Thursday, December 26, 2024
HomeBình Luận-Quan ĐiểmHoa Kỳ không coi trọng quốc hội Việt Nam.

Hoa Kỳ không coi trọng quốc hội Việt Nam.

Bùi Thanh Hiếu

Trong chương trình làm việc với các lãnh đạo Việt Nam của phái đoàn Hoa Kỳ không có cuộc hội kiến với chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ.

Ông Vương Đình Huệ cảm thấy mất mặt, ông đã ép BNG Việt Nam bằng mọi cách để ông hội kiến với ông Biden.

Phái đoàn Mỹ đã phải thu xếp thời gian tối thiểu, khi ông Biden về nước, trên đường về sẽ ghé qua toà quốc hội bắt tay chào hỏi với chủ tịch quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ, nhưng phía Mỹ nhấn mạnh là không ngồi, chỉ đứng nói chuyện lát rồi đi, chụp ảnh lưu niệm trước toà quốc hội.

Khi phái đoàn Mỹ đến toà quốc hội, phía Việt Nam đã bày ra trò đội danh dự xếp hàng đứng ở bậc thang cửa chính vào nhà quốc hội. Phía đoàn Mỹ buộc phải mất thêm vài phút để đi qua đội danh dự trên thảm đỏ rải sẵn, vào trong sảnh chụp vài kiểu ảnh rồi đi ra luôn.

Thời gian ông Biden trao đổi với ông Huệ chỉ diễn ra có vài phút, thế nhưng một số báo vẽ thành cả một bài dài là hai bên trao đổi, hứa hẹn, nhất trí…nọ kia, tất nhiên là lấy bài từ cổng thông tin quốc hội ra. Một số báo khác chỉ quẳng lên mấy cái ảnh với vài câu cho có lệ.

Có phải Hoa Kỳ coi thường ông Vương Đình Huệ ?

Việc ông Biden gặp gỡ với các ông Trọng, Chính, Thưởng một cách trang trọng, ngồi ghế nói chuyện đàng hoàng…nhưng với ông Huệ thì đứng đã khiến người ta phải dấy lên câu hỏi này.

Nếu đúng thế, chuyện chỉ là cá nhân ông Vương Đình Huệ không được Mỹ coi trọng.  Câu chuyện chỉ ở tầm bàn tán việc ông Huệ bị Mỹ coi thường. 

Nhưng nếu nhìn lại quá trình bang giao Việt Mỹ từ thời ông Trọng làm tổng bí thư trở lại đây, thì sẽ thấy không phải ông Huệ bị Mỹ coi thường, mà chính quốc hội Việt Nam mới bị Hoa Kỳ coi thường.  

Ông Obama sau cuộc tiếp đón chính thức ở Phủ Chủ Tịch, trong khoảng thời gian chờ đến trung tâm họp báo, phía Việt Nam bố trí cho bà Ngân đưa ông đi thăm khu tưởng niệm Hồ Chí Minh.

Đây mới là vấn đề đáng nói.

Hoa Kỳ đã chính thức công nhận vai trò của đảng CSVN là cơ quan lãnh đạo cao nhất chứ không phải là quốc hội Việt Nam, với họ quốc hội Việt Nam chỉ là bù nhìn,  chỉ là hình thức, không phải là cơ quan đại diện tối cao cho nhân dân Việt Nam.

Hoa Kỳ đã nhận lời mời của tổng bí thư đảng CSVN đến thăm VN, họ cũng chấp nhận việc một ông tổng bí thư đảng Việt Nam đứng ra đón tiếp họ theo nghi lễ nguyên thủ đón nguyên thủ.

Ông Tập tổng bí thư đảng còn phải giữ chức chủ tịch nước Trung Hoa để thực hiện những nghi lễ, nghi thức quốc gia cho phù hợp. 

Nhưng ông Trọng không cần, ông đã buộc Hoa Kỳ công nhận ông, hay nói cách khác là công nhận tổng bí thư đảng cộng sản là nguyên thủ.

Nếu Hoa Kỳ ngày nay không coi trọng quốc hội Việt Nam, họ công nhận đảng CSVN là cơ quan lãnh đạo cao nhất ở Việt Nam. Chúng ta cần phải nghĩ đến chuyện khác.

Đó là việc kêu gọi và theo đuổi đấu tranh đòi  đa nguyên, đa đảng, dân chủ có trông chờ được vào Hoa Kỳ ủng hộ hay không ?

Sẽ có nhiều người nói rằng Hoa Kỳ luôn ủng hộ những giá trị đa nguyên, dân chủ…hoặc khéo hơn thì nói việc đòi đa nguyên, dân chủ là của đất nước mình, mình cứ đấu tranh, cứ đòi chẳng cần ai ủng hộ cả.

Tôi là người không ngại bày tỏ quan điểm của mình, dù nó không lọt tai nhiều người.

Với tôi là không hy vọng vào Hoa Kỳ bây giờ trong công cuộc đòi đấu tranh đa nguyên, dân chủ. Có nghĩa còn không trông chờ gì vào những tổ chức đấu tranh của người Việt ở Hoa Kỳ, chính xác là những tổ chức có được sự hỗ trợ từ các quỹ phi chính phủ Hoa Kỳ. Những tổ chức đang có sự quan hệ với thượng nghị sĩ Mỹ ( đa phần nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ ).

Những tổ chức này có thể hỗ trợ bạn vật chất để hoạt động, họ có thể vận động cho bạn được sang Mỹ tị nạn. Nhưng các bạn thử nghĩ xem, tỷ lệ người bị CSVN cầm tù và số người được Mỹ đòi VN cho đi định cư là bao nhiêu ? 

Tỷ lệ là rất ít, thậm chí là người được đi đều phải trải qua những năm tháng bị tù đày.

Họ khuyến khích cổ vũ bạn tin tưởng rằng Hoa Kỳ ủng hộ công cuộc đấu tranh của bạn, khiến bạn hoạt động năng nổ. Họ dùng những hoạt động của bạn để giải trình những khoản mà họ tiếp nhận từ các quỹ kia. 

Tất nhiên là hoạt động của họ cũng được thanh toán từ quỹ ấy. Có người còn được hưởng lương như viên chức. Điều này không có gì sai trái.

Tuy nhiên với thời điểm bây giờ, nó lại hoàn toàn không đúng. Đây không phải là thời điểm của mùa xuân, cách mạng cam, cách mạng hoa hồng, cách mạng Đông Âu…những tổ chức người Việt hay mang ra động viên các bạn, khiến các bạn hy vọng vào chuyện toàn dân xuống đường biểu tình lật đổ chế độ.

Tôi không nghĩ họ ngu đến mức để biết thời thế quốc tế lúc này không thể làm chuyện ấy, tôi nghĩ họ trót theo đuổi rồi thì họ mơ mộng sẽ diễn ra cảnh toàn dân xuống đường.

Một số khác, họ không có mục đích như thế, thì sẽ không có hoạt động. Họ bám vào cái mục đích đó để hoạt động. Có hoạt động thì có tài trợ từ các quỹ. Họ phải làm thế, vì nếu không làm, người ta không tài trợ thì giải tán tổ chức luôn.

Sẽ có câu hỏi là – tại sao các quỹ phi chính phủ một số nước vẫn tài trợ cho các tổ chức đấu tranh dân chủ ở các nước độc tài, khi biết rằng thời thế không phù hợp để tài trợ cho các tổ chức này dẫn dắt tạo nên cuộc cách mạng màu ?

Câu trả lời của cá nhân tôi.

Thứ nhất với các nước dân chủ, thì việc ủng hộ giá trị tự do, dân chủ là một điều nhất quán. Việc giúp đỡ những giá trị văn minh như thế, nó cũng tương tự như việc ủng hộ giữ môi trường, y tế, giáo dục, luật …nếu theo dõi sẽ thấy các nước văn minh viện trợ cho nhà nước Việt Nam những khoản tiền này còn lớn gấp trăm, gấp nghìn lần tiền ủng hộ vào các tổ chức đấu tranh đòi dân chủ ở Việt Nam.

Thứ hai là họ vẫn muốn duy trì những tổ chức đấu tranh ở các nước độc tài, để nếu thời thế có gì biến động, những tổ chức này làm nòng cốt để dẫn dắt cách mạng màu, những người lãnh đạo tổ chức sẽ làm hạt nhân lãnh đạo một đất nước dân chủ.

Nhưng biến động ở các nước độc tài ở thời điểm này hay mười năm tới nữa khó có gì thay đổi.

Cuối cùng thì tôi xin đưa ra góp ý cá nhân mình.

Những người trong nước không nên đấu tranh dân chủ, đa đảng, quyền con người gì trong thời gian này. 

Việc ông Biden miễn cưỡng gặp chiếu lệ chủ tịch quốc hội Việt Nam, trái lại long trọng găp tổng bí thư Việt Nam, không phải nỗi buồn của riêng ông Vương Đình Huệ. 

Đó là sự lãng quên ( có thể trong giai đoạn này ) của Hoa Kỳ với dân chủ ở Việt Nam. Một vài người nếu có được đi Mỹ sau chuyến đi của ông Biden đến Việt Nam lần này chẳng nói lên được Hoa Kỳ quan tâm đến dân chủ, nhân quyền.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular