Wednesday, February 5, 2025
HomeVĂN HOÁ NGHỆ THUẬTNGHỆ THUẬT KHÔNG CAO VỜI, XA LẠ...!

NGHỆ THUẬT KHÔNG CAO VỜI, XA LẠ…!

NGUYÊN HƯNG

Bao lâu nay, viết báo rồi viết phê bình mỹ thuật, tôi luôn phải ngạc nhiên tự hỏi: tại sao người Việt Nam vẫn cứ “kính nhi viễn chi” trước thế giới mỹ thuật? Phải chăng, chúng ta đang “có mắt mà như mù”, đang tồn tại đó mà không hề tự giác về các chiều kích nhân tính hiện hữu nơi mình?…Hãy thử lặn lội vào thế giới mỹ thuật. Nó không phải là những gì xa xỉ hay quá sức cao vời. Nó luôn luôn là quá trình chinh phục các ấn tượng về thế giới chung quanh, nắm bắt thực tại… Nó luôn luôn là hành trình khám phá và biểu hiện những góc khuất sâu kín trong tâm hồn con người… Nó luôn luôn là một nỗ lực hoà giải của con người với chính mình và với cuộc đời…

*

Tôi không cho rằng lịch sử nhân loại lặp lại ở mỗi con người. Nhưng tìm hiểu quá trình phát triển ý tưởng và ngôn ngữ nghệ thuật ở mỗi người thì chắc chắn sẽ là một cơ may, rất lớn, để cảm nhận được mỹ thuật.

Hãy đi theo một qui trình tự nhiên. Đứa bé ban đầu diển tả ông nội nó bằng vài dấu hiệu-đầu tròn có vài cọng râu…; lớn hơn, phân biệt ông nội nó với ông nội đứa khác, nó cá thể hoá một đợt-mắt một mí hay hai mí…; lớn hơn nữa, phân biệt ông nội nó với ông nội của mọi đứa khác, nó phải vẽ ông nội nó đúng như nó chụp ảnh vậy…; lớn hơn nữa, không hài lòng với sự tái tạo dung mạo, có nhu cầu thể hiện tính cách, qua tranh vẽ, nó kể những câu chuyện điển hình về ông nội hay thể hiện một ấn tượng, một khoảnh khắc biểu hiện của ông nội…; lớn hơn nữa, nó muốn thể hiện thái độ về ông nội, yêu hay ghét, và nó sử dụng một hình thức ước lệ hay cách điệu nào đó mà kinh nghiệm thị giác của nó tích luỹ được (nó có thể “cấp” cho ông nội nó một vòng hào quang sáng rực như các hoạ sĩ tượng trưng, hay vẽ ông có hình thù vặn vẹo, dị dạng như các hoạ sĩ biểu hiện)… Chưa xong. Đến lúc nào đó, nó nhận thấy, ông nội nó cũng như mọi người, là một thân phận bất toàn trong cuộc đời đầy tính tương đối, và nó muốn vẽ ông nội nó như một số phận. Nó phải tìm cách biểu đạt, không còn thuần tuý dựa vào kinh nghiệm thị giác mà lặn lội vào môi trường văn hoá bản thổ để tìm kiếm các biểu tượng, các ký hiệu cho sự biểu đạt-đó có thể là một đại dương dào dạt sóng, nhưng cũng có thể là một dòng sông đục ngầu đầy rác rưởi… Cũng chưa xong, ông nội nó, xét đến cùng, cũng chỉ là một khoảnh khắc hiện hữu của con người nói chung, nó lặn lội vào các vấn nạn siêu hình, và, tìm cách vẽ điều này… Cuối cùng, tận cùng cuộc phiêu lưu, nó có thể ý thức về chính nó, nó tìm kiếm. và cuộc tìm kiếm, sẽ là bất tận phiêu lưu hay trở về trong một niềm tin, một xác tín nào đó-ngôn ngữ của nó, có thể sẽ đầy tính siêu tưởng hay sẽ hạn cục, hay sẽ là cái gì đó… mà tự nó mới biết. Tác phẩm của nó, có thể như một tấm gương soi vào thực tại đầy biến ảo, hay như một cánh cửa dẫn vào thế giới tâm hồn tối tăm, nhiều mộng mị… hay nhiều khi, giản dị, chỉ là một khác biệt đánh dấu sự hiện hữu của bản thân nó…

Nói chung, đó là hành trình tự khám phá, tự thể hiện. Cái điều mà mỗi hoạ sĩ muốn thể hiện biến chuyển theo sự tiến hoá của tâm thức và mức độ ý thức gắn liền với hoàn cảnh… Và, cái cách mà mỗi hoạ sĩ thể hiện lại tuỳ vào sự mẫn cảm của mỗi người trước các sắc thái biểu hiện về mặt hình tượng của không gian văn hoá bao trùm, kể cả hệ thống biểu tượng, ký hiệu sản sinh từ vô số tác phẩm nghệ thuật khác hay mang tính qui ước (được nội tâm hoá thành những chất liệu…).

Tóm lại, tôi đồng tình với cách nói của E.H.Gombrich trong The Story Of Art: “Thực ra không hề có cái được gọi là nghệ thuật. Chỉ có người nghệ sĩ…”

Thực vậy, không hề có cái được gọi là nghệ thuật có bản chất bất biến với những giá trị mang tính phổ quát siêu vượt không gian và thời gian. Nghệ thuật là những thứ con ngườii làm ra cho con người, là sự giao lưu giữa tính nội tại và ước mơ nơi con người, là tình-ý-sống tự nhiên của con người bật lên thành lời, thành âm vang, thành hình hài…khi tâm hồn và bản thể con người va chạm, cọ xát với thực tại phù du… Nó không ngừng biến đổi, không ngừng cần phải được định nghĩa lại trong những tầm nhìn, những góc quan hệ khác nhau của đời sống con người. Sự vững tin vào một định nghĩa nào đó về nghệ thuật, nhiều khi, chỉ có ý nghĩa “cầm buộc”. Bóng đổ của một nền nghệ thuật này lên một nền nghệ thuật khác cũng vậy. Nó cũng có thể là một sự “cầm buộc”…

Người nghệ sĩ với tính nhạy cảm thích ứng của hắn không sân si với điều gì, mà giản dị, chỉ tự làm công việc lột tả tinh thần của mình. Cả trong trường hợp không may mắn, thì hắn cũng phải tự nuôi mình bằng chính cái tinh thần ấy. Đấy chính là yếu tố xã hội hoá căn để nhân tính của người nghệ sĩ.

Trong góc nhìn này, chuyện Duchamp quẹt râu Mona Lisa không còn là sự phá phách, nghịch ngợm. Nó thể hiện cái quyền cơ bản của con người: quyền được ra ngoài các khuôn mẫu truyền thống để nhìn nhận và phát biểu cách riêng. Đó là một cuộc đấu tranh. Một hành động cách mạng.

NGUYÊN HƯNG
(Trích sổ tay Mỹ thuật-2002)

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular