Friday, November 22, 2024
HomeBLOGHỒN TỔ QUỐC NGỰ GIỮA RỪNG SÂU THẲM

HỒN TỔ QUỐC NGỰ GIỮA RỪNG SÂU THẲM

Thảo Dân

Rừng là môi sinh nguyên thủy của con người từ thời tiền sử. Dằng dặc qua các thời đại, con người sống nhờ rừng, nương vào rừng, núp trong rừng để vươn tới văn minh. 

Trong mấy cuộc chiến tranh, người ta ngợi ca “rừng che bộ đội rừng vây quân thù”. Lên xanh, lên cứ… là vô rừng. Rừng che giấu, che chắn, che chở. Rồi người ta sẵn sàng một tâm thế “đốt cháy cả dãy Trường Sơn để giành cho được độc lập”. Độc lập theo về tận những cánh rừng. Độc lập phá, độc lập chặt, độc lập tróc vi tróc vảy từng mảnh da rừng. Chặt, phá…chưa đã đời. Còn đào sâu cả gốc rễ để mang về tạo tác những thành phẩm gỗ cầu kỳ khác biệt. 

Có thời kỳ, các đội Lâm nghiệp còn thi đua đốn gỗ, thi đua tìm cách cải tiến tăng năng xuất lao động để xây dựng xã hội chủ nghĩa. Thậm chí, có cả những anh hùng lao động xuất hiện từ các đội chặt hạ gỗ rừng này. Người ta phá rừng và trơ trẽn hát hò Mùa xuân là tết trồng cây một cách vô thức. Để rồi đua nhau chặt rễ chặt cành cổ mộc, bứng về trồng lấy lệ, tưới tắm lấy lệ và chễm chệ đặt một biển hiệu mang tên mình dưới gốc cây hàng trăm năm tuổi.

Photo : Hoang Hai

Những đại lão linh mộc ngàn năm, trăm năm bị tận diệt. Ngàn năm bị đốn hạ dưới lưỡi cưa máy của những phường lâm tặc áo trắng cổ cồn. 

Phá rừng tàn khốc để làm thủy điện. Góp phần phá nát rừng, không thể không nhắc tới chính sách di dân đi kinh tế mới, đưa người miền Bắc vào Tây Nguyên, khai thác gỗ bừa bãi để lấy đất làm nương rẫy, trồng cây công nghiệp như keo, cao su, cà phê…những loại cây rễ đơn, rễ cọc, và khi trồng thì lại phải phát sạch lớp thực bì che phủ, khiến rừng thiếu tán cây và thiếu đa tầng thực vật nên không giữ được nước mưa, làm cùng kiệt mạch nước ngầm, khiến kết cấu địa chất suy giảm, mất cân bằng, thiếu bền vững. Tình trạng nổ mìn phá đá xây thủy điện càng phá vỡ, gây đứt gãy các liên kết địa tầng, khiến đất dễ trượt khi có thêm tác động từ thiên tai. Các nhà chuyên môn còn phải lập bản đồ hiện trạng sạt lở để cảnh báo nguy cơ hiện hữu và lâu dài do hệ lụy nổ mìn phá đá xây thủy điện gây ra. 

Hậu họa của nó, đã, đang và vẫn sẽ tiếp diễn hàng năm. Đến nỗi, người chết vì lũ đã thành thông lệ. Những cái chết đổi lấy biệt phủ, biệt thự, đổi lấy những thẻ xanh, những xuất du học của một nhóm người. Tất cả đều được xây từ máu lệ và xác dân.

Photo : Nancy

Không còn cách nào khác, là phải trồng lại rừng. Dù biết rằng, mỗi nhánh cây con yếu đuối sẽ bám rễ rất khó khăn, nhọc nhằn trên những cánh rừng xói lở. Nhưng, với khí hậu nhiệt đới, sẽ có dây leo, thảm rêu, vỏ dại….đa tầng tương hỗ. Rồi dăm bảy năm sau, chục năm sau sẽ khác. Chỉ có đóng cửa tuyệt đối để giữ những mảnh rừng còn sót lại và tái tạo rừng mới là sinh kế dài lâu, mới là lời tạ lỗi với mẹ thiên nhiên thành khẩn nhất.

Nếu rừng thiên nhiên mới bị tận diệt độ năm chục năm trở lại đây thì cánh rừng phong hóa thì đã bị đào tận gốc trốc tận rễ từ cái ngày phá kho thóc Nhật. Thành lũy nhân vị, nhân văn, nhân ái… bị đạp đổ không thương tiếc bởi những bước chân còn lấm bùn thời cuộc dưới bóng dáng ngoại lai vong bản hắc ám. Kể làm sao cho hết. Hậu họa để lại là phong hóa suy đồi, đạo đức xã hội lẫn gia đình bị băng hoại suy vi. Chỉ vì vài đồng bạc mà con giết cha mẹ, anh chị em tàn hại lẫn nhau, xóm giềng đổ máu, mất mạng vì vài gang tay đất, thậm chí, có những án mạng man rợ chỉ vì những nguyên nhân nhỏ nhặt. 

Chẳng phải vô cớ mà lương dân thành gian ác. Cũng là trông gương người trên cả. Bách hại ân nhân, giết sống đồng đội đồng chí, cướp đoạt tài sản, nhà cửa, đất đai của những nơi là cơ sở cũ, ăn không từ một thứ gì…. “Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật/ Anh hùng di hận kỉ thiên niên”.

Bao thế hệ trẻ lớn lên giữa thời đại ra ngõ gặp tượng đài, mà vẫn bơ vơ không thể tìm đâu ra bóng đại thụ văn hiến để nương náu, không thể tìm đâu một thành tựu mang tầm quốc gia để kiêu hãnh, không thể tìm thấy một lý tưởng để dấn thân ngoài cái bóng thánh thần giả ảo được phết vàng mạ bạc. Chúng còn tội nghiệp, đáng thương, nhọc nhằn hơn những cây non trồng trên đá hoang núi trọc. 

Quản Trọng thời Xuân Thu Chiến quốc bên Tàu, trong sách Quản Tử, chương Quyền Tu, trang 53 có viết: ” Thập niên chi kế mạc như thụ mộc; chung thân chi kế mạc như thụ nhân- Lợi ích mười năm không gì hơn trồng cây, lợi ích trọn đời (trăm năm) không gì bằng trồng người”

Trồng cây hay trồng người, ở đất nước này đều là thiết thân thiết thực.

Các hoạt động từ thiện trong bão lũ thể hiện tình đồng bào, rất cảm động nhưng không thể, không nên biến thành hoạt động thường niên.

Kêu ca, thương xót, uất ức… là những cảm xúc rất người nhưng nó ủy mị và bất lực.

Cộng đồng phải làm gì để cứu lấy môi trường sống?

1. Các nhà khoa học, các trí thức hãy lên tiếng bằng chính những kiến thức chuyên môn của mình. Một người kêu, không ai nghe. Trăm người, ngàn người thì sẽ khác. Các vị có trùm chăn thì cũng trùm tới cổ thôi. Điển hình, nhà khoa học Trinh Le Nguyen thường xuyên, kiên trì có những bài viết phản biện rất nhiệt huyết, khoa học để góp ý cho Dự luật Bảo vệ môi trường và những dự án trồng rừng giá trị. 

2. Tẩy chay, lên án đồ dùng làm từ gỗ rừng, tạo thói quen dùng gỗ ván ép và các nguyên vật liệu khác như tre, nứa…

3. Ủng hộ các dự án xanh của các nhóm hoạt động dân sự. Có thể kể tên:

– Dự án RỪNG VIỆT NAM của ca sĩ Hà Anh Tuấn.

– Nhóm SỐNG FOUNDATION với dự án trồng rừng ngập mặn của Jang Kều.

– Dự án BWG Bamboo Vietnam hướng dẫn trồng, khai thác và sử dụng tre (của kiến trúc sư Nguyễn Trọng Nghĩa).

– Nhóm ZERO WASTE HANOI của nhà hoạt động độc lập Nguyễn Anh Tuấn về sử dụng sản phẩm xanh…

Xin hỏi, Nếu để tham gia tái sinh rừng, cần bạn hỗ trợ, mỗi gia đình có vui lòng chia sớt mỗi tháng 10 ngàn đồng để góp một bàn tay vỗ? 

4. Yêu cầu nhà nước ngưng hoạt động và xây dựng thủy điện cóc, thậm chí, cùng nhau xuống đường mà đòi hỏi vì Biểu tình là quyền được ghi trong hiến pháp. Chúng ta không hô hào lật đổ hay chống phá ai, chỉ lên tiếng giữ tương lai cho con cháu.

Trồng cây hay trồng người, mười năm hay trăm năm, không việc nào là nhỏ. Việc mười năm để di dưỡng chuyện trăm năm. Vấn đề là, ngoài ngồi đó kêu than, bạn có cùng bắt tay hành động?

Photo : Hoang Hai

Đừng than trách mãi về thể chế. Đừng đổ vấy tại xích xiềng. Đẩy thuyền được thì lật thuyền được. Thể chế do con người tạo ra, và con người có thể thay đổi thể chế. Từ những điều gần gũi nhỏ bé bình thường. Đừng chỉ ngồi làm triết gia mơ chuyện thay trời đổi đất mà không bao giờ chịu bắt tay hành động. 

Còn rừng, còn hồn nước. Mất rừng, hậu sinh sẽ bị diệt vong.

“Hồn Tổ quốc ngự giữa rừng sâu thẳm.

Rừng điêu tàn là Tổ quốc suy vong”*

* (Câu thơ xin từ trang bạn Phan Thúy Hà).

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular