Monday, December 23, 2024
HomeBLOG‘Made in Vietnam’ theo tiêu chí dự thảo của Bộ Công Thương

‘Made in Vietnam’ theo tiêu chí dự thảo của Bộ Công Thương

TheLEADERHàng hóa không có xuất xứ Việt Nam nếu chỉ trải qua việc lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh cũng không được coi là hàng hóa Việt Nam.

Theo dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, trường hợp được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam khi hàng hóa này có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam.

Trong trường hợp xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam, hàng hóa vẫn có thể được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam khi trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng làm thay đổi cơ bản tính chất tại Việt Nam.

Với loại hàng hóa trên, Bộ Công thương đưa ra hai tiêu chí xác định, bao gồm “Chuyển đổi mã số hàng hóa” và “Hàm lượng giá trị gia tăng”.

Một số công đoạn gia công, chế biến được xem là đơn giản bao gồm thay đổi bao bì đóng gói và tháo dỡ hay lắp ghép các lô hàng, đóng chai, lọ, đóng gói, bao, hộp và các công việc đóng gói bao bì đơn giản khác; Dán lên sản phẩm hoặc bao gói của sản phẩm các nhãn hiệu, nhãn, mác hay các dấu hiệu phân biệt tương tự; Trộn đơn giản các sản phẩm, dù cùng loại hay khác loại.

Hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam nếu chỉ trải qua việc lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh cũng không được coi là hàng hóa Việt Nam.

‘Made in Vietnam’ theo tiêu chí dự thảo của Bộ Công Thương
Trường hợp của Asanzo vừa qua đang đặt ra bài toán cần có những hướng dẫn, quy định cụ thể về sản phẩm của Việt Nam và hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Nội dung của dự thảo Thông tư này được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.

Các phương pháp xác định xuất xứ chủ yếu của thế giới như xuất xứ thuần túy, hàm lượng giá trị khu vực hay chuyển đổi mã sản phẩm theo Hệ thống hài hòa mô tả và mã hàng hóa (Hệ thống HS) của Tổ chức Hải quan Thế giới đều được áp dụng trong dự thảo Thông tư.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2017/NĐ-CP (Nghị định 43) ngày 14/4/2017 về nhãn hàng hóa, yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam hoặc nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam đều phải ghi nhãn cho hàng hóa, trừ một số trường hợp.

Nhãn hàng hóa phải thể hiện một số nội dung bắt buộc như tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa và các nội dung khác tùy theo tính chất của mỗi loại hàng hóa.

Đối với xuất xứ hàng hóa, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và tự ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình trên nguyên tắc bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Nguyên tắc tự xác định và tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa cũng đã làm phát sinh một số bất cập.

Mặc dù có nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, bao gồm việc xác định như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương.

Với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu, và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn “sản phẩm của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam”.

Việc thiếu vắng các quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là “sản phẩm của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam” đã khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm theo quy định của Nghị định 43.

Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn “sản xuất tại Việt Nam”, “Made in Vietnam” khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử.

Vấn đề này càng trở nên đáng lưu ý sau khi có thông tin về việc công ty Asanzo nhập khẩu cụm linh kiện từ Trung Quốc, có xuất xứ Trung Quốc, lắp lại thành sản phẩm và gắn nhãn mác, xuất xứ Việt Nam thời gian qua.

Mới nhất, hàng trăm máy bơm nước nhập khẩu từ Trung Quốc đã được phát hiện giả mạo xuất xứ Made in Vietnam.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Đại diện Công ty cổ phần thiết bị điện 368 khai nhận, sau khi nhập khẩu trực tiếp lô máy bơm có xuất xứ từ Trung Quốc, doanh nghiệp này đã thay đổi nhãn dán của 166 máy bơm nước thành Máy bơm nước thông minh model SMTN 220A sau đó dán nhãn Made in Vietnam.

Sau khi cải biến sản phẩm thành hàng Việt Nam sản xuất, doanh nghiệp này đã đóng toàn bộ lô hàng vào thùng carton do công ty đặt in có nội dung: Công ty cổ phần thiết bị điện 368, địa chỉ An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội, Việt Nam.

Tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết ngành Tài chính 6 tháng đầu năm 2019, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết hiện còn diễn ra tình trạng giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu vào các nước mà Việt Nam được hưởng các ưu đãi thuế quan.

Vị lãnh đạo lấy ví dụ về ngành gỗ. Trong khi các doanh nghiệp khai báo sản xuất trong nước, việc điều tra chứng minh lại cho thấy họ không sản xuất trong nước mà nhập khẩu nguyên chiếc.

Mặc dù doanh nghiệp khai mua của nông trường, hộ nông dân và thậm chí có xác nhận của chính quyền xã, việc đi chứng minh của cơ quan chức năng lại đưa ra kết quả ngược lại.

TheLEADER
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular