VOA
Một luật sư Indonesia cho biết sẽ kháng cáo bản án của một tòa địa phương giữ nguyên lệnh cấm có từ nhiều thập niên không cho người Hoa sở hữu đất đai tại tỉnh Yogyakarta. Ông nói lệnh này là phân biệt chủng tộc và kỳ thị.
Luật sư Handoko Wibowo đã kháng cáo lên một tòa án tại Yogyakarta, yêu cầu rút lại sắc lệnh năm 1975 chỉ cho người bản địa Indonesia quyền sở hữu đất đai tại tỉnh miền trung này. Những sắc tộc khác chỉ được quyền sử dụng đất chứ không được quyền sở hữu.
Luật sư Handoko, người bác bỏ kết luận của tòa, cho biết tuần trước, tòa án bác đơn kiện của ông, viện lý do sắc lệnh nhằm bảo vệ quyền lợi của người bản địa Indonesia vốn không giàu có bằng những người gốc Hoa.
“Người gốc Hoa cũng là công dân Indonesia. Kỳ thị căn cứ trên sắc tộc là phân biệt chủng tộc và bất hợp pháp,” ông Handoko nói.
“Sắc lệnh đi ngược lại luật nông nghiệp cho phép người dân được quyền sở hữu đất đai. Đây là lúc phải thu hồi sắc lệnh này,” ông nói với hãng tin Reuters qua điện thoại.
Người Hoa chiếm không tới 5% dân số Indonesia nhưng kiểm soát nhiều tập đoàn lớn và giàu có.
Cách biệt giàu nghèo từ lâu khiến người bản địa đa phần thuộc sắc dân Malay ở Indonesia bất bình.
Cựu Tổng thống Suharto cấm không cho người Indonesia gốc Hoa giữ các chức vụ công cử và không cho họ biểu thị văn hóa của họ. Bị đặt bên lề chính trị và xã hội, nhiều người Hoa quay sang kinh doanh và trở nên giàu có.
Những căng thẳng chống lại người Hoa bùng nổ trong những năm gần đây.
Khó thu hồi luật địa phương vì các vùng “có quyền hiến định thi hành các chính sách phù hợp với đặc điểm và nhu cầu địa phương, ông Diego Fossati, một nhà nghiên cứu tại Viện Griffith châu Á nói.
Ông cho biết nhiều cộng đồng có những qui luật kỳ thị người thiểu số.
“Mục tiêu luôn luôn là người Hoa vì họ được xem như giàu có trên sự đau khổ của người dân bản địa,” ông Fossati nói tiếp.
Luật sư Handoko có tổ tiên là người Hoa và làm việc với nông dân để giúp họ đòi quyền. Ông nói ông đã chuẩn bị mọi phương tiện pháp lý để luật vừa kể được hủy bỏ.
“Tôi sẽ kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm và nếu vẫn bị bác, tôi sẽ kiện lên Tối cao Pháp viện,” ông nói.