Hoà Ái / RFA
Tác giả David Hutt vừa có một bài xã luận đăng tải trên tờ The Diplomat hôm 27 tháng 9 liên quan đến vai trò của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thời gian tới, tùy thuộc vào sức khỏe của ông ấy ra sao?
Ông Nguyễn Phú Trọng khỏe hay yếu?
Trong bài viết có nhan đề ‘Is Vietnam’s Trong still going strong?’ (tạm dịch ‘Tổng Trọng của Việt Nam sẽ tiếp tục mạnh mẽ?’), tác giả David Hutt đề cập đến tình trạng sức khỏe của ông Trọng mà dư luận trong và ngoài nước đang đặc biệt chú ý, trong bối cảnh Hội nghị Trung ương 11 dự kiến diễn ra trong tháng 10 này.
Ông David Hutt nhắc lại mặc dù truyền thông Nhà nước loan báo sức khỏe của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, 75 tuổi được hồi phục sau cơn bạo bệnh xảy ra hồi tháng 4 vừa qua; tuy nhiên vẫn có những hoài nghi rằng sức khỏe của ông Trọng đang bị suy yếu qua các lần xuất hiện của ông trong những sự kiện gần đây. Một viện dẫn như hồi đầu tháng 8, ông Trọng tiếp đón Chủ tịch nước Lào Bounnhang Volachith. Ông chỉ gặp gỡ chóng vánh Chủ tịch Lào và sau đó dành vỏn vẹn 25 phút tiếp xúc với Thủ tướng Malaysia -Mahathir Mohamad trong chuyến viếng thăm 3 ngày của Thủ tướng Malaysia đến Việt Nam vào cuối tháng 8. Ông Trọng cũng đã chưa hề có chuyến đi công du nước ngoài nào kể từ tháng 5 đến nay.
Một trong những sự kiện mà dư luận đặc biệt quan tâm là chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Trọng dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 10, theo lời mời của Tổng thống Donald Trump. Chuyến đi này được giới quan sát chính trị thế giới theo dõi vì căng thẳng leo thang tại bãi Tư Chính ở Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều diễn biến phức tạp, mà theo đánh giá của tác giả David Hutt là “thái độ của Bắc Kinh càng trở nên công kích và hiếu chiến hơn kể từ lần xảy ra xung đột tệ hại nhất ở Biển Đông hồi năm 2014”, đồng thời cũng trong bối cảnh Tổng thống Trump yêu cầu Hà Nội cần phải có biện pháp để giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước.
Tác giả David Hutt nhấn mạnh trong bài xã luận của ông rằng không ít ý kiến cho rằng có thể Mỹ và Việt Nam sẽ nâng tầm lên cấp quan hệ “đối tác chiến lược” qua chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng trong tháng 10; thế nhưng cho đến thời điểm này (cuối tháng 9, sắp bước sang đầu tháng 10) cả hai phía Việt Nam lẫn Hoa Kỳ vẫn kín tiếng về chuyến thăm đang được trông đợi này.
Nước Mỹ trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tiến đến công nhận các chủ quyền theo luật pháp quốc tế của các nước ở trong khu vực đấy. Thế thì công nhận đó đối với Việt Nam là như Mỹ đã nói dựa theo luật pháp quốc tế về biển, trong đó có ‘Công ước về Luật biển’ thì Trung Quốc không có chủ quyền gì ở Biển Đông hết, chỉ có những nước như Việt Nam hiện nay có thềm lục địa kéo dài 350 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác định rất rõ theo đúng nền tảng về ‘Công ước về Luật biển’. Mỹ trong khi không đứng về phía bên nào trong vấn đề tranh chấp về mặt chủ quyền cả thì Mỹ vẫn công nhận chủ quyền của Việt Nam theo Luật biển
-Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp về lợi ích chiến lược và chiến lược quốc tế từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á vào tối ngày 30 tháng 9 nhận định với RFA rằng dù sức khỏe của ông Tổng Trọng thế nào đi nữa thì chuyến thăm Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Trump sẽ diễn ra và có thể là sau Hội nghị Trung ương 11.
Theo lập luận của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thì chuyến thăm này sẽ dự kiến trước thời điểm Hoa Kỳ tập trung cho các hoạt động vận động bầu cử trong những ngày cuối năm 2019.
Trong khi đó, tác gỉa David Hutt nêu lên rằng cả Mỹ và Việt Nam chưa bên nào xác nhận về chuyến thăm Hoa Kỳ sắp tới của ông Trọng. Đây có thể là do phía Việt Nam chưa chắc chắn về sức khỏe của ông Trọng. Ngoài ra, còn có những đồn đoán rằng, nếu sức khỏe không cho phép thì người thay ông Trọng sang Mỹ có thể là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – người đã từng vài lần gặp gỡ và làm việc trực tiếp với Thổng thống Trump, đồng thời là người được cho là năng động và ngoại giao linh hoạt hơn so với ông Trọng.
Mặc dù vậy, tác giả David Hutt nhận định nếu như ông Nguyễn Phú Trọng đích thân công du đến Mỹ thì sẽ gửi một thông điệp rõ ràng cho Bắc Kinh rằng mối quan hệ Việt-Mỹ là hệ trọng.
Còn Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thì lại nhấn mạnh rằng dù ông Trọng hay một nhân vật khác thay mặt ông Trọng đến thăm Hoa Kỳ thì mối quan hệ Việt-Mỹ vẫn dựa trên nền tảng là đối tác, đồng thời là “một người bạn”. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp phân tích:
“Nền tảng để coi đối tác và bạn là Việt Nam là một nước nhỏ đang bị nước lớn là Trung Quốc bắt nạt và nền tảng quan trọng nhất giữa Việt Nam và Mỹ là cùng thượng tôn pháp luật quốc tế, tức là đảm bảo hòa bình, đảm bảo an ninh, chống lại các vi phạm về vi phạm luật pháp quốc tế và chống lại sự thay đổi hay các mưu toan thay đổi trật tự quốc tế dựa trên các luật lệ đang có.”
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cũng khẳng định không nhất thiết phải quan trọng mối quan hệ Việt-Mỹ dưới hình thức nào, mà điều cần thiết là phải nhận biết Việt Nam có được những lợi ích gì trong chính sách của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương:
“Những cái cụ thể thì các bên đã nói với nhau rồi. Đặc biệt bây giờ Mỹ có một chính sách rất quan trọng và rất rõ ràng là đặt Biển Đông trong khuôn khổ của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (gọi là Indo-Pacific). Trong chính sách này có các điểm quan trọng nhất; bao gồm Mỹ cùng các nước trong khu vực Indo-Pacific, đặc biệt là 4 nước trụ cột (Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Australia) phải cố gắng làm sao đảm bảo được hòa bình, an ninh và tự do hàng hải ở trong khu vực này, đặc biệt tại Biển Đông. Thứ hai nữa, nước Mỹ trong chiến lược đó tiến đến công nhận các chủ quyền theo luật pháp quốc tế của các nước ở trong khu vực đấy. Thế thì công nhận đó đối với Việt Nam là như Mỹ đã nói dựa theo luật pháp quốc tế về biển, trong đó có ‘Công ước về Luật biển’ thì Trung Quốc không có chủ quyền gì ở Biển Đông hết, chỉ có những nước như Việt Nam hiện nay có thềm lục địa kéo dài 350 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác định rất rõ theo đúng nền tảng về ‘Công ước về Luật biển’. Mỹ trong khi không đứng về phía bên nào trong vấn đề tranh chấp về mặt chủ quyền cả thì Mỹ vẫn công nhận chủ quyền của Việt Nam theo Luật biển.”
Khi Tổng Trọng không còn khỏe mạnh
Trong tình huống mà tác giả David Hutt đặt ra ông Tổng Trọng không đủ khỏe mạnh để công du thăm Mỹ sắp tới đây thì đó cũng là một vấn đề quan trọng cho thấy dấu hiệu rằng ông Trọng không còn đủ sức khỏe để tiếp tục vị trí lãnh đạo của mình nữa và câu hỏi đặt ra là ai sẽ thay thế ông Trọng sau Đại hội Đảng XIII vào năm 2021? Tác giả David Hutt nhắc đến 3 nhân vật “tam trụ” còn lại bao gồm Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Nhận định về ứng cử viên sáng giá nào có thể thay thế ông Trọng, trong tình huống ông Trọng không còn tiếp tục tại vị được nữa, Nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng từng khẳng định “Truyền nhân được nhìn thấy rõ ràng nhất của ông Trọng là ông Trần Quốc Vượng.”
Theo quan điểm của ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Victoria Wellington, New Zealand, khi đề cập đến ông Trần Quốc Vượng, qua email gửi đến RFA nhận định rằng:
“Chiếu theo Quy định 90 thì ông Trần Quốc Vượng hoàn toàn đủ tiêu chuẩn làm tổng bí thư, nhưng các thành viên cộm cán khác của Bộ Chính trị cũng đáp ứng được yêu cầu. Sự ủng hộ của Tổng bí thư Trọng sẽ là lợi thế lớn nếu ông Vượng muốn giữ chức tổng bí thư nhiệm kỳ tới, nhưng ông Vượng cũng có những hạn chế về kinh nghiệm quản trị và tuổi tác. Tiếng nói của ông Trọng có trọng lượng lớn, nhưng là không đủ để lấn át toàn bộ tiếng nói của Bộ Chính trị và đặc biệt là Ban chấp hành Trung ương.”
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thì lại có quan điểm trái ngược:
Chiếu theo Quy định 90 thì ông Trần Quốc Vượng hoàn toàn đủ tiêu chuẩn làm tổng bí thư, nhưng các thành viên cộm cán khác của Bộ Chính trị cũng đáp ứng được yêu cầu. Sự ủng hộ của Tổng bí thư Trọng sẽ là lợi thế lớn nếu ông Vượng muốn giữ chức tổng bí thư nhiệm kỳ tới, nhưng ông Vượng cũng có những hạn chế về kinh nghiệm quản trị và tuổi tác. Tiếng nói của ông Trọng có trọng lượng lớn, nhưng là không đủ để lấn át toàn bộ tiếng nói của Bộ Chính trị và đặc biệt là Ban chấp hành Trung ương
-Ông Nguyễn Khắc Giang
“Ông Vượng quá tuổi rồi, không được tính vào đây nữa. Mặc dù ông ấy là ‘Thường trực Ban bí thư’ nhưng nếu như nhìn kỹ lại thì từ trước đến nay rất ít người làm ‘Thường trực Ban bí thư’ lại lên ‘Tổng Bí thư’. Ít lắm! Trong lịch sử hơn 80 của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có một người từ ‘Bộ Chính trị’ hay ‘Thường trực Ban bí thư’ lên ‘Tổng Bí thư’ là ông Lê Khả Phiêu. Chứ còn những người khác có lên được đâu. Kể cả ông Trọng khi làm ‘Thường trực Ban bí thư’ nhưng khóa đấy ông không lên được. Với lại, ông Vượng thì một là quá tuổi và hai là quá trình công tác thì chưa qua nhiều chỗ, chưa làm ở nhiều chỗ khác nhau: chưa bao giờ làm bí thư tỉnh ủy hay thành ủy; chưa làm gì ở bên chính quyền cả mà chỉ mới làm ở hệ thống tư pháp là ở Viện Kiểm sát thôi và làm bên công tác Đảng. Thế thôi.”
Còn tiến sĩ Phạm Chí Dũng lại cho rằng mặc dù nhiều chính khách mong muốn ông Trọng sẽ rút lui khỏi chính trường không vì lý do tuổi tác thì cũng vì lý do sức khỏe; tuy nhiên vẫn còn một ẩn số rất lớn, không loại trừ rằng ông Tổng Trọng tiếp tục tự cho mình là “trường hợp đặc biệt”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp lập luận rằng có khả năng lớn là ông Trọng sẽ thôi chức vì tuổi cao, cũng như sức khỏe không được tốt. Và dù cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hay Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân khóa sau được chọn làm ‘Tổng Bí thư’ thì đều “có thể cán đán được công việc vì cả hai người đều trẻ hơn, năng động hơn và làm được nhiều việc hơn ông Trọng”.
Tác giả David Hutt đặt lời kết trong bài ghi nhận của mình rằng nếu như tình huống xấu nhất mà ông Trọng không tiếp tục tại vị trong vai trò Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam, thì Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc lựa chọn một người để nắm quyền hành lãnh đạo tối cao và sẽ có một sự chạy đua ở chính trường Việt Nam để thay thế vai trò không còn năng động của Tổng Trọng trong vòng 15 tháng nữa.