Một giáo sư Đại học Harvard và hai nhà nghiên cứu khác tại Đại học Boston và một bệnh viện ở Boston bị truy tố vì nói dối về mối liên hệ của họ với chính phủ Trung Quốc.
Việc truy tố này là một phần trong nỗ lực của chính quyền Hoa Kỳ trong mục đích ngăn chặn những gì họ nói là nỗ lực của Trung Quốc nhằm đánh cắp tiến bộ khoa học và công nghệ của Hoa Kỳ.
Ông Andrew Lelling, công tố viên quận Massachusetts, nói trong một cuộc họp báo rằng, đây là một nỗ lực được chính phủ Trung Quốc chỉ đạo rất cẩn thận, nhằm lấp đầy những gì họ coi là khoảng trống, trong các chiến lược của mình.
TQ lợi dụng việc hợp tác với đại học nước ngoài ra sao?
Đại học Mỹ phụ thuộc vào sinh viên TQ ra sao?
Nhà văn Úc đối mặt với cáo buộc gián điệp ở Trung Quốc
Các công tố viên buộc tội Giáo sư Charles Lieber, Chủ nhiệm Khoa Hóa và Sinh Hóa tại Đại học Harvard, nói dối về việc tham gia Kế hoạch Ngàn người tài của Trung Quốc. Đây là kế hoạch của Bắc Kinh nhằm thu hút các chuyên gia nghiên cứu đang làm việc ở nước ngoài.
Hai nhà nghiên cứu Trung Quốc bị buộc tội là có liên hệ với chính phủ nước ngoài gồm Yan Khanh Ye (Diệp Viên Khánh) – nhà nghiên cứu về robot tại Đại học Boston – do không khai báo về việc đang làm việc cho quân đội Trung Quốc, và Zaosong Zheng (Trịnh Táo Tùng) – nhà nghiên cứu ung thư tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess – bị bắt tháng trước khi đang cố chuyển các mẫu nghiên cứu từ Mỹ về Trung Quốc.
Các công tố viên cho biết, Diệp Viên Khánh là một trung úy Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, nhưng cô ta không khai báo điều này khi xin visa vào Mỹ. Cô này còn bị buộc tội đã chuyển các thông tin nghiên cứu tại Đại học Boston cho chính phủ Trung Quốc.
Ông Trịnh Táo Tùng bị bắt tháng trước tại sân bay quốc tế Boston cùng 21 lọ chứa các mẫu sinh học nhạy cảm. Ông dự định trở về Trung Quốc để tiếp tục việc nghiên cứu ở đây, các công tố viên nói.
Cảnh giác khi hợp tác với Trung Quốc
Ba nhà khoa học nói trên là những trường hợp mới nhất trong số các học giả Hoa Kỳ đã bị truy tố vì mối liên hệ của họ với chính quyền Trung Quốc.
Vào tháng Tám, các công tố viên liên bang cũng đã cáo buộc một nhà nghiên cứu ở Đại học Kansas vì đã không khai báo mối liên hệ với một trường đại học ở Trung Quốc.
Joe Bonavolonta, người phụ trách văn phòng FBI tại Boston, cho biết, ông Lieber đã nhận được hàng triệu đôla từ chính phủ Trung Quốc.
Các công tố viên cho biết, ông Lieber đã khai báo sai sự thật, hư cấu và lừa đảo với Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về vai trò của ông trong Kế hoạch Ngàn người tài, cũng như với Viện Y tế Quốc gia về những liên hệ của ông với Đại học Công nghệ Vũ Hán ở Trung Quốc.
‘Gián điệp TQ’ tiết lộ thông tin tình báo và xin tị nạn ở Úc
Đại học Mỹ nhận tiền từ công ty TQ liên quan vụ Tân Cương
Vì sao Đại học Úc trao bằng tiến sĩ cho ông Khải?
Đại học Harvard và Boston cho biết, họ đang hợp tác với các nhà điều tra.
Trong một tuyên bố, Đại học Harvard nhấn mạnh, các tội danh mà chính phủ Hoa Kỳ đưa ra để truy tố Giáo sư Lieber là cực kỳ nghiêm trọng.
Ông Lieber đã bị bắt vào ngày 28/1.
Các quan chức ở Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess cũng như Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã không trả lời các yêu cầu bình luận từ Reuters,
Thứ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ John Demers cho rằng, các trường đại học Hoa Kỳ cần tăng cường sự cảnh giác khi hợp tác với Trung Quốc.
Ông kêu gọi các trường đại học Mỹ tăng cường tính minh bạch về nguồn tài trợ, đội ngũ tham gia nghiên cứu trong các chương trình của họ, cũng như duy trì an ninh và bảo mật với các nghiên cứu nhạy cảm.
Bộ Tư pháp cho biết, kể từ đầu năm 2018, họ đã đưa ra cáo buộc ít nhất là ba chục vụ liên quan đến gián điệp kinh tế, khoa học và công nghệ Trung Quốc ở cấp liên bang.