Thursday, December 26, 2024
HomeBLOGCHIM ƠI, BAY VỀ ĐÂU?

CHIM ƠI, BAY VỀ ĐÂU?

(Fb nhắc kỉ niệm cũ, buồn rã rượi…)

Nhà tôi cách công viên cây xanh Gia Định khoảng vài cây số. Trong những năm học cuối cấp 3, tôi thường đạp xe ra công viên học bài. Công viên có rất nhiều cây cổ thụ, nhiều cây cao thật cao, thân to một vòng tay tôi ôm không xuể, những tán lá xanh che kín một vùng, gió thổi mát rười rượi…

Mỗi khi vào công viên, tôi luôn tưởng tượng mình lạc vào một thế giới cổ tích, giống hệt như cô công chúa nhỏ lạc bước trong rừng. Lúc ấy, cảnh quan của công viên còn rất tự nhiên và nên thơ, có nhiều bụi hoa dại với những bông hoa nhỏ li ti trắng muốt, đan xen với vài khóm hoa vàng, ong và bướm chờn vờn lượn quanh, chim sẻ từng đàn cứ sà xuống rồi lại bay lên ríu ra ríu rít…

Tôi thường ngồi dưới một gốc cây quen thuộc học bài, đôi khi lơ đãng, ngả đầu, thả hồn lơ lửng nhìn trời xanh qua kẽ lá…và rồi tôi nhìn thấy, một tổ chim trên chạc ba cao cao của cây cổ thụ. Có một con chim, có lẽ là chim mẹ, cứ bay đi, chốc chốc lại bay về, lượn lờ quanh tổ. Tôi không hiểu chú chim đang làm gì, vì tổ chim khá cao nên tôi không thể nhìn rõ. Tôi đành nhắm mắt lại, đóng tất cả các giác quan, chỉ tập trung vào thính giác. Rồi tôi nghe thấy tiếng chim non, là tiếng chíu chít của vài ba chú chim nhỏ, chúng líu ríu, píp píp gọi mẹ… Tôi cứ lắng nghe và mơ màng, hồn bay bổng theo thanh ngân tiếng chim, tôi cảm nhận rõ lũ chim con đang nhảy múa, mừng rỡ khi thấy mẹ quay về, chúng lanh chanh đá nhau, mỏ há to ngoang ngoác, giành giựt chờ được mẹ mớm mồi…

Rồi mỗi ngày tôi đều đến ngồi dưới gốc cây đó, vừa học bài vừa hồi hộp chờ đợi lũ chim nhỏ tập chấp cánh. Tôi hình dung đến một ngày, lũ chim bé bỏng đủ lông đủ cánh, chúng sẽ rời tổ, tập bay chập chững, là đà lượn vòng quanh gốc cây, và khi đã sẵn sàng, cả lũ chim sẽ tung cánh, cùng nhau chao liệng trên bầu trời tự do… Tôi cứ ngồi mơ về ngày ấy, và tôi trông đợi khoảnh khắc ấy…

Nhưng ước mơ bé bỏng của tôi tan chảy, vĩnh viễn mất đi chỉ vài ngày sau, khi tôi quay trở lại công viên, tôi thấy cánh rừng cổ tích của tôi đang bị tàn phá, đám hoa dại dập nát hoang tàn, trên mặt đất ngả nghiêng những thân cây cổ thụ. Chúng nằm xếp lớp, nhựa đỏ từ vết cắt chảy ra, loang loáng, rồi ri rỉ, ri rỉ như những giọt máu đào. Công viên trở thành công trường ngổn ngang những thân cây đổ, đám lá xanh bị xếp lớp thành từng đống. Người ta không cho tôi vào, những chú áo xanh đội nón vàng gào thét, vung tay xua đuổi tôi trong tiếng cưa máy ầm ĩ…

Tôi cố tìm được cách trở lại bên gốc cây quen thuộc. Nhưng hỡi ôi, bóng cổ thụ lồng lộng trời cao nay chỉ còn trơ đám rễ nổi, những tán lá xanh, cành cây nhỏ vương vãi khắp mặt đất… Tôi điên cuồng tìm kiếm trong những nhánh cây ngổn ngang, vừa tìm vừa khóc nấc lên, nước mắt nhòe nhoẹt cay xè lẫn trong mùi gỗ tươi của những thân cây vừa bị cắt đổ. Tôi tìm tổ chim, cố lần mò trong đám lá dày đặc dưới mặt đất cái tổ rơm nho nhỏ nhưng… vô vọng!

Người ta kéo tay tôi, lôi tôi ra khỏi công trường đang thi công, la mắng tôi điên khùng khi thấy tôi cứ nức nở, hỏi tới hỏi lui tại sao lại chặt cây cổ thụ? Họ bảo họ xây dựng công viên, chỗ này là đường đi qua, nên phải chặt bỏ cây. Tôi ngơ ngẩn hỏi, sao làm đường đi, lại toàn đi qua những cây cổ thụ?
———————–

 

20 năm sau, tôi đã là một bà mẹ. Trong một dịp chở con đi chơi ở trung tâm thành phố, hai mẹ con tôi ghé vào công viên Tao Đàn. Thằng bé cũng giống hệt như tôi ngày xưa, nó vui thú lò cò quanh những gốc cây lớn, và mê mẩn chạy đuổi theo bầy chim se sẻ trên bãi cỏ xanh. Nó líu ra líu rít hỏi mẹ về những chú chim, chim nào là chim bố, chim nào là chim mẹ, chúng ăn gì, nhà chúng ở đâu…

Câu hỏi của thằng bé bất giác đưa tôi trở về ký ức cũ. Tôi ngước nhìn đám lá xanh trên đầu, chỉ lên ngọn cây cao cao, nói với con rằng gia đình chim sống trên đó, trong những tổ rơm nho nhỏ, cây sẽ che chở, bảo vệ cho tổ chim. Có thể cây này không có tổ chim nhưng những cây khác chắc là có. Lúc về, thằng bé dặn đi dặn lại tôi, nó muốn một ngày được quay trở lại công viên, tìm bằng được một tổ chim như lời mẹ nói…

Tôi vẫn nhớ lời hứa với con mình, như nỗi nhớ về khoảnh khắc đẹp ngày cũ. Tôi mong mỏi một lần nữa tìm được tổ chim, để mang niềm vui và hạnh phúc đến cho con tôi, cũng như là một cách gói lại giấc mơ còn dang dở…

Nhưng có lẽ, mơ ước của cô bé 15 tuổi ngày xưa và ước mơ của cậu bé 5 tuổi ngày nay sẽ chẳng bao giờ là hiện thực. Ước mong tìm được một tổ chim cho con nơi công viên ấy chắc sẽ xa vời vợi, vì người ta đang toan tính thu hồi 2.100 m2 đất công viên Tao Đàn, họ dự định sẽ chặt bỏ 33 cây xanh, toàn những cây cổ thụ và quý hiếm để xây dựng Metro.

Người ta quy hoạch thành phố, lập ra những dự án toàn với những lợi ích khô cứng, dựa trên nền tảng sẵn sàng đánh đổi cảnh quan thiên nhiên vô giá, bất chấp môi trường sống của người dân bị đe dọa, những mảnh xanh hiếm hoi ngày càng bị thu hẹp. Người ta vứt lại sự hoang tàn, nhẫn tâm lướt qua sự tiếc nuối, niềm tin toang toác vì thất vọng của người dân, và hơn hết là tước đoạt niềm vui của trẻ thơ, quay lưng với sự hụt hẫng, chơi vơi của trẻ nhỏ, khi sân chơi của chúng đang bị lấn chiếm và thu hồi bởi những mục đích tham lam của người lớn…

Sắp tới đây, người dân Sài gòn sẽ chứng kiến 33 thân cây cổ thụ tiếp tục đổ xuống, tiếp nối theo số phận oan nghiệt của:

– 84 cây cho dự án cầu Thủ Thiêm 2, trong đó có hàng cây 100 năm tuổi trên đường Tôn Đức Thắng;
– 57 cây xanh bị bứng, đốn cho dự án nhà ga trung tâm Bến Thành;
– Hàng loạt cây cổ thụ tại công viên Lam Sơn cho dự án thi công ga Nhà hát Thành phố;
– Hơn 2000 cây đã bị chặt phá vô lương tâm trong dự án thay thế 6.700 cây xanh ở Hà Nội;
– Và đầu năm 2016, Tp. HCM sẽ tiếp tục đốn hạ 70 cây xanh tại trung tâm thành phố để thi công tuyến tàu điện ngầm Bến Thành – Suối Tiên (theo báo người lao động)

Tôi không còn nước mắt để khóc cho những gốc cổ thụ, cho những giấc mơ hoang hoải, tiếc nuối về một khu rừng cổ tích ngày cũ.

Tôi cũng chẳng còn niềm tin, để hoài mong tìm được một tổ chim cho con mình nơi chốn ấy…

Những thân cây cổ thụ ngày xưa đã ngã xuống, đè nát bức tranh cổ tích và ước mơ tuổi thơ của cô gái trẻ…

Những thân cây cổ thụ ngày nay cũng sắp lìa trần, hồn cây bay đi mất, mang theo những tổ chim và để lại dấu hỏi ngơ ngác trong tâm hồn đứa trẻ nhỏ:

Mẹ ơi, chim không còn nhà, chim sẽ bay về đâu?

Previous article
Next article
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular