Tôi có khiếu văn chương nên rất thích văn của ông, đặc biệt là văn dịch với Bông Hồng Vằng, Truyện ngắn Paustopvsky v.v. v.
Vào cuối năm 1990, ông định cư tại Pháp.
Tháng 3/2015 bà xã sang Oslo, (thủ đô Nauy) thay chồng nhận giải thưởng của Hội nhà văn Nauy trao tặng. Biết bà có ghé Paris vài ngày vì một công chuyện khác nữa, tôi dặn tới dặn lui bà xã phải liên lạc với nhà văn và xin gặp nhà văn để tỏ lòng tôn kính bằng được.
Té ra bà xã gặp nhà văn Vũ Thư Hiên ở Paris dễ hơn nhiều so với tôi gặp nhà văn Vũ Thư Hiên ở Việt Nam trong dịp nhà văn trở lại cố quốc cách nay hơn 2 tháng. ( Xin miễn giải thích vì sao)
Sau tuần đầu tiên ông có mặt ở cố hương, tôi có liên lạc với ông; mãi tới hôm kia, ông mới hồi âm, mời tôi và nhà thơ, nghệ nhân Phạm Xuân Trường sáng nay lên Hà Nội.
Vì nhà thơ Phạm Xuân Trường đang bận một việc khác, tôi đi một mình.
Càng vui hơn- đây là chuyến đi Two in one (2 trong 1)
Tại tư gia cô con gái, nơi nhà văn nghỉ dưỡng, mình được gặp một nhân vật quan trọng nữa- giáo sư, tiến sĩ Chu Hảo, là người cùng tôi được ngài trợ lý thứ trưởng bộ ngoại giao Hoa Kỳ mời gặp để tham vấn một số vấn đề về Việt Nam mà Bộ ngoại giao Hoa Kỳ quan tâm vào thời điểm năm 2015.
Không hẹn mà gặp, khi tôi có mặt giáo sư tiến sĩ Chu Hảo đã ngồi hàn huyên cùng nhà văn Vũ Thư Hiên được một giờ đồng hồ.
Nhà văn Vũ Thư hiên không nói về sức khỏe của ông, nhưng con gái ông, chị Vũ Mi Lan phải lưu ý rằng bố cô chỉ có thể tiếp chuyện với chúng tôi ở tư thế ngồi 30 -40 phút, sau đó phải nằm cùng ngần ấy thời gian và cứ thế lặp lại ngồi – nằm sau 30 -40 phút. Nguyên do là những đốt xương sống phần dưới lưng của ông đã bị vôi hóa, ông không thể ngồi liên tục. Bộ hàm của nhà văn cũng bị vôi hóa nên nha sĩ cho biết nhà văn không thể trồng răng. Hiện tại bác sĩ phải tiêm vào cơ thể nhà văn Canxi nano. Nhà văn đã 90 tuổi. Y khoa chỉ có thể giúp nhà văn đến thế.
Một trong nhiều trao đổi là nhà văn Vũ Thư Hiên hỏi tôi về những địa danh tại Hải Phòng 60, 70 năm trước. Chợ Cột Đèn, Bến Bính, Chợ Sắt, ngõ Cố Đạo. v.v.v. Cảm giác ông thuộc về Hải Phòng, thuộc về Hà Nội, thuộc về Sài Gòn, thuộc về dải đất hình chữ S sau 60 năm chia xa-bây giờ mới trở về, thay vì Moskva, Wasava, Paris và bất cứ nơi nào khác
Tôi từ biệt ông sau gần 2h ngồi cạnh ông. Giáo sư Chu Hảo về sau. Tôi không gọi taxi, không gọi xe ôm. Tôi lầm lũi bước trong lặng lẽ gần cây số trước khi nhảy lên một chiếc xe ôm grap như người vô thức.