Wednesday, January 15, 2025
HomeBLOGNgưng nói được không?

Ngưng nói được không?

Trân Văn

Nếu giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam tiếp tục minh định, tham vọng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của họ là bất di, bất dịch, họ nên ngưng nói. Tuy không bình thường nhưng ngưng nói là giải pháp hữu hiệu để giảm trọng lượng của gánh nặng tinh thần mà công dân Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang mang và may ra có thể giúp củng cố nỗ lực giữ gìn “muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ”…

***

Dư luận Việt Nam tiếp tục bị khuấy động vì những tuyên bố của giới lãnh đạo Việt Nam.

Hạ tuần tháng 10, tại diễn đàn Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế, thỏ thẻ trình bày ba giải pháp để chỉnh đốn lĩnh vực y tế nước nhà. Tuy các đại biểu Quốc hội bật cười khi bà Tiến ví von ba giải pháp ấy như ba chân: Chân phải, chân trái và chân… thứ ba (!) nhưng dân chúng Việt Nam cười không nổi.

Nhiều người mỉa mai bà Tiến – đã vận dụng hình tượng ba chân, sao không huỵch toẹt chân thứ ba là… chân giữa luôn cho đúng… kiểu (?). Nhiều người khác thở dài vì viên chức cỡ Bộ trưởng Y tế lại tiếp tục ví von một cách dung tục. Ví von dung tục, xiển dương kiểu tư duy – gợi ý hạ cấp dường như đang là mốt.

Hồi đầu năm, ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, từng ví von quê hương của người Việt như một cô gái “chỗ nào cũng đẹp”, thành ra phải lựa chọn cẩn thận kẻ muốn “vào”. Theo lối ví von ấy, quê hương của người Việt chẳng khác gì một ả điếm hạng sang thành ra cần làm giá.

Trươc sự phẫn nộ của công chúng về hình tượng và lối ví von của bà Tiến, Mion – facebooker thực hiện trang facebook Nhật Ký Yêu Nước lý giải đó là do: Tiến hồi xuân. Tiến nhớ nhân dân. Lâu rồi nhân dân không chửi Tiến, Tiến thèm. Đề nghị nhân dân luôn nhớ Tiến.

Cũng đã có một số người khen kiểu chọn hình tượng – ví von của bà Tiến như Nguyen Quang Lap: Không thể thiếu chân… thứ ba là phát biểu chân thật nhất của bà Tiến, kể từ ngày bà trở thành bộ trưởng. Song có một số facebooker không thể bỡn cợt nổi nên nhận định đầy cay đắng như Pham Nguyen Truong: Trong Trại súc vật do bọn lợn bốn chân cai trị thì động vật hai chân bị kỳ thị. Trong số động vật hai chân thì có bọn tuy hai chân nhưng mang não của loại bốn chân, bốn lần vinh quang thành ra những người như Chu Hảo, Nguyên Ngọc bị kỳ thị, Bộ trưởng Giáo dục nói ngọng, nữ bộ trưởng đòi phải có chân… thứ ba, sinh viên được bán dâm bốn lần.

***

Dư luận chưa kịp lắng xuống vì nữ Bộ trưởng Y tế Việt Nam khăng khăng khẳng định, y giới nước nhà cần cái chân… thứ ba thì lại bị Thủ tướng Việt Nam khuấy lên. Cũng tại diễn đàn Quốc hội, tới lượt mình, trong vai người đứng đầu nội các, ông Nguyễn Xuân Phúc ví von: Đàn chim sẽ bay nhanh hơn rất nhiều nếu mọi con chim cuối đàn đều có chung khát vọng, vượt lên chính mình, bay nhanh hơn nữa để có cơ hội gia nhập vào nhóm đầu đàn.

Trước, ông Phúc từng tỏ ra ham thích đặc biệt hình tượng “đầu tàu”. Đi đến đâu, trò chuyện với địa phương nào, ông Phúc cũng ví von, khuyến khích nơi đó trở thành… “đầu tàu”. Tuy nhiên hình tượng và lối ví von này không ổn. Ai cũng có thể thấy, nếu 63 tỉnh – thành phố trên toàn Việt Nam là 63 “đầu tàu” vận động theo nhiều hướng khác nhau như Thủ tướng Việt Nam mong mỏi, chắc chắn đoàn tàu Việt Nam sẽ “trật” khỏi đường ray.

Có thể vì hình tượng “đầu tàu” khiến nghi ngại của thiên hạ về chuyện đầu… Thủ tướng dường như bất ổn càng ngày càng tăng, lần này, ông Phúc chuyển sang dùng hình tượng… “đàn chim”. Không rõ ông Phúc nhặt hình tượng đàn chim ở đâu nhưng tiếc cho ông Phúc là hình tượng đàn chim cũng không khiến hình ảnh Thủ tướng trong mắt dân chúng Việt Nam dễ coi hơn, trí tuệ hơn.

Tại sao?

Ngay sau khi Thủ tướng Việt Nam sử dụng hình tượng… đàn chim và ví von – khuyến khích những con chim cuối đàn nuôi dưỡng khát vọng bay nhanh hơn để gia nhập vào nhóm đầu đàn, có những facebooker như Ba Kiem Mai lập tức viết ngay ít dòng… phụ đạo cho Thủ tướng…

Sở dĩ các đàn chim luôn di chuyển theo hình chữ V ngược và chỉ có một con dẫn đầu vì đó là con chim thuộc loại khỏe nhất đàn (leader). Chim leader không chỉ dẫn đường mà còn dùng sức để chống lại sức cản của không khí và gió. Theo sát phía sau ở hai bên chim leader là những con yếu hơn một chút (winger). Lý do hai con chim này lùi về phía sau một chút và bay ở mức thấp hơn chim leader một chút là để hưởng lực nâng lên của luồng khí quẩn (turbulence) hình thành từ lực do chim leader đập cánh tạo ra nên đỡ mất sức hơn…

Cứ thế, những con chim khác trong đàn (các winger) tuần tự bám theo nhau, duy trì khoảng cách và cao độ theo phương thức vừa kể. Làm khác đi, winger sẽ lìa đàn bởi không còn được nương nhờ lực nâng do đàn tạo ra. Không đủ sức rướn lên để hợp đàn trở lại thì winger chỉ còn nước đáp xuống đất, chờ cho đến khi đủ sức để thiên di theo đàn khác…

Ba Kiem Mai nhắc thêm, nhân loại học được điều này từ lâu và từ lâu đã ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, từ thể thao (chẳng hạn đua xe đạp – cũng có những leader cản gió cho đồng đội bám theo phía sau cho tới khi cần bứt phá để chuyển sang nhóm khác), cho tới quân sự (Formation flight – đội hình bay hợp đoàn – của không quân). Hình như Thủ tướng nằm trong nhóm rất ít không học, chẳng đọc thành thử ví von trớt hướt. Trong status “Thủ tướng ví von sai quy luật tự nhiên”, Ba Kiem Mai khều nhẹ: Người thông thái nói câu ngắn nhưng hàm lượng thông tin cao, hình tượng chọn để ví von đúng với quy luật tự nhiên. Chẳng hạn, Giáo sư Ngô Bảo Châu ví von: Bám theo lề là việc của những con cừu chứ không phải của con người tự do – rõ ràng là đúng qui luật di chuyển của động vật móng guốc.

Khều như thế dường như nhẹ quá. Chẳng lấy gì làm chắc là ông Phúc biết mình bị khều!

***
Ví von “đàn chim” còn đang khiến dư luận xôn xao thì ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN kiêm Chủ tịch Nhà nước, nhập cuộc. Ngày 3 tháng 11, tại buổi gặp đại diện ngành Giáo dục và những học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, rèn luyện của niên khóa trước, ông Trọng tuyên bố: Chưa bao giờ chúng ta có được sự nghiệp giáo dục như ngày hôm nay!

Lĩnh vực giáo dục Việt Nam đã cũng như đang thế nào thì ai cũng thấy, cũng biết, thành ra tuyên bố vừa kể của ông Trọng chẳng khác gì kích nổ trái bom có sức công phá cao. Có facebooker như Vanhoa Le khái quát: Đọc xong… phấn khích ngay. Bạn của Vanhoa Le như Tuyet Nguyen thì than: Nghe xong muốn trụy tim. Hoa Binh Nguyen rủa: Sao ngộ ? Bọn này từ thằng bé đến thằng lớn hễ mở miệng là… bốc mùi! Cũng có những facebooker như Tuấn CoN không giữ được bình tĩnh nên nặng lời: Người ta nói miệng quan, trôn trẻ. Miệng mấy thằng cán bộ già như đ.. trẻ con quả thật không sai.

Trong bối cảnh như hiện nay, với bối cảnh xã hội, nhân tâm như đã dẫn, ngưng nói hình như là giải pháp có thể thực hiện ngay để không gây nguy hại thêm cho thanh danh, uy tín của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam, không vét chút tin yêu còn sót lại đổ đi, đó cũng là cách để tính mạng, sức khỏe đồng bào không bị những căn bệnh mãn tính liên quan nhiều đến cảm xúc như huyết áp, tim mạch đe dọa. Chẳng biết giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam có hiểu điều đó hay không?

Tự kể điều mình biết, tự nói điều mình nghĩ với hàng triệu người đã trở thành chuyện đơn giản và bình thường. Khi một người nói, nhiều người có thể cùng nghe, bất kể người nói là ai, làm gì, ở đâu thì vai trò, vị trí của cá nhân trong tương tác với xã hội đã khác trước và chắc chắn sẽ càng ngày càng khác.

Đó cũng là lý do để dù muốn hay không, hệ thống truyền thông chính thống phải tự thay đổi. Ban Việt ngữ VOA cũng thấy phải tự thay đổi…

Trước mặt bạn là “Thiên hạ luận” – chuyên mục mới của Ban Việt ngữ VOA. Tuy nhiên đây chỉ là bước đầu tiên – tập hợp thông tin, ý kiến của nhiều người sử dụng mạng xã hội bằng Việt ngữ về những sự kiện, vấn đề đang được nhiều người quan tâm và có thể là mọi người nên biết, nên bàn thêm – của một tiến trình.

Liệu “Thiên hạ luận” có thể trở thành nơi mà độc giả chủ động đóng góp mọi thứ (thông tin, ý kiến, hình ảnh) về những sự kiện, vấn đề mà theo họ, mọi người cần biết, cần bàn hay không sẽ do các bạn quyết định.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular