Sunday, December 22, 2024
HomeBLOGTừ trong di cảo

Từ trong di cảo

Hồi tôi về quê, giở lại những thứ mà thày tôi để lại, có những tờ ghi chép (gọi theo cách của các cụ là di cảo; di là để lại, cảo là bản nháp, bản thảo, bản ghi chép) thật cụ thể mà quý giá. Biết bao kinh nghiệm sống, bao nhiêu bài thuốc, những nhắc nhở dặn dò con cháu đủ mọi điều… được thày tôi biên ra. Tôi đã từng dựa vào đó viết một loạt tút (status) trên phây búc (FB) nhưng đáng tiếc đã hai lần trang cá nhân của tôi bị xóa, bị khóa nên không thông tin lâu bền được.
Những di cảo ấy, chẳng hạn là tờ bìa tạp chí này (ảnh kèm). Thày tôi sinh thời chỉ làm nông dân nhưng đọc cả báo Nhân Dân, báo Hải Phòng (tờ này mỗi tuần 1 số), thậm chí tạp chí Học Tập. Thời đó, những vị đang cai trị xứ ta bây giờ vẫn chỉ chân đất mắt toét, chưa là gì cả. Chả biết thứ tạp chí ấy có đem lại cho thày tôi điều gì tốt đẹp không, nhưng cái bìa của nó, chẳng hạn bìa số ra tháng 10 năm 1971, thì rất có ích. Những năm tháng thiếu thốn ấy, giấy má cực hiếm, nhiều khi không kiếm đâu ra tờ giấy trắng để biên chép những thứ cần thiết. Tất cả những tờ lịch đã xé (khi đó lịch chỉ bé bằng bàn tay, chứ không có khổ lớn), mặt trong phong bì, bìa những tờ tạp chí… đều được tận dụng. Có những điều thày tôi biên bằng chữ Pháp, chúng tôi chỉ giữ lại mà không đọc được, nhưng nhiều nội dung khác thì bằng chữ Việt, với phông chữ chuẩn của những người trải qua thời Pháp thuộc.
Trên bìa tờ tạp chí Học Tập này, thày tôi ghi ra bài thuốc, cụ thể là tên thuốc và chỗ cần mua, với chỉ dẫn cụ thể. Nội dung là: “Thuốc chữa bệnh hậu sản. Chữa được cả đàn ông. Xanh xương vàng da, gầy ốm, ăn ngủ kém, chưa làm đã mệt, v.v.. (có lẽ là bệnh phòng tích). Bà Cụ Lạc. Thôn Yên Tập, xã Nhân Hòa, huyện Mỹ Hào, Hải Hưng. Nhớ Phố Lối đi vào. Đề phòng thuốc giả. Ngõ nhà Bà Cụ Lạc có cây táo”.
Xin giải thích rõ thêm thế này: Hồi xưa người ta thường nói bệnh hậu sản, để chỉ trường hợp những phụ nữ sau khi sinh bị suy kiệt thể chất, mất máu, ốm yếu, xanh xao gầy mòn, ăn không ngon ngủ không yên, mất sữa, những chứng này nếu bị kéo dài có thể gây chết. Nói tóm lại, đó là mất sức, suy dinh dưỡng. Thời đó, chiến tranh và bao cấp, nghèo túng, đói kém, ăn không đủ nên ai cũng bị mắc “bệnh” này, đàn bà mới sinh càng dễ mắc. Không chỉ đàn bà hậu sản, ngay cả đàn ông cũng suy kiệt thân thể, sức lực. Suốt thời trẻ thơ lẫn khi đã tuổi thanh niên, mấy chục năm ròng, tôi luôn có cảm giác đói, chỉ thèm ăn. Nhiều lúc ngẫm lại, mình sống được tới giờ cũng là may lắm, bởi không chết do chiến tranh thì cũng có khi chết đói, suy dinh dưỡng, suy kiệt sức khỏe. Thứ thuốc gia truyền mà thày tôi biên thực tế không phải để chữa bệnh đàn bà mà là thứ hợp chất chống suy dinh dưỡng, bồi bổ sức khỏe. Bây giờ người ta gọi nó là thực phẩm chức năng. Thày tôi biên rằng “chữa được cả đàn ông” chính là vì vậy.
Hồi xưa, trên đường từ Hải Phòng đi Hà Nội có một địa danh rất nổi tiếng, là Phố Nối (thày tôi biên thành Phố Lối, có lẽ do cách phát âm, hoặc đó cũng là một biến thể của địa danh). Phố Nối nằm ở huyện Mỹ Hào, nơi cũng có một địa danh khác nổi tiếng chả kém: Bần Yên Nhân, nức tiếng món tương Bần. Hải Hưng là tên gọi hợp nhất của hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên. Thời những năm 70, hầu hết các tỉnh ở miền Bắc đều bị hợp nhất, sau năm 1986 và những năm đầu thập niên 90 lại bị tách ra. Xứ mình có truyện “Cây tre trăm đốt” khắc nhập khắc xuất, nên nhập và tách là chuyện bình thường, đúng… truyền thống dân tộc. Huyện Mỹ Hào bây giờ thuộc tỉnh Hưng Yên.
Chỉ biên mấy thông tin vậy thôi nhưng thày tôi rất cẩn thận để người cần mua thuốc đỡ sự vất vả tìm kiếm. Chi tiết nhà có cây táo ngoài ngõ nói lên sự cần trọng ấy. Và cũng rất tôn trọng người làm thuốc, cụ luôn viết hoa “Bà Cụ Lạc”.
Bà Cụ Lạc từ những năm đầu thập niên 70 ấy, chắc chắn đã ra người thiên cổ. Tuy nhiên, các phương thuốc gia truyền, nhất là thứ đã nổi tiếng vượt ra ngoài phạm vi địa lý chật hẹp, thì cứ còn mãi, được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Chắc chắn con cháu Bà Cụ Lạc vẫn còn nối tiếp, phát huy nghề quý của tổ tiên. Tôi kể lại chuyện di cảo nhân cái bìa tờ tạp chí Học Tập cũng nhằm để những ai đọc, thấy cần thiết thì tìm về địa chỉ trên, hỏi thăm con cháu Bà Cụ Lạc làm thuốc thì sẽ ra. Tất nhiên thời buổi bây giờ không còn thiếu ăn, suy dinh dưỡng, bệnh hậu sản như trước, thậm chí người ta còn phải giảm ăn, nhưng cơ thể con người nhiều khi lại rất thích hợp với những phương thuốc gia truyền. Chả nói đâu xa, thày tôi được các cụ xưa truyền cho 2 phương thuốc, thuốc trị ghẻ và cao dán mụn nhọt. Nhiều người đi hết bệnh viện nọ bệnh viện kia, tốn cơ man là tiền nhưng không chữa dứt, chỉ cần vài chục nghìn thuốc ghẻ gia truyền nhà tôi (hồi thày tôi còn thì chỉ bán 2 hào) là da dẻ là mịn màng trơn láng, như chưa hề bị con cái ghẻ đục lỗ đào hang. Chỗ này tôi đành phải nói thêm kẻo sẽ có những còm hỏi, vậy thì làm sao mua, chứ chả phải pi a pi iếc (PR) quảng cáo gì. Thày tôi biết đám con không mặn mà làm thuốc, chỉ thích đi thoát ly, nên đã đích thân truyền cho đứa cháu 2 bài thuốc quý ấy. Ai cần mua, cứ liên hệ hỏi anh Thành (ở Hải Phòng), số điện thoại 0934659743.
Bây giờ thì hầu như chả còn ma nào đọc loại tạp chí Học Tập (đã đổi tên là Cộng Sản) nữa nên cái bìa tháng 10 năm 1971 kia có nhẽ được xem như thứ “vang bóng một thời”.
Nguyễn Thông
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular