VOA
Ngày 5/12, Tướng Đoàn Duy Khương – Giám đốc Công an thành phố Hà Nội – trong báo cáo về tình hình an ninh trật tự của thủ đô năm 2019 nói rằng các tổ chức phản động đã sử dụng phương thức cấp đất, cấp nhà miễn phí để lừa bịp, lôi kéo và chiêu dụ người dân. Tuy nhiên, một nạn nhân mất đất của Hà Nội khẳng định với VOA rằng anh chưa từng biết và cũng không tin rằng chiêu thức “cấp đất, cấp nhà” này sẽ có hiệu quả lôi kéo người dân chống lại chính quyền, mà chính tự bản thân Đảng Cộng sản đã làm cho người dân nhận thức ra vấn đề.
Phát biểu của Trung tướng Đoàn Duy Khương được đưa ra khi ông trả lời phiên chất vấn của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội vào chiều 5/12.
Theo tướng Khương, tình hình an ninh trật tự ở Hà Nội trong năm nay “nổi lên một số diễn biến mới”. Theo đó, mặc dù “âm mưu cơ bản chiến lược” của các thế lực thù địch phản động và đối tượng chính trị cực đoan trong nước tuy không thay đổi phương thức thủ đoạn, nhưng “hoạt động chống phá tinh vi, xảo quyệt và nguy hiểm hơn”, trong đó bao gồm việc tổ chức tuần hành trái pháp luật, tung tin trên mạng ề “chương trình cấp đất, cấp nhà miễn phí” để “lừa bịp, lôi kéo, tuyển lựa lực lượng tham gia”, theo Vietnamnet.
Tuy nhiên, một “dân oan” mất đất ở Hà Nội, anh Trịnh Bá Tư, nằm trong số các hộ dân bị mất đất ở Dương Nội, cho VOA biết trong nhiều năm đi khiếu kiện và tham gia biểu tình đòi bồi thường đất đai, anh chưa từng biết đến có một tổ chức nào đưa ra chương trình cung cấp nhà, đất miễn phí cho người dân để chiêu dụ họ.
“Nhận định của tướng Khương như vậy là không đúng. Thực tế khi dân oan đi khiếu kiện đất đai thì cũng có sự trợ giúp từ những người hoạt động xã hội, các tổ chức xã hội dân sự. Nhưng tuyệt đối, với những hiểu biết và những gì tôi đã trải qua, thì không có một hội nhóm hay cá nhân nào dùng kinh tế, mà như ông Khương nói là dùng đất đai, để mà chiêu dụ hay mời gọi người dân vào một đảng phái nào đó để chống phá Đảng Cộng sản”, Trịnh Bá Tư nói thêm với VOA.
Không những cho rằng nhận định của Trung tướng Đoàn Duy Khương là không chính xác, Trịnh Bá Tư còn cho rằng phát biểu của Giám đốc Công an Hà Nội là “không thực tế”. Anh giải thích thêm:
“Bởi vì tâm lý của người dân là rất đề phòng. Trên thực tế, chính người dân hiện nay đang tự họ nhận thấy Đảng Cộng sản là một đảng độc tài và tham nhũng, và họ bắt đầu có tâm lý phản kháng, chống lại sự độc tài của Đảng Cộng sản. Cái đó xuất phát từ (điều kiện) tự nhiên thôi”.
Khiếu kiện đất đai đang trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự bất mãn của người dân đối với chính quyền sở tại. Không ít “dân oan” sau một thời gian dài đi khiếu kiện đòi đất đã trở thành “nhà hoạt động” với những kinh nghiệm và vốn kiến thức pháp lý mà họ bất đắc dĩ phải tìm hiểu và có được.
Trong những năm gần đây, rất nhiều vụ cưỡng chế đất đai đã dẫn đến xung đột dữ dội giữa người dân và lực lượng chức năng trên khắp cả nước như vụ Cồn Dầu, Đồng Tâm, Dương Nội, Tiên Lãng, Thủ Thiêm, Vườn rau Lộc Hưng…
Trong một báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam vào năm ngoái, tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng thay vì để cho người dân biểu đạt ý kiến và giải quyết vấn đề cho họ, chính quyền Việt Nam lại gia tăng đàn áp người dân chỉ đơn giản thực hành các quyền cơ bản của họ, trong đó có quyền tụ họp và phản kháng ôn hòa.
Trong buổi báo cáo ngày 5/12, tướng Đoàn Duy Khương cũng thừa nhận về tình trạng khiếu kiện đất đai của người dân và cho rằng tình trạng này “tiềm ẩn phức tạp” và dẫn đến việc “hình thành nhóm tổ chức cầm đầu khiếu kiện, chỉ đạo kích động tập trung đông người” để phản đối chủ đầu tư và chống đối lực lượng chức năng.