Friday, November 22, 2024
HomeBình Luận-Quan Điểm‘Không Ai Tắm Hai Lần Trên Một Dòng Sông’

‘Không Ai Tắm Hai Lần Trên Một Dòng Sông’

VIỆT BÁO

Gần bốn năm trước, tại công viên Ellipse ở Washington, DC – một tổng thống đương nhiệm đứng phía sau khung kính chống đạn, mặc chiếc áo măng-tô đen, mang găng tay đen, giơ cao tay ủng hộ một đám đông bạo loạn đang chực chờ phát súng chỉ thiên từ thủ lĩnh để tấn công vào Quốc Hội lật ngược kết quả bầu cử. Đó là “một ngày của tình yêu” – theo lời mô tả của Donald Trump, người đứng đầu hôm đó – cho dù trong vòng 36 giờ, 10 người đã chết, nhiều người bị thương gồm 174 cảnh sát. Trong số nạn nhân tử vong, có một cảnh sát chết sau khi bị những kẻ bạo loạn tấn công.

Chung quanh khu vực Ellipse ngày 6 Tháng Giêng đó, là những gương mặt đằng đằng sát khí. Cờ xí rợp trời – những lá cờ mang tên Trump và cờ thời kỳ nội chiến.

Bốn năm sau, cũng tại công viên Ellipse, cũng là một biển người được ước chừng khoảng trên 75 ngàn người, tập trung về từ 7 giờ sáng. Trật tự, lịch sự. Khi hoàng hôn DC buông xuống cũng là lúc số người tham dự đã kéo dài đến tận National Museum of African American History and Culture trên Constitution Avenue. Khi mặt trời tắt hẳn thì đoàn người đã đến tận bờ sông Potomac. Không có những tiếng gầm rú kêu gọi bạo lực. Không một lá cờ nào khác ngoài lá cờ Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Không có những biểu ngữ kích động, thù hận. Ngược lại là những dòng chữ “We’re not going back”; “Mamas For Kamala”; “Freedom”.

Trên sân khấu là những người dân vô cùng bình thường được mời đến. Họ lần lượt bước lên, chia sẻ những câu chuyện của cá nhân họ. Từ đó, cho cả nước thấy vì sao nên chọn Kamala Harris – sự lựa chọn duy nhất.

Bước ra đứng phía sau khung kính chống đạn, là người phụ nữ đang dồn sức vào những ngày cuối cùng để đưa nước Mỹ sang trang mới – Phó Tổng Thống Kamala Harris. Không thật sự rõ nguyên nhân vì sao bà Harris chọn đúng địa điểm này, nơi đã ghi một vết xước lịch sử không thể quên của nền dân chủ Mỹ, để đọc diễn văn khép lại tuần lễ tranh cử. Chỉ biết rằng, để đi đến Ellipse, một thảm cỏ xanh mát rộng 52 mẫu (Anh) cách White House khoảng mười lăm phút đi bộ, từ phía Đông Nam, bạn có thể đi ngang qua một tác phẩm điêu khắc bằng đồng xuất hiện cách bí ẩn ở Mall vào tuần trước. Đó là bản sao bàn làm việc của bà Nancy Pelosi và trên cùng là một đống phân khổng lồ mang hình dáng xoáy tròn. Một tấm bảng bên dưới có dòng chữ “Tượng đài tưởng niệm này vinh danh những người đàn ông và phụ nữ dũng cảm đã đột nhập vào Capitol Hill  ngày 6 tháng Giêng năm 2021 để cướp bóc, tiểu tiện và đại tiện khắp lối vào nơi tôn nghiêm đó để lật ngược một cuộc bầu cử.”

Chiến dịch của Phó Tổng Thống Kamala Harris đã chọn chính nơi này để gửi đến nước Mỹ và người dân Mỹ những lập luận cuối cùng cho cuộc tranh cử tổng thống. Có thể với bà Harris, đêm qua là một đêm biểu tình của nước Mỹ – trên địa điểm đã bị ô uế bởi những người đam mê quyền lực và chế độ độc tài – một cuộc giành lại.

Đó cũng là nguyên nhân mà lời chào đầu tiên khi bà Harris bước ra, không phải là “Xin chào Washington DC” như những tiểu bang bà đã đến, mà là “Xin chào nước Mỹ.”

Kamala Harris khẳng định ngay từ đầu: “Cuộc bầu cử này không chỉ là sự lựa chọn giữa hai đảng và hai ứng cử viên khác nhau. Đó là sự lựa chọn về việc liệu chúng ta có một đất nước có nền tảng là tự do cho tất cả người Mỹ hay bị cai trị bởi sự hỗn loạn và chia rẽ.” Bà vẽ nhanh một bức tranh tổng thể về sự nguy hiểm của Donald Trump với nước Mỹ bằng cách nhắc lại chuyện gì đã xảy ra ngay tại nơi này, vào ngày 6 Tháng Giêng bốn năm trước.

“Donald Trump đã dành cả thập kỷ để cố gắng giữ chặt người dân Mỹ trong chia rẽ và sợ hãi lẫn nhau. Đó là con người của ông ta. Nhưng nước Mỹ, tối nay, tôi đến đây để nói rằng đó không phải là con người của chúng ta. Đó không phải là con người của chúng ta. Đó không phải là con người của chúng ta.”

Trong bộ vest xanh đậm và chiếc áo trắng bà thường mặc trong những cuộc vận động tranh cử vừa qua, Kamala Harris khẳng định lại những chính sách cam kết của bà với nước Mỹ nếu bà bước vào Tòa Bạch Ốc.

“Tôi luôn thành thật với các bạn. Tôi không phải người hoàn hảo. Tôi có sai lầm. Nhưng đây là những gì tôi hứa với các bạn. Tôi sẽ luôn lắng nghe bạn, ngay cả khi các bạn không bỏ phiếu cho tôi. Tôi sẽ luôn nói sự thật với các bạn, ngay cả khi điều đó khó nghe. Tôi sẽ làm việc mỗi ngày để xây dựng sự đồng lòng và đạt được sự thỏa hiệp để hoàn thành mọi việc. Và nếu các bạn cho tôi cơ hội chiến đấu thay mặt bạn, sẽ không có gì trên thế giới này có thể cản trở tôi.”

“Và tôi sẽ làm việc với tất cả mọi người, Dân chủ, Cộng hòa và Độc lập, để giúp đỡ những người Mỹ đang làm việc chăm chỉ và vẫn đang đấu tranh để tiến lên. Tôi rất vinh dự đã được phục vụ với tư cách là người đứng phó của Tổng Thống Joe Biden. Nhưng tôi sẽ mang những kinh nghiệm và ý tưởng của riêng mình đến Phòng Bầu Dục. Nhiệm kỳ tổng thống của tôi sẽ khác vì những thách thức mà chúng ta phải đối mặt là khác nhau.”

Kamala Harris nói không sai. Bốn năm trước khi Tổng Thống Biden và Harris cùng bước vào White House, họ làm việc để vực dậy nước Mỹ sau đại dịch, giải cứu nền kinh tế. Bốn năm sau, trách nhiệm của Harris là khó hơn rất nhiều. Đó là bà và Tim Walz phải dọn một “chiến trường” đã tồn đọng gần một thập kỷ trong nước Mỹ: đó là chia rẽ và thù hận, mang lại cho nước Mỹ sự phấn khởi và niềm hy vọng, trả lại cho nước Mỹ niềm tự hào là ngọn hải đăng của nền dân chủ thế giới.

“Gần 250 năm trước, nước Mỹ ra đời khi chúng ta giành lại tự do từ một tên bạo chúa nhỏ nhen. Qua nhiều thế hệ, người Mỹ đã bảo vệ tự do đó, mở rộng nó và bằng cách đó, chứng minh với thế giới rằng một chính phủ của, do và vì nhân dân là mạnh mẽ và có thể trường tồn.

Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, chúng ta không phải là những con tàu chuyên chở âm mưu của những kẻ muốn trở thành nhà độc tài. Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ là ý tưởng vĩ đại nhất mà nhân loại từng nghĩ ra.”

Nếu có ai đó nói Kamala Harris có một “hào quang bí mật” quanh bà, có thể cũng không sai. Nhưng rõ ràng nhất, hào quang đó chính là tình yêu và lòng tự hào Kamala dành cho nước Mỹ, vùng đất mà cha mẹ của bà đặt chân đến với thân phận một người di dân. Nửa thế kỷ sau, con gái của họ đang cố gắng đưa quốc gia ấy sang một chương mới, chương của Hy Vọng và Tự Do.

Công viên Ellipse ở Washington DC đêm qua đã được nhìn thấy hào quang ấy. Không như bốn năm trước. Không ai tắm hai lần trên một dòng sông!

Kalynh Ngô

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

  1. I simply could not go away your web site prior to suggesting that I really enjoyed the standard info a person supply on your guests Is going to be back incessantly to investigate crosscheck new posts

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular