im lặng.
“Mẹ…”
“Mẹ ổn.”
“Bà ấy đang ở đây.”
Im lặng.
“Mẹ à… ông ấy là cha con. Thế là đủ. Ông ấy không làm gì sai cả. Mẹ đừng uống rượu nữa. Chả nhẽ mẹ không biết ông ấy thích gì sao?”
“Thích gì?”
“Nuôi ong. Trồng hoa. Vẽ. Không phải tiệc tùng và hoan lạc.”
Tối đó, cha về muộn hơn thường lệ. Tôi nghe tiếng động cơ xe từ xa và bước ra ban công. Đèn xe quét qua con đường sỏi dẫn lên đồi. Cha bước xuống, dáng cao gầy trong bóng tối, áo khoác vắt hờ trên vai, mùi sơn dầu và mùi rượu theo gió len vào phòng tôi.
Tôi giả vờ cúi đầu đọc sách khi cha mở cửa. Ông đi ngang qua hành lang, bước chân nhẹ hơn bình thường. Tôi không biết ông có nhận ra tôi còn thức hay không. Chỉ biết, khi tôi hé mắt nhìn, tôi thấy ông đứng lặng trước giá vẽ, tay chạm khẽ vào một bức tranh mới còn dang dở.
Rồi cha khẽ thở dài – một tiếng thở dài rất khẽ nhưng nghe như chạm vào cả căn nhà im lặng.
Ông không ngủ lại chỗ bà. Ông không mang về một mùi hương lạ trên người. Chỉ có oải hương Provence và chút gì đó của một người đàn ông vừa đi qua một buổi chiều đẹp nhất đời mình -nhưng không cần sở hữu nó để giữ lại.
Năm đó tôi 18 tuổi, tôi chưa đủ kinh nghiệm để hiểu ra: có những tình yêu không phải để chiếm đoạt, không cần lời hứa, không cần qua đêm bên nhau. Chỉ cần thấy lại nhau, một lần, đủ cho một đời.
Tôi không biết đêm ấy cha có ngủ không. Nhưng tôi biết, sau buổi chiều Provence ấy, ông dường như đã mãn nguyện.
Khi tôi quyết định ghi danh học UdK Berlin, cha tôi rất xúc động. Không Brno thì Berlin- những cái tên luôn làm ông phấn kích. Ngày tôi rời Pvovence, ông giao cho tôi bức tranh vẽ người đàn bà của ông. “Con hãy tìm và trao tận tay cô ấy”.
Tôi nhìn ông. Tóc đã bạc. Và đã quên rất nhiều thứ. Lẽ ra tôi không nên đi. Nhưng lúc này chị vũ công đã quay về ở cùng ông. Tôi chẳng còn lý do gì để ở lại. Tranh- tôi đã giữ. Và cha tôi có người bên cạnh.
Berlin là thành phố thú vị và sôi động. Nó không ưỡn ngực như Paris và không đắm mình như Provence. Tôi có quá nhiều thứ cần làm với tuổi trẻ của mình- hơn là chuyển giao một bức tranh.
Tôi đã không tìm bà dù tôi biết bà làm ở đâu. Các bài báo ký tên bà xuất hiện khá đều.
Bà là cây viết chính luận xuất sắc và còn là tác giả của mấy cuốn sách nữa. Người ta quá bận rộn, thành đạt và già đi- tôi tự cho mình cái quyền can thiệp để quá khứ ấy ngủ yên.
*
Provence 2028
Bốn năm sau khi cha tôi mất, di sản của ông để lại cho thành phố là phòng tranh, ngọn đồi trồng toàn oải hương- và trại ong mà tôi rất ghét. Tôi sẽ chỉ được phép quản lý nếu tôi trở về thay ông cai quản nó. Nhưng tôi đã khước từ. Tôi yêu vài cô, lên giường, và ngủ ngay cả khi chả có gì gắn bó.
Một lần tôi gọi điện cho cha tôi. Ông hỏi: “ổn chứ, chàng trai? “
“Không ổn lắm.”
“Tại sao?”
“Con sắp làm cha nhưng con không hề thích cô ta. Thậm chí ghét.”
“Con hãy nói với cô ấy điều đó. Hãy chuẩn bị kiếm tiền để chu cấp cho đứa trẻ. Nhưng đừng kết hôn nếu con không yêu.”
“Đó là cách mà con ra đời à?”
“Cách mẹ con trói một người đàn ông”
“Nhưng con không dành cả cuộc đời để vẽ một người đàn bà mà không được làm tình đâu.”
Tôi thầm cám ơn ông. Tôi làm cha, nhưng không làm một người tình tồi tệ và một người chồng miễn cưỡng. Nhưng tôi không còn cơ hội đến với cô gái mà tôi rất thích nữa. Hay ít nhất là tôi không dám nữa.
Bà đến phòng tranh lần thứ hai, theo thư mời của tôi- mang theo bức vẽ chính mình mà cha tôi đã tặng lại cho bà. Tranh ông không còn nhiều- nó đã bị bán, bị cho, bị thất lạc khá nhiều. Nhưng tất cả những gì ông vẽ về Brno vẫn còn nguyên vẹn. Đó là một kỳ tích với người bị mất đi trí nhớ.
Bà là khách của tôi. Bà nghỉ trong phòng cha tôi, lặng lẽ lau dọn mà không làm tổn thương bất cứ thứ gì. Bà chăm ong, trồng oải hương, đi chân đất khắp nơi và nói chuyện với dân làng thứ tiếng Pháp tự học. Bà nấu ăn, học làm bánh Pháp, và lên cả gấu quần, đơm lại cúc áo cho tôi. Chưa có ai làm cho tôi những điều ấy, trừ ba tôi.
Dì tôi, chị vũ công- cũng đã bỏ đi. Mẹ tôi không bao giờ tha thứ cho ba- người đã làm tổn thương bà vì suốt đời không đón nhận sự si mê của bà. Chỉ có người đàn bà ở Brno muốn ở lại, lấp đầy, và trả lại cho nơi này sức sống.
Cuối cùng, chúng tôi cũng phải nói lời chia tay. Bà đã ở đây gần một năm.
“Cám ơn cháu đã chấp nhận cô”- bà bảo.
“Không ạ. Là cháu phải cám ơn cô đã cho bố được yêu mà không thất vọng.”
Tôi nói thêm: “bất cứ khi nào muốn, cô hãy đến đây. Chìa khoá luôn để dưới thảm. Bố cháu luôn mong cô.”
Bà hỏi: “lần sau cô sẽ đi cùng con gái nhé? Nó cũng vẽ. Và rất thích Provence.”
“Ngày cháu học ở Berlin, cháu cũng rất thích một cô gái…. Nhưng cháu chưa bao giờ dám nói gì. Cháu chỉ vẽ…”
Tôi bỗng im bặt. Bà cũng sững người nhìn tôi.
Tôi nhận ra, tôi đang đi vào vết xe đổ của cha tôi.
Bà bảo: cho phép cô được xem các bức vẽ của cháu.
Tôi mời bà vào phòng riêng của tôi. Nơi chất chồng nào tranh, nào toan, lẫn giữa những bức hoạ khoả thân nổi loạn là em, người con gái tôi yêu mà không dám đến.
Bà đứng đó, sắc mặt bỗng tái đi.
Rồi bà nói, rất chậm, rất khẽ, như sợ làm mọi cái bị đảo lộn: đây là con gái tôi!
Phải, cháu và con gái cô cùng học một trường. Lẽ ra cô phải nhận ra ngay điều đó.
.
Tôi lục tìm bức tranh ưng ý nhất, đưa cho bà:
“Cô giúp cháu…”
“Không, cháu à,” bà nói, giọng trầm và ấm như tiếng ong đập cánh sau hè: “Cháu hãy tự đưa. Đừng làm như cha cháu… yêu một người đến suốt đời nhưng không đủ can đảm để nói một lời.”
Sáng hôm sau, bà rời đi. Khi bước xuống bậc thềm, bà quay lại, nói khẽ, nhưng đủ để tôi và chính bà nghe rõ:
“Cô gái nào cũng từng chờ một người nói lời yêu mình. Chỉ là, người đó có dám hay không.”
Ka

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here