Những diễn biến xung quanh vụ nâng điểm ở Tây Bắc vừa qua cho thấy sự trơ trẽn và vô liêm sỉ của những người liên quan, và sự đồi bại của ngành giáo dục Việt nam thể hiện ở các địa phương ấy, trong một kì thi.
Đứng đầu danh sách trơ trẽn và vô liêm sỉ nhất là Triệu Tài Vinh, nguyên là bí thư tỉnh ủy tỉnh Hà Giang, người đã bổ nhiệm cả dòng họ vào các chức vụ cai quản của tỉnh nhà, lại có cả con và cháu được nâng điểm, nhưng luôn cho là bị “gắp điểm bỏ tay” ông ta và gia đình ông ta.
Sự trơ trẽn và vô liêm sỉ còn đến từ những kẻ xử lí vụ này, khi vợ ông ta thì bị khiển trách, còn ông ta thì được đưa về làm Phó ban kinh tế trung ương. Họ, những người xử lí vụ này đều coi dân Việt nam chẳng ra gì. Họ bất chấp người dân nghĩ gì, phản ứng ra sao. Vấn đề họ quan tâm nhất là bảo vệ sự tồn tại của bộ máy của họ, bất kể nó thối nát, bẩn thỉu như thế nào.
Xem cách hành xử của Bộ GD&ĐT, từ bộ trưởng trở xuống, xung quanh vụ này, thì thấy rõ ngành giáo dục của chúng ta đồi bại đến đâu. Từ bộ trưởng đến các quan chức đều né tránh trách nhiệm, đến khi dư luận phản ứng quá gay gắt thì nhận trách nhiệm chung chung, và chẳng thấy ai tự nguyện từ chức, hay bị xử lí gì cả.
Đến nay, khi Hòa Bình đưa ra xét xử, thì đám giáo viên và quan chức giáo dục lại thể hiện sự hồ hởi, phấn khởi khi họ đang là bị cáo. Có thể họ đã biết kết quả xử án có lợi cho họ, dù vụ án vẫn đang trong giai đoạn xét xử. Cũng có thể, họ ngạo nghễ vì họ cho rằng, việc gian lận và vi phạm pháp luật của họ là chuyện anh hùng, cứu rỗi cho nền giáo dục của nước nhà.
Dù họ nghĩ như thế nào thì cách thể hiện của họ cũng cho thấy, giống như Triệu Tài Vinh, giống như những quan chức của Bộ GD&ĐT, họ không có liêm sỉ của một con người bình thường, chứ không nói là liêm sỉ của người thầy giáo, hay quan chức. Một nền giáo dục mà những thành viên có trách nhiệm trong bộ máy lại vô liêm sỉ như vậy, thì có thể nói nền giáo dục đó đồi bại hay không?
Càng ngày sự thối nát càng bộc lộ và bốc mùi. Có vẻ như đã hết thuốc chữa cho cái xã hội này rồi.