Sunday, July 20, 2025
HomeBLOGTẠI SAO MÌNH CHỈ THÍCH CHẠY XE XĂNG?…

TẠI SAO MÌNH CHỈ THÍCH CHẠY XE XĂNG?…

Mấy dòng này, chỉ là chuyện cá nhân, mình chẳng dám bàn mấy vụ vĩ mô, nhân loại. Thí dụ, xe xăng- xe điện, xe nào gây ô nhiễm môi trường thế giới hơn? Bàn mấy vụ này chỉ có tranh luận cả ngày, thời gian đó nên dành để… lái xe cho nó đã! Và hẳn nhiên, tút này cũng hoàn toàn không dám… chọc ghẹo gì những bạn đang chạy xe điện, mỗi người có một lựa chọn riêng, mình tôn trọng sự lựa chọn ấy.
Kể từ ngày biết lái xe, quãng đường mình đã ôm vô lăng chắc cũng vài trăm ngàn dặm. Lái từ số sàn, sau đó gần như… bắt buộc phải chuyển qua số tự động. Đã chạy hàng chục loại xe, từ… Kia Prize lụ khụ, cho đến những loại xe tân kỳ, xe hybrid, xe điện… Qua bấy nhiêu, mình quyết tâm… bảo thủ, chỉ mua và lái xe xăng, ít ra cho đến khi chúng… hết được sản xuất.
Vụ mình lái xe đường trường cũng nói nhiều rồi, mà đường trường ở Mỹ thì nó dài, rộng bát ngát, nhiều đoạn rất vắng xe, mình có thể ôm vô lăng mỗi ngày 10- 12 tiếng hoặc hơn, tuy nhiên chưa bao giờ mình xài các “công cụ hỗ trợ” như cruise control hay adaptive control, dù trên xe mình có đầy đủ những tính năng đó. Thực sự là mình đã từng xài thử, nhưng thấy không hạp, nên chỉ sau một đôi lần, mình bỏ luôn. Tại sao?
Khi “ôm” cái xe, mình chỉ muốn… lái nó, điều khiển nó, chớ không để nó lái mình, điều khiển mình. Cái bàn chân phải bắt buộc, hoặc để trên bàn đạp ga, hoặc để trên bàn đạp thắng, chớ không yên tâm một chút nào, khi để nó trên sàn xe. Cái cảm giác không đạp ga mà cái xe vẫn tự tăng tốc, hoặc giảm tốc, khi xài những tính năng tự động, khiến mình hoảng, mình ghét. Cảm giác lái là một trong những điều thú vị nhất khi điều khiển một chiếc xe, một cú nhớm ga, một phát ôm cua, có thể nhận biết được độ bám đường, độ mòn của lốp, độ chắc của tay lái…
Mấy vụ này mà không “hưởng thụ” thì mất hết cái sướng của lái xe. Điều đặc biệt, khi tác động xuống chân ga, mình phải nghe được độ gầm gừ của máy, độ ì hay nảy của âm thanh từ ống pô. Lái một chiếc xe mà nó… không phát ra âm thanh phản hồi từ chân ga thì cũng như… một cuộc yêu mà đối tác không hề… phát ra những âm thanh thống khoái vậy! Đó là sự khác nhau giữa một chiếc xe xăng hay xe điện, hoặc nói rộng hơn là chiếc xe mình lái nó, hay là… nó lái mình.
Một điều nữa, mình mê lái xe đường trường, mà trên những dặm đường hun hút ấy, một chiếc xe xăng giúp mình chủ động hơn nhiều trong việc tiếp nhiên liệu. Với mình, một chiếc xe điện chỉ là… xe đi chợ (cho dù nó có hầm hố như Cybertruck), hay lái lòng vòng kiểu… gà cậy gần chuồng, chớ vẫy vùng trời đất thì hổng dám. Ngang hoang mạc, nắng nóng 40 độ C, xa làng xa xóm, mà xe nó… kêu, anh kiếm cho em cái lỗ để em cắm thì thôi rồi!
Và một trong những nét thú vị nhất trên những dặm đường thiên lý, đã ăn sâu vào tiềm thức đó là những trạm xăng. Ở Mỹ, những trạm xăng trở thành một nét văn hóa. Trên những dặm đường mênh mông, hun hút, hầu như ngã rẽ (exit) nào cũng có những trạm xăng. Mình nhớ những trạm xăng hắt hiu trong tranh của Edward Hopper.
Nhớ những trạm xăng ngầu bụi, nơi dân hippies lái mô tô ầm ầm đổ bộ. Nhớ những đêm khuya khoắt, đánh lái vô exit ở một miền xa lạ, một trạm xăng loi lẻ bên đường, hắt ra những quầng sáng đìu hiu, thanh vắng. Tất cả các trạm xăng đều mở cửa restroom cho người qua đường. Bạn có thể mua mấy chai nước, gói thuốc, chiếc hotdog, hay nằm ngủ một giấc ngắn trước khi tiếp tục hành trình. Bởi vậy, mình đã… có thơ về mấy trạm xăng. Cũng như chụp rất nhiều hình về những trạm xăng trên đất Mỹ.
Giang hồ muộn bước, cây xăng ghé
Bóng xiên rờn rợn kính đêm vàng
Chợp giấc, đếm run từng nhịp thở
Tiếng còi ngoài lộ thót… ngày sang…
Những trạm xăng trên đất Mỹ có thể khổng lồ, với cả trăm trụ bơm, chói lòa ánh sáng, người ra vô tấp nập; nhưng cũng có những trạm xăng cũ kỹ, mỏi mòn, lưu đầy dấu thời gian ở những miền quê hoang quạnh. Nhìn một trạm xăng, có thể thấy một phần lịch sử của cả vùng đất ấy.
Mật độ những trạm sạc điện sẽ không biết đến bao giờ mới dày đặc được như những trạm xăng? Và cái nét “văn hóa” kia bao giờ mới thấm đẫm, lưu dấu thời gian được bằng trạm xăng?
Ngồi vô tay lái một chiếc xe điện, thực tình thấy nó đơn điệu, mỗi cái màn hình, tất cả nhờ cậy vô đó, còn xung quanh trống hoác, chẳng có gì níu kéo. Vừa trống trải, vừa thụ động. Nếu cái màn hình kia nó… buồn, là tài xế cũng bó tay theo. Tất cả trứng bỏ chung vô một rổ. Mình khoái cái cảm giác, bước vô “khoang lái” xung quanh đầy nút điều khiển. Khi lái là cả ngũ quan, lục quan cùng hoạt động. Tuyệt nữa là có đủ chân côn, chân ga, chân thắng. Cảm giác lái xe số sàn vẫn là điều rất đáng nhớ, chỉ tiếc loại xe đó không còn phổ dụng. Mình lái xe số tự động riết, giờ… quên mất phản xạ lái số sàn, uổng thay.
Đất Mỹ rộng, những con đường đưa xe vô tới kế… phòng ngủ. Khi mua một chiếc xe điện, họ khá dễ dàng trong việc cắm sạc trong garage- bộ sạc chính hãng. Với những quy định an toàn khắt khe. Tuy nhiên, sạc xe ở nhà, nói gì thì nói, tâm lý vẫn cứ… run. Tesla hẳn nhiên là nhãn hiệu xe điện nổi tiếng nhất, “an toàn” nhất cho đến lúc này, nhưng so với tổng thể các loại xe trên bảng xếp hạng an toàn, ít hư hỏng vặt, nó vẫn đầm đìa lỗi.
Giá Tesla giờ đây cũng rẻ, không chênh lệch bao nhiêu so với xe xăng, nói chung không hề nằm ngoài tầm với, nhưng so về bề dày lịch sử công nghệ, nó vẫn còn rất mới. Mà mới thì vẫn cứ là thử nghiệm, phải cập nhật, sửa đổi nhiều để tiệm cận với độ “chuẩn” của những dòng xe đã ra đời từ cả trăm năm. Vì vậy, tâm lý của mình cũng như nhiều người, mấy ông cứ thử nghiệm, sửa đổi, sau vài thế hệ nữa đi, cho đến khi nó ổn hẳn, lúc đó tụi tui… sẽ tính sau. Chớ ngay lúc này, tui không muốn tham gia “thử nghiệm” cùng các ông đâu. Đó là mình nói về Tesla, nhãn hiệu… lừng lững toàn cầu, chớ những dòng xe điện khác, ở đâu đó, thì nói thiệt, có biếu tận nơi cũng vái cả nón!
Đặc biệt, nếu mình ở chúng cư, hay nhà ở trong những nơi chật chội, phải đem chiếc xe đi gởi, hay để ở những điểm phơi nắng, phơi mưa, chuột chui, gián bò… phải sạc xe ở những điểm “chung chạ”, độ mất an toàn, hay lão hóa cũng tăng lên rất nhanh. Lúc ấy, xài chiếc xe cứ như đem lựu đạn ra chơi tạt lon. Thôi, cho em kiếu!
Những dòng trên đây, như đã nói, chỉ là cảm giác cá nhân, tinh thần cá nhân… Xe điện có thể sẽ thay thế xe xăng ở một thời điểm nào đó. Nhưng với mình, tri kỷ vẫn là xe xăng. Bây giờ và nhiều, nhiều năm nữa.
NGUYỄN DANH LAM
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular