Ngày 20.11 hằng năm, cả nước Việt Nam sôi sục kỷ niệm ngày “Quốc tế hiến chương các Nhà giáo”. Vợ tôi là cô giáo nên tôi vẫn nhớ nỗi khổ gia đình của ngày này. Trẻ con đạp xe đạp, chạy bộ đấy đường. Trên tay chúng cầm các túi cam, những cây dừa làm bằng phim nhựa, các nải chuối rơi rụng, các bó hoa tơi tả…Thỉnh thoảng lại có đám xe đạp va quệt vào nhau.
Ba má tôi ở phòng bên phải đóng cửa chặt để các cháu không vào nhầm. Tôi phải dẫn hai cu con đi chơi cho đỡ ồn ào.
Ông Bửu Tiến, bạn thân của ba tôi đến chơi, cười tủm tỉm: „Ngày quốc tế hiến cam các nhà giáo“.
Đến khi nước nhà mở cửa, người ta mới vỡ lẽ: Hình như chỉ có ở ta coi 20.11 là ngày “Quốc tế hiến chương các Nhà giáo”. Thế là ngày 20.11 trở thành ngày „Hiến chương nhà giáo Việt Nam“. Cái bản hiến chương đó ghi những gì? Có ai biết mách giùm tôi với.
Tôi chỉ tìm thấy chứng tích của bản „Hiến chương các nhà giáo“, được tổ chức FISE (Féderation International Syndicale des Enseignants – Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục) công bố 11.8.1954 tại Varsovie (Ba-lan)[1].
„Ngày Thầy giáo thế giới“ [2] do UNESCO và ILO(Tổ chức Lao động LHQ) khuyến cáo vào ngày 5.10 hàng năm, được kỷ niệm một cách thầm lặng khắp thế giới, bởi những người tôn sư trọng đạo, bởi các bậc cha mẹ, các thế hệ học sinh. Ở Việt Nam có ai nói đến ngày này không nhỉ?
Chỉ ở Việt nam, người ta mới liên hoan, ăn uống kỷ niệm ngày “Ngày hiến chương nhà giáo Việt nam“. Hoa, cam, kẹo bánh, thiếp mừng cháy hàng. Trẻ em đi đầy đường, đi thành từng đoàn đến nhà thầy cô. Mạng xã hội tràn ngập trong các lời chúc, các hình ảnh đẹp. Báo chí đăng hàng loạt câu chuyện cảm động về gặp gỡ thầy trò….
Được tôn kính như vậy tại sao nghề giáo vẫn là nghề đói khổ nhất, hỡi các cô giáo làng, cô giáo bản?
Một đất nước với những câu chuyện tình thầy trò đẹp như vậy sao lại có thể bị phê phán là đang “Suy thoái đạo đức”?
Một dân tộc tôn kính nghề giáo như vậy sao lại có thể chịu hình phạt “Suy đồi giáo dục”, khiến ai có tiền là đổ xô đi “Tỵ nạn giáo dục” ?
Người Việt ham học, kính thầy như vậy sao mãi vẫn cứ là một dân tộc lạc hậu? Sao vẫn bị cho là “dân trí thấp”, không xứng đáng được hưởng những quyền mà dân ở những nước không cần kỷ niệm ngày 20.11 vẫn đương nhiên có?
Tôi vẫn luôn kính trọng và biết ơn các thầy cô tôi, khi viết những dòng này.