Friday, December 27, 2024
HomeBình Luận-Quan Điểm"Vùng cấm" tham nhũng: chống kiểu "chịu trách nhiệm chính trị" không...

“Vùng cấm” tham nhũng: chống kiểu “chịu trách nhiệm chính trị” không thể tạo nên bước ngoặt cải cách (Phần một)

Bài bình luận của blogger Doãn An Nhiên
20-03-2024

Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng) từng nhấn mạnh chống tham nhũng “không có vùng cấm”, ngụ ý ở cấp lãnh đạo cao nhất như ở ‘Tứ trụ’, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Dù có thể hiểu đây là cam kết chính trị hay tuyên truyền nhưng không thể phủ nhận rằng tham nhũng đã hiện hữu trong vùng cấm là một thực tế. Về nguyên lý, có thể lần theo đường dây tham nhũng nào đó, các đại án, để tìm manh mối. Tuy nhiên, trong bối cảnh tham nhũng không chỉ là thứ văn hoá chính trị, thứ vũ khí của chế độ để bảo đảm cho tính chính danh qua tăng trưởng kinh tế, thì thể chế nào (hình thức, kiểu, cơ chế chính sách) phòng chống tham nhũng đang là vấn đề lớn. Gần đây, đảng đã vận dụng “chịu trách nhiệm chính trị” như một kiểu chống tham nhũng ‘đặc thù’. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp căn cơ cho  sự thay đổi hay sự đột phá thể chế.

Tình hình tham nhũng vẫn đang rất nghiêm trọng và phức tạp. Chuẩn bị công tác nhân sự cho Đại hội 14 của Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng), chiến dịch chống tham nhũng được tiến hành ngày càng quyết liệt, thậm chí ‘khốc liệt’. dồn dập và ‘khẩn trương’ hàng loạt quan tham “suy thoái đạo đức” bị khởi tố hình sự. Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 37 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương(1) cho biết có vụ án ‘đặc biệt’ được khởi tố với nhiều quan tham, các cán bộ lãnh đạo ở Trung ương và địa phương do vi phạm pháp luật bị bắt khẩn trương. Các báo nhà nước ngay lập tức đồng loạt ‘khai thác’ tin này với những dòng tít (title) hấp dẫn độc giả như những “khúc củi” vừa bị cho vào “lò” đúng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, nhưng Báo Chính phủ nêu trực diện: “Khởi tố 9 bị can liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn”(2), trong đó có các lãnh đạo đương nhiệm và nguyên lãnh đạo của ba tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Vĩnh Long và các đơn vị có liên quan. Họ là những quan tham cấp trung, người từng có chức vụ cao nhất là Bí thư Tỉnh ủy và thấp là cấp huyện, cấp phòng thuộc chính quyền tỉnh.

Vụ việc vẫn đang tiếp tục được mở rộng điều tra. Tính bất ngờ của vụ án ở chỗ nó chưa được đưa vào danh mục đại án trọng điểm năm 2024 của Ban Chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Nhưng tính chất nghiêm trọng của nó hơn cả “trọng điểm” vì khi lần theo đường dây ‘quan hệ thân hữu’ đã dẫn đến những cán bộ lãnh đạo trong ‘cung đình.’ Sẽ là một sự kiện rung động chính trường trong năm 2024 khi nó liên quan đến nhân sự Đảng CS ở cấp nhà nước cao nhất. Ở phần sau của bài viết nội dung liên quan sẽ được đề cập. Ngược lại, một quan tham ‘cỡ bự’ chẳng may bị ‘ngã ngựa’ cũng có thể khiến cho các doanh nghiệp ‘sân sau’ rung động. Hiện trên mạng xã hội lan truyền ‘giả thuyết’ khác nhau, như về sự đấu đá phe phái trước thềm Đai hội 14 hay vụ việc này nằm trong sự tính toán của Đảng về công tác nhân sự.

Bối cảnh thời kỳ chuyển đổi thị trường với nghịch lý tăng trưởng nhanh và tham nhũng tràn lan là quan hệ nhân quả. Quyền lực là thứ ‘ân huệ’ đổi lấy lợi ích vật chất đang là thứ văn hoá chính trị độc hại huỷ hoại chế độ. Sau mỗi dự án công đều có ‘bóng dáng’ của mối quan hệ thân hữu, trong đó doanh nghiệp và quan chức cấu kết. Đa số quan tham bị ‘lộ’ và bị cáo buộc nhận hối lộ xuất phát từ các doanh nghiệp ‘làm ăn phi pháp’, dựa vào mối quan hệ quyền lực, thân hữu để giành các dự án công nhằm chiếm đoạt tài sản của nhà nước và của dân, sau đó ‘lại quả’ dưới hình thức đưa hối lộ cho các quan chức đã ‘tạo điều kiện’. Đây chỉ là một mắt xích trong đường dây tham nhũng và, về bản chất đó là sự bảo trợ chính trị.

Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc, bà Hoàng Thị Thúy Lan (trái) và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Duy Thành. Ảnh Bộ Công an VN

Bà Hoàng Thị Thúy Lan, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND của Tỉnh Vĩnh Phúc là ‘quan tham’ trong vụ án nêu trên, là một mắt xích trong đường dây tham nhũng và là một trường hợp điển hình phản ánh nhiều bất cập thể chế, đặc biệt là công tác cán bộ – một lĩnh vực đang bị khủng hoảng. Để bắt giữ bà này, Đảng đã ‘rất khẩn trương’ hoàn tất cái gọi là các thủ tục ‘phế truất’ tư cách lãnh đạo, đại biểu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 7/3 đã ban hành Nghị quyết số 1000/NQ-UBTVQH15(3), tạm đình chỉ nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội và cho phép các cơ quan chức năng thực hiện khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, khám xét… Ngày 18/3 Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 38(4) kết luận bà này “đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; tiêu cực, nhận hối lộ, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật” và “đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật.” Liền sau đó Ban chấp hành Trung ương họp ‘xem xét’ tư cách Uỷ viên Trung ương của bà này. Tiếp đến, theo thông báo(5), là Quốc hội họp bất thường ‘xem xét’ tư cách Đại biểu Quốc hội của bà này.

Bà Hoàng Thị Thuý Lan, xuất thân là “hạt giống đỏ”, con gái của một cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN hai khóa 5 và 6, Bộ trưởng Tài chính, thuộc phái Đoàn Thanh niên. Bà từng làm cán bộ Đoàn chuyên trách của Tỉnh từ năm 2005, thăng tiến lên lần lượt lên chức Uỷ viên Ban Thường vụ và Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc. Đến đầu năm 2015, bà Lan lên chức Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, lần lượt vào Uỷ viên Trung ương khoá 12 và 13 rồi ngồi ghế bí thư suốt hai nhiệm kỳ gần chục năm cho đến khi bị bắt.

Là bí thư tỉnh uỷ, bà này từng ‘bảo kê’ cho Tập đoàn Phúc Sơn(6) liên tục giúp doanh nghiệp tư nhân này trúng thầu hàng chục dự án của tỉnh Vĩnh Phúc, từ xây trường học, chợ búa, bệnh viện, công sở… đến các khu dân cư đầu tư vốn ngân sách lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, bà Bí thư Hoàng Thị Thúy Lan còn ‘che đậy’ cho Phúc Sơn và các doanh nghiệp sân sau “ăn đất”, xé nát rừng Tam Đảo để xây khách sạn, phân lô bán nền…

Ông Nguyễn Văn Hậu (biệt danh Hậu Pháo) . Ảnh Bộ Công an VN

Công luận trong tỉnh từ lâu đã ‘xì xào’ về sự ‘nâng đỡ’ của người bí thư tiền nhiệm. Ông này đã thăng tiến lên trung ương, thành nhân vật có thế lực. Một đường dây bảo trợ chính trị được thiết lập, chắc chắn nhưng ‘vô hình’ đối với Đảng. Mặc dù bà Lan có nhiều “biểu hiện suy thoái về mặt đạo đức, lối sống” nhưng năm 2017, kỳ họp 19, Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã chỉ ra nhiều vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020, trong đó có trách nhiệm của bà bí thư tỉnh, nhưng bà này chỉ bị đề nghị “kiểm điểm sâu sắc!” Mặt khác, trong  lần bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo mới đây, số phiếu tín nhiệm của bà Lan cao ngất ngưỡng và chỉ bị duy nhất một phiếu tín nhiệm thấp…

Vô số những bất cập có thể chỉ ra từ trường hợp điển hình nêu trên, về chống tham nhũng và công tác nhân sự đảng, trong đó bài học trực tiếp được chỉ ra là sự yếu kém trong công tác tổ chức, quản lý cán bộ, đảng viên. Hơn thế, khi có sự bảo trợ chính trị từ trên, thậm chí là ‘vô hình’, dân chủ nội bộ ở cấp dưới, cấp cơ sở bị loại bỏ. Điều này cho thấy dân chủ hoá xã hội nói chung, cũng như xây dựng thể chế dân chủ để giám sát quyền lực quan trọng như thế nào! Tuy nhiên, Đảng vẫn ‘chối bỏ’ thực thế này vì bản chất quyền lực tuyệt đối. Bởi vậy, sự ‘bế tắc’ về giải pháp chính sách căn cơ đang cản trở công cuộc cải cách, trong đó thể chế là khâu đột phá chiến lược.

Dẫu biết rằng chính sách nhân sự đảng là khâu then chốt quyết định sự tồn vong của chế độ, nhưng không thể đột phá trong bối cảnh quốc nạn tham nhũng vẫn phức tạp, nghiêm trọng. Ngày 13/3/2024, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự Đại hội 14 với sự tham dự đầy đủ của “Tứ trụ” gồm các ông Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, và bà Thường trực Ban bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương… Tại đây, yêu cầu cao về nhân sự khoá tới được nêu ra, trong đó “không để lọt vào Trung ương khóa 14 người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều tài sản mà không giải trình được nguồn gốc.”(7) Tuy nhiên, giải pháp thế nào thì vẫn không có câu trả lời.

(còn nữa)

*Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do

Tham khảo

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular