Muốn ngủ trưa để chiều lên lớp, nhưng đành hy sinh cái thời gian vàng ngọc cho cá nhân mà viết bài này. Nếu chờ đến tối, rất có thể chiều nay tôi sẽ lại bị quậy ngay trong khi đang giảng bài.
Số là sáng nay tình cờ mở mạng ra đọc, thấy nhiều bạn chia sẻ bài báo về “tài sản vô giá” của một bà mẹ Việt Nam anh hùng. Rất nhiều còm chửi nhà báo ngu, vô tình miệt thị luôn cụ bà 119 tuổi. Tôi thì chỉ thấy vui khi chợt nhớ trong bài tập toán lớp 3, có bài toán ra đáp số ngộ nghĩnh: mẹ Nam chỉ lớn hơn Nam 4 tuổi. Thế là để thư giãn cho cộng đồng mạng, tôi chia sẻ bài báo và ra đề toán tương tự. Không bình xét đúng sai, không chê, không chửi.
Vậy mà sáng nay nhận đến dăm bảy cuộc gọi điện từ nhiều người ngay trong lúc tôi dạy học. Họ nói vòng vo một hồi, kết cục tôi hiểu là họ buộc tôi phải gỡ bài. Người tử tế thì nói tác giả bài báo đã sửa lỗi, nên tha thứ. Tôi chỉ ngạc nhiên là không thấy tác giả lên tiếng mà toàn nhờ cậy hết người này đến người kia.
Tôi trả lời thẳng thắn thế này. Bài viết của tôi chỉ là bài toán dựa trên dữ liệu của bài báo. Nếu tác giả nhờ có bài toán này, sau khi tính toán, thấy có gì đó sai sai thì 1) tự sửa lỗi, không cần cảm ơn tôi, 2) nếu ảnh hưởng đến dư luận thì chính thức đăng bài công khai xin lỗi cộng đồng người đọc, 3) không nên chơi trò tự gỡ bài, chỉnh sửa rồi gây áp lực cho người giúp mình nhận ra cái sai. Đó là làm báo hay viết lách tử tế.
Chuyện viết lách cũng như mọi chuyện của cuộc sống, ai cũng có thể sai sót. Biết sai sót thì cảm ơn người phát hiện ra cái sai của mình và công khai xin lỗi là hết chuyện, nếu cái sai chưa gây tác hại lớn. Ai cũng biết, tôi từng sai, thậm chí không sai nhưng gây tổn thương cho ai đó, bị nhiều người chỉ trích, kể cả báo chí đánh hùa, tôi chẳng van xin hay gây áp lực cho ai cả. Tôi cảm ơn và nhận lỗi công khai trước khi khoá bài.
Sáng nay, sau khi bị quậy cả buổi trong giờ dạy, tôi phải phát cáu. Rằng tác giả lặng lẽ sửa bài rồi cho người gây áp lực buộc tôi gỡ bài, hoá ra tôi thành người có lỗi? Bởi trang tôi có lượng người theo dõi đông hơn một tờ báo, tôi muốn xoá bài thì tôi phải đăng công khai xin lỗi bạn đọc. Hoá ra tôi không lỗi lại thành người có lỗi! Sao ngang ngược vậy?
Tôi từng là nạn nhân của sự ngang ngược như vậy, nên dù được cầu xin hay bị gây áp lực, tôi đều phải cảnh giác. Cách đây ít tháng, một phóng viên trẻ lấy nguyên văn một đoạn bài tôi viết về tranh Đặng Mậu Tựu. Tôi viết bài đề nghị báo phải chua nguồn hoặc thậm chí xào nấu lại ý tưởng cũng được. Thế là tác giả nhờ cậy người này đến người kia, kể cả nhờ quan lớn gây áp lực buộc tôi gỡ bài. Tôi nể nang nên khoá bài và cáo lỗi bạn đọc. Hậu quả, sau một tháng bị tai nạn giao thông, tôi mở Facebook thì nhận ngay lời cảnh cáo của Facebook, từ các bức tranh của anh Tựu đến bài viết về tranh Đặng Mậu Tựu: “Bạn đã vi phạm bản quyền!” Facebook xoá sạch bài viết đó. Hoá ra, tôi thành kẻ cắp. Ai đã chơi trò như vậy?
Hơn 10 năm trước, một tờ báo đăng lời đe doạ tôi tội vu khống báo ấy viết sai sự thật. Tôi tá hoả khi truy lại bài báo ấy. Gốc là phóng viên cẩu thả chôm hình trên mạng rồi gắn vào bài báo. Khi bị phát hiện, báo lặng lẽ xoá hình ảnh ấy, thay hình khác rồi chụp mũ ngược. May mà bộ nhớ Google còn lưu bản gốc chứ không thì tôi bị mắc tội vu khống!
Luật báo chí quy định rõ, rằng báo chí đăng sai thì phải đính chính và cáo lỗi công khai. Nhưng lẽ nào các cơ sở đào tạo không dạy cho nhà báo cái đạo đức tối thiểu ấy? Các giáo sư, tiến sĩ chỉ dạy cho học trò sự ngang ngược và tráo trở hay sao?
Không chừng với vụ này, cá nhân tôi lại lần nữa thành kẻ thù địch của báo chí!
Chu Mộng Long