Tội ác của ngành giáo dục vẫn chưa dừng lại và ngày càng nhiều hơn, ngày càng tàn độc hơn.
Giáo viên ép học sinh tát bạn 230 cái rồi bị lấy “lời khai”. Thầy thẳng tay đánh trò. Học trò bị bắt phải uống nước giặt giẻ lau bảng. Cô giáo mầm non dìm đầu trẻ vào thùng nước. Trẻ mầm non bị cột dây “xích” cổ vào cửa sổ…
Chúng đang huỷ hoại thân thể, tâm hồn và cả trí tuệ của không biết bao nhiêu đứa trẻ. Chúng đang huỷ hoại tương lai của cả dân tộc này. Chúng là một tập đoàn tội phạm.
Không còn nghi ngờ gì nữa, nền giáo dục mục ruỗng tận cùng này là một nền giáo dục tuyệt vọng.
Tuyệt vọng từ giáo dục nhà trường về đến giáo dục gia đình.
Tôi không biết đã có bao nhiêu người trong số những người lớn chúng ta thấy bị sốc, thấy như chính mình đang nhận 230 cái tát đau đớn đến tột cùng từ những bàn tay non nớt ấy?
Tôi không biết đã có bao nhiêu người trong chúng ta đã thức tỉnh từ hồi chuông báo động ấy?
Tại sao các con lại tát bạn? Tại sao các con không nhận thức được hành động đó là vô cùng sai trái? Tại sao biết là sai trái lại im lặng mà không biết phản biện? Tại sao biết là sai trái lại vẫn thực hiện mệnh lệnh như những cái máy mà không nhất loạt phản kháng?
Tại sao?
Và còn rất nhiều những câu hỏi tại sao nữa.
Các anh chị và tôi – chúng ta có trách nhiệm phải trả lời những câu hỏi ấy.
Những đứa trẻ có nếp tư duy cứ người lớn nói gì cũng làm theo, dù là điều sai trái, là sản phẩm của một quá trình giáo dục thất bại. Quá trình giáo dục ấy có lỗi của nhà trường, gia đình và cả xã hội.
Phải có ai đó chịu trách nhiệm cho tất cả những điều này, đúng không? Chúng ta phải làm gì đó, đúng không? Chúng ta có thể thay đổi, đúng không?
Đã đến lúc phải thức tỉnh rồi. Đã đến lúc mỗi người phải nhận lãnh trách nhiệm về mình, nghĩa vụ của mình.
Đã đến lúc phải đập bỏ những tàn tích tư duy lạc hậu, cũ kĩ, lối tư duy giáo dục con cái trở thành những đứa trẻ chỉ biết phục tùng mà không được thể hiện chính kiến, không được sống với nhận thức mình là một con người độc lập.
Bi kịch của đất nước này là những thế hệ nối tiếp thế hệ người lớn chúng ta đã yếu hèn và nhu nhược, đã nghĩ giống nhau, sống kém cỏi và tầm thường như nhau, sống quỳ gối và cúi đầu, sống câm nín như một đàn cừu chứ không phải con người.
Khi xem MV ca nhạc của một phụ nữ trẻ như ca sĩ Phạm Quỳnh Anh, tôi tin rằng, chúng ta có thể thay đổi bằng chính giáo dục gia đình và xã hội. Chúng ta có thể làm được. Và chúng ta chắc chắn sẽ thành công.
Cha và mẹ, với tình yêu và tri thức, với sự tự tin và can đảm, hoàn toàn có thể giúp con trở thành đứa trẻ có tư duy độc lập, những đứa trẻ biết nhận thức đúng sai, những đứa trẻ không ỉ lại và dựa dẫm, những đứa trẻ dám đối diện với khó khăn, trở ngại và vượt qua nó, những đứa trẻ sẽ tự đứng lên sau vấp ngã.
Cha mẹ hãy can đảm, cha mẹ phải thay đổi để nuôi con tự tin, để giúp con bước vào đời ngạo nghễ. Bởi vì, các con sinh ra làm người và có quyền được hướng dẫn làm người, được sống là một con người.
Nếu giáo dục nhà trường là nỗi tuyệt vọng, thì giáo dục gia đình và xã hội thắp lên niềm hi vọng.
Chúng ta có thể làm được điều đó vì không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của cha mẹ dành cho con mình. Chúng ta có thể làm được vì có ai lại không xót thương cho số phận của đất nước này?
Một thế hệ những đứa trẻ tư duy khác biệt, biết bày tỏ chính kiến, dám phản biện điều những điều bất công vô lý, kiên quyết phản kháng những hành động vô pháp vô luân, sẽ là hi vọng của dân tộc đã quá khốn khổ này.
—–
Mặc dù Phạm Quỳnh Anh hát chưa xuất sắc, nhưng thông điệp giáo dục con trẻ từ video này lại rất hay. Tôi muốn post lên facebook cho mọi người cùng xem như một cách lan toả thông điệp, nhưng tôi dốt IT quá nên không tải về được. Vậy nên đành share link youtube, dù nó không lan toả bằng tự post. Các anh chị nên chia sẻ thông điệp giáo dục con cái này như mộy trách nhiệm công dân nhé. 🙂