Hàng chục triệu cổ phần của nhiều cổ đông ở ngân hàng bỗng dưng ‘bốc hơi’ một cách khó hiểu. Thế nhưng, khi nhóm cổ đông chiếm đến 25% vốn điều lệ muốn Ngân hàng Nam Á làm rõ sự việc, nhưng phía ngân hàng lại… lần lữa.
Bỗng dưng… “bốc hơi”
Hằng năm vẫn chia cổ tức đầy đủ, nhưng từ đầu năm 2017 đến nay, 6 cổ đông chiếm 16,38% vốn điều lệ của Ngân hàng Nam Á (NAB) ở TPHCM, tương đương khoảng 500 tỷ đồng, không được chia cổ tức và phát hiện cổ phần của mình có dấu hiệu bất thường. Ngày 8/6/2018, sáu cổ đông gồm: Lê Đ. Tr., Châu H. Đ., Châu L. Ph.,LêĐ. Tr, Nguyễn T.H.Y. và Nguyễn M. T. đã gửi đơn yêu cầu ngân hàng này trích lục cổ phần đồng thời điều chỉnh hồ sơ thông tin cổ đông. Tuy nhiên, yêu cầu này của phía các cổ đông không được đáp ứng.
Sau sự việc bất thường này, 6 cổ đông bắt đầu đi tìm nguyên nhân và vỡ lẽ ra khi cổ phần của họ tại NAB đã bị chuyển nhượng cho chủ thể khác không rõ lý do. Để tìm lại công bằng, nhóm 6 cổ đông ủy quyền cho luật sư Lương Khải Ân – Đoàn luật sư TPHCM để tìm hiểu thực hư. Ngày 11 và 14/6, tiếp tục hành trình đi tìm số cổ phần của mình không cánh mà bay ở NAB, các cổ đông gửi khiếu nại nhưng vẫn như lần trước, NAB không trả lời. “Qua tìm hiểu thông tin liên quan đến NAB gần đây, chúng tôi được biết ngân hàng đã thực hiện một số giao dịch chuyển nhượng cổ phần của cổ đông không đúng quy trình, chuyển nhượng trái quy định của pháp luật về giao dịch chứng khoán. Các hành vi này gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của các cổ đông của NAB”, luật sư Lương Khải Ân thông tin.
Ngày 18/6, ông Lê Thế Long- Phó phụ trách Văn phòng HĐQT NAB mới có phản hồi đơn khiếu nại của nhóm cổ đông này. Theo văn bản này, NAB cho biết từ căn cứ của Công ty CP Chứng khoán Bảo Minh (BMSC), đơn vị được ủy quyền quản lý sổ cổ đông của NAB, thì “hiện tại tất cả cổ phần các cá nhân trên đã được chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của mình tại NAB”. Công văn cũng nói thêm: “Việc chuyển nhượng số cổ phần của tất cả các cá nhân trên đã được thực hiện đúng quy định, quy trình, thủ tục của NAB và tuân thủ đúng quy định của pháp luật”.
Ngay sau khi nhận được văn bản này, 6 cổ đông “ngã ngửa” vì từ trước tới nay họ chưa hề chuyển nhượng cổ phần cho bất kỳ ai. Để làm rõ tài sản của mình, phía nhóm cổ đông này yêu cầu NAB trích lục hồ sơ cổ đông từ 1/1/2015 đến nay, nhưng không được đáp ứng. “Vô lý hơn khi NAB cho rằng chúng tôi đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của mình tại NAB nhưng họ không cung cấp bất kỳ thông tin nào về giao dịch chuyển nhượng dù chúng tôi 3 lần yêu cầu”- Luật sư Ân nói và khẳng định thêm: “Đây là hành vi chuyển cổ phần của nhóm cổ đông sang cho chủ thể khác trái với ý chí và pháp luật. Đến nay cúng tôi không biết người nhận chuyển nhượng là ai?”.
Dấu hiệu chiếm đoạt tài sản
Ba lần cổ đông gửi đơn xin NAB cung cấp thông tin hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, đối tượng chuyển nhượng, chứng từ nộp phí chuyển nhượng, chứng từ nộp thuế thu nhập cá nhân và tờ cổ phiếu đứng tên bên nhận chuyển nhượng, chưa được NAB đáp ứng.
Trước đòi hỏi chính đáng này, mới đây các cổ đông đã gửi đơn kêu cứu đến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đồng thời gửi Thanh tra giám sát NHNN tại TPHCM. Trong đơn, số cổ đông này mong Thống đốc NHNN chỉ đạo điều tra xem xét quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm cổ đông NAB; đồng thời yêu cầu NAB tiến hành đối thoại, đối chất với cổ đông để giải quyết việc hàng triệu cổ phần của họ tại NH không cánh mà bay. “Chúng tôi tin tưởng rằng Cục Thanh tra, giám sát NHNN sẽ làm rõ về sự việc này. Vụ việc không còn ở tính chất dân sự nữa mà có dấu hiệu lợi dụng quyền hạn chiếm đoạt tài sản cá nhân” – đại diện ủy quyền nhóm cổ đông cho hay.
Ngân hàng vô can?
Liên quan vụ việc, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Ngọc Tâm- quyền Tổng giám đốc NAB nói: “Đây chỉ là vụ việc kiện cáo nhau trong vấn đề giá cả và mua bán của các cổ đông. Đây là tranh chấp dân sự mà thôi, tòa án nhân dân TPHCM đang thụ lý và giải quyết việc này nên tiến độ đến đâu thì phóng viên liên hệ tòa án TPHCM sẽ rõ”. Theo ông Tâm, việc tranh chấp dân sự không liên quan đến hoạt động của ngân hàng. “Còn việc các cổ phiếu giao dịch nó được một công ty chứng khoán và công ty đó có trách nhiệm quản lý sổ cổ đông và khi mua bán kiện cáo về giao tiền, giao hàng là thuộc về dân sự”- ông Tâm nói.
Trong khi đó, đại diện nhóm cổ đông NAB cho rằng đây không đơn thuần là giao dịch dân sự. Dẫn chứng từ cổ đông cho thấy khi giao dịch chuyển nhượng cổ phần phải theo đúng quy trình của NAB là cổ đông phải có mặt tại Văn phòng HĐQT NAB. “Theo Quyết định của NAB thì chỉ sau khi đại diện NH kiểm tra đối chiếu người thật với bản gốc giấy tờ tùy thân có ảnh của cá nhân cổ đông phù hợp với thông tin trong hồ sơ chuyển nhượng mới xác nhận cho phép chuyển nhượng. Nhưng chúng tôi không có bất kỳ giao dịch nào xảy ra tại đây. Điều này cho thấy chủ thể nhận khối tài sản của chúng tôi đang có hành vi chiếm đoạt trái với ý chí của chủ sở hữu”- đại diện các cổ đông cho hay.
Ngọc Lâm – Thanh Quang
Nguồn: Tiền Phong