Wednesday, January 15, 2025
HomeBIỂN ĐÔNGCuộc chiến pháp lý tại Biển Đông lại nóng lên

Cuộc chiến pháp lý tại Biển Đông lại nóng lên

Hoàng Sa / RFA

Bắt đầu từ Malaysia

Ngày 12/12/2019, Malaysia đã gửi một bản đệ trình lên Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc, theo đó, yêu cầu một phần thềm lục địa mở rộng của nước này trên biển Đông, dựa trên Điều 76 của Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 (UNCLOS).

Đương nhiên, việc đệ trình này là những toan tính của Malaysia như Nguyễn Hồng Thao có phân tích trên tờ The Diplomats. Trong đó, như Nguyễn Hồng Thao đã chỉ ra: “việc đệ trình cũng khuyến khích Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa xem xét lại đệ trình chung của Việt Nam-Malaysia năm 2009, vì căn cứ mà Trung Quốc và Philippines dựa vào để phản đối đệ trình đó đã bị Tòa trọng tài 2016 bác bỏ. Chính xác hơn, đường chín đoạn đã bị tuyên bố là không có giá trị pháp lý và các thực thể trong quần đảo Trường Sa không đủ điều kiện hưởng quy chế đảo. Nói cách khác, đệ trình của Malaysia đặt ra câu hỏi về mối quan hệ giữa hoạt động của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa và các phán quyết pháp lý.”

Philippines lên tiếng

Ngày 26/3/2020, Phái đoàn thường trực của Philippines tại Liên Hợp Quốc đã đệ trình Công hàm lên Liên Hợp Quốc để đáp lại Đệ trình của Malaysia. Trong Công hàm này, Philippines đã nêu ra 3 điểm quan trọng:

1. Philippines khẳng định rằng, các yêu sách biển của Trung Quốc là không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS.

2. Philippines khẳng định chủ quyền và quyền tài phán của Philippines tại nhóm cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa mà Philippines gọi là Kalayaan Island Group cùng với Bãi cạn Scarborough mà Philippines gọi là Bajo de Masinloc.

3. Philippines viện dẫn Phán quyết của Toà Trọng tài ngày 12/7/2016 trong việc giải thích tính chất pháp lý của các cấu trúc thuộc Trường Sa, theo Khoản 3 Điều 121 UNCLOS. Philippines cũng nhắc lại tinh thần của Phán quyết rằng: “Các quy định của UNCLOS về các vùng biển của quốc gia ven biển sẽ có sức mạnh vượt trội so với các quyền lịch sử, hoặc các quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán nếu vượt quá các quy định của UNCLOS”.

Như vậy, ta có thể thấy, mặc dù, Tổng thống đương nhiệm Philippines Duterte rất “thân thiết” với Trung Quốc và dường như “không muốn nhắc tới” Phán quyết năm 2016 của Toà trọng tài trong Vụ Philippines kiện Trung Quốc về những tranh chấp trên biển Đông giữa hai quốc gia này. Thế nhưng, đây chỉ là những lời “đầu môi chót lưỡi” của ông Duterte. Với các nội dung của Công hàm mà Philippines đệ trình như vậy, nó có sức mạnh pháp lý lớn hơn rất nhiều những “lời nói gió bay” của ông này.

Trung Quốc lặp lại luận điệu cũ

Ngày 23/3/2020, Trung Quốc đã ra Công hàm đáp trả Công hàm của Malaysia và Philippines. Công hàm này của Trung Quốc bao gồm những nội dung như sau:

1. Trung Quốc khẳng định Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa quần đảo) và Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) cùng với những vùng nước kế cận các đảo này cũng như đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Trung Quốc có quyền lịch sử ở biển Đông. Chủ quyền và các quyền liên quan khác cùng với quyền tài phán của Trung Quốc được hỗ trợ bởi các bằng chứng lịch sử và pháp lý. 2. Cái gọi là Kalayaan Island Group là một phần của quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa quần đảo) và chưa bao giờ là một phần lãnh thổ của Philippines. Cho tới những năm 70, Philippines đã chiếm đoạt một cách bất hợp pháp một số cấu trúc biển này. Philippines không thể viện dẫn vào hành vi chiếm đoạt bất hợp pháp này để bảo vệ cho yêu sách lãnh thổ của họ.

3. Là một phần của Trung Sa quần đảo, Scaborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham đảo) là lãnh thổ lâu đời của Trung Quốc. Trung Quốc đã thực hiện chủ quyền một cách hiệu quả và liên tục và quyền tài phán tại Scarborough. Yêu sách lãnh thổ phi pháp của Philippines đối với Scarborough hoàn toàn không dựa trên luật pháp quốc tế.

4. Toà Trọng tài trong Vụ Philippines kiện Trung Quốc không có thẩm quyền vì tranh chấp này liên quan đến tranh chấp chủ quyền, phân định biển và thực hiện quyền tài phán..nên Toà này đã vi phạm UNCLOS. Các hành động và Phán quyết của Toà này là phi pháp, bất chính. Chính phủ Trung Quốc không chấp nhận, không tham gia và không thừa nhận phán quyết này và không bao giờ chấp nhận các hành vi hoặc các yêu sách dựa trên Phán quyết này. Trung Quốc và Philippines đã đi tới thoả thuận chung bỏ qua Phán quyết này, sử dụng tham vấn và thương lượng song phương để giải quyết các tranh chấp biển này.

5. Chính quyền Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa yêu cầu Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc không xem xét đến đệ trình về thềm lục địa mở rộng này của Malaysia.

Qua Công hàm này của Trung Quốc, chúng ta lại thấy những luận điệu nhàm chán của Trung Quốc. Một mặt, Trung Quốc làm phức tạp hoá vấn đề bằng các khái niệm “hổ lốn, hỗn tạp” trong tuyên bố của mình, lúc thì quyền lịch sử, lúc thì chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán. Nhưng bao giờ cũng thêm câu “Trung Quốc có các bằng chứng lịch sử và pháp lý”, tuy nhiên các bằng chứng đó đâu thì không thấy Trung Quốc đưa ra, mà chỉ nói suông vậy thôi.

Những căn cứ của Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, cụ thể Scarborough là một bãi cạn, nó không thể là một “đảo” theo điều 121 của UNCLOS. Nhưng Trung Quốc muốn sử dụng nó là một “đảo” để Trung Quốc lúc thì viện dẫn chủ quyền, lúc thì quyền lịch sử… miễn “nói lấy được” thì thôi.

Phán quyết năm 2016 của Toà Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS là một phán quyết lịch sử, góp phần làm sáng tỏ điều 121 của UNCLOS, theo đó giải thích không có cấu trúc nào thuộc Trường Sa có thể đáp ứng được yêu cầu là “đảo” cả. Đồng thời, Phán quyết cũng bác bỏ cái gọi là “yêu sách quyền lịch sử” của Trung Quốc trong vùng biển Đông. Nhưng mặc dù Trung Quốc một mặt lúc nào cũng viện dẫn luật quốc tế và UNCLOS, nhưng mặt khác, “điên cuồng” chống lại Phán quyết này, cho dù bị thế giới lên án.

Còn Việt Nam?

Việt Nam là một bên tham gia trực tiếp trong các tranh chấp này ở biển Đông. Quan điểm của Việt Nam là ủng hộ Phán quyết và chống lại cái gọi là “yêu sách đường lưỡi bò” trên biển Đông, bởi vì yêu sách này không có cơ sở nào trong luật quốc tế. Mới đây, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam; không có các hành động gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình và ảnh hưởng tới hòa bình ở Biển Đông và khu vực; tuân thủ quy định của các nước trong tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.”

Đối với Đệ trình của Malaysia, có một phần chồng lấn với thềm lục địa của Việt Nam, vì thế, cũng đã có tác giả yêu cầu Malaysia phải thảo luận với phía Việt Nam về khu vực chồng lấn này, để bảo vệ lợi ích của Việt Nam.

Dư luận đang chờ Chính phủ Việt Nam lên tiếng chính thức về vấn đề này, cũng như, với cương vị là Chủ tịch ASEAN của năm nay, cố gắng để có thể đưa ra những quyết định quan trọng của ASEAN mà có thể thẳng thắn nêu tên kẻ hung hăng, gây bất ổn nhiều nhất ở khu vực biển Đông là Trung Quốc.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular