VOA
Trong vòng một tuần lễ vừa qua người ta lại bàn tán đến phát biểu của bà Chủ Tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi một lần nữa bà dựa vào câu nói của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển để lập lại những gì bà từng nói trước đây.
Qua góp ý của một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi xem xét dự án Luật thanh niên (sửa đổi) được Chính phủ trình sáng ngày 10 tháng 9, theo Chủ tịch Quốc hội, luật này “cần thiết kế luật để thanh niên thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và khi thực hiện thì họ được quyền lợi gì, nói như Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển là “hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”?
Người dân vẫn chưa quên ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu với báo chí ngày 23/7/2016 “Bảo vệ hòa bình không phải hô hào cho thật to, kích động thế này thế khác là có được chủ quyền, không có đâu. Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước?”
Chủ tịch Quốc hội rõ ràng đã rất tâm đắc với câu danh ngôn mà Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã phát biểu trong bài diễn văn nhậm chức ngày 20 tháng 1 năm 1961: “Đừng hỏi tổ quốc có thể làm gì cho bạn mà hãy hỏi: Bạn có thể làm được gì cho tổ quốc.” (Ask not what your country can do for you – ask what you can do for your country).
Và trước đó nữa vào tháng 1-1955, sau khi tiếp quản Thủ đô, tại buổi lễ khai mạc Trường Đại học nhân dân Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói: “Phải quan tâm đến việc khôi phục và xây dựng lại nước nhà. Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà. Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào”.
Trong hai câu vừa nêu câu của Tổng thống Kennedy ngắn gọn và súc tích hơn bởi chữ “có thể”, hàm ý ở trạng thái không xác quyết và vì vậy người hỏi có quyền lựa chọn thái độ của mình, trong khi câu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào chi tiết “ích lợi nước nhà” mang ý nghĩa thiết thực hơn và vì vậy dễ liên tưởng tới chính phủ hơn. Câu của Kennedy nhắm tới tổ quốc, câu của Chủ tịch Hồ Chí Minh có vẻ nhắm tới chính quyền, một thực thể đại diện cho tổ quốc và vì vậy ông và những người cán bộ sau này có ý ám chỉ tổ quốc và chính phủ là một.
Nhưng không. Tổ quốc được hình thành trước chính phủ qua bốn yếu tố: Lãnh thổ, lịch sử, văn hóa và con người. Chính phủ được con người chọn lựa trong cộng đồng của mình để điều hành tổ quốc tức đất nước hay nước nhà như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng. Chính phủ không thể đồng hóa với tổ quốc vì suy nghĩ như vậy là gian lận, nếu không muốn nói là thiếu lương thiện. Tổ quốc vĩnh cửu còn chính phủ chỉ là giai đoạn. Chính phủ có thể độc tài hay dân chủ nhưng tổ quốc không có khái niệm ấy. Chính phủ có thể thay đổi nhưng tổ quốc chỉ có thể mất chứ không thể thay đổi.
Mỗi cá nhân trong một đất nước tự biết bổn phận của mình đối với tổ quốc thông qua luật pháp mà chính phủ ban hành. Người dân biết rằng không đóng thuế, không tham gia nghĩa vụ quân sự, không chấp hành luật lệ mà hiến pháp đưa ra là gián tiếp không “làm gì cho tổ quốc”. Ngược lại nếu những bổn phận ấy được thi hành đầy đủ thì xem như đã làm tròn bổn phận đối với tổ quốc. Nếu một cá nhân muốn làm điều gì hơn nữa để đóng góp cho đất nước thì việc làm ấy hoàn toàn tự nguyện và không ai có quyền bắt buộc người khác phải làm giống như anh / chị ta.
Vế thứ nhất trong câu rất khiên cưỡng vì không mấy ai lại ngớ ngẩn đặt câu hỏi “Tổ quốc đã làm gì cho tôi” cả. Bởi vì tổ quốc là một khái niệm trừu tượng nó được định dạng bởi 4 yếu tố vừa nêu hợp lại để hình thành, trong đó yếu tố con người là quan trọng nhất vì thiếu con người chắc chắn không thể có tổ quốc. Tuy nhiên khi có con người mà yếu tố lãnh thổ không có thì tổ quốc ấy được hình thành như thế nào? Tộc người Dijan là minh chứng cho trường hợp vô tổ quốc và họ phải sống nhờ tại nhiều nước khắp thế giới. Mỗi người trong một quốc gia trực tiếp góp phần bằng nhiều cách để bồi đắp cho mảnh đất mà tổ tiên họ cũng như con cháu sẽ sống. Tổ quốc là căn nhà chung cho mọi người tụ họp và không ai lại đi hỏi căn nhà ấy đã làm gì cho mình.
Tổ quốc không thể làm một việc gì cụ thể để mỗi cá nhân phải thốt lên câu hỏi như thế và vì vậy ở phần thứ hai “bạn đã làm gì cho tổ quốc” cũng khó thuyết phục.
Mỗi cá nhân sống trong một đất nước khi đã làm việc để sống thì chí ít họ đã “làm gì” cho tổ quốc rồi. Nó như một cách góp gạo nấu cơm chung trong ngôi nhà mang tên tổ quốc. Gạo ấy có thể là tiền thuế, có thể là xương máu chống ngoại xâm, có thể là những đóng góp trí tuệ cũng có thể là những băn khoăn làm sao cho tổ quốc được độc lập hùng cường. Nếu ai cũng có những đòi hỏi bắt buộc mỗi công dân phải có đóng góp ngang bằng với những anh hùng thì làm sao xây dựng đủ những con đường để đặt tên?
Từ thực tế này người ta dễ dàng đặt lại câu hỏi: “Vậy người dân thành lập chính phủ để làm gì?” và câu trả lời thật đơn giản “Chúng ta lập chính phủ để bảo vệ và xây dựng tổ quốc” tức là bảo vệ và phát triển căn nhà chung mà chúng ta đang trú ngụ.
Mỗi cá nhân không thể đại diện tổ quốc ngang nhiên chạy sang Trung Quốc tới trước cửa Bộ Ngoại giao của nước này để la lối, chỉ trích hay thậm chí chửi mắng họ vì hành vi mang tàu Hải Dương 8 vào khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vì đó là bổn phận của chính quyền phải làm những gì mà hiến pháp quy định.
Mỗi cá nhân không thể đại diện tổ quốc cầm súng bắn lại kẻ thù khi chúng tràn sang biên giới. Công việc ấy là của quân đội mà chính quyền có bổn phận ra lệnh, tổ chức cho quân đội phải giữ gìn đất nước.
Mỗi cá nhân không thể đại diện tổ quốc tự tiện ký hiệp định thương mãi hay quốc phòng với nước khác mà chính phủ là nơi được người dân giao phó đề làm việc này.
Thậm chí, mỗi cá nhân không thể đại diện tổ quốc để chính thức đầu hàng kẻ thù trong một cuộc chiến tranh quy ước mà chính quyền mới là người đủ thẩm quyền làm điều này với sự giao phó của người dân.
Chính quyền vì vậy đại diện cho người dân chịu trách nhiệm trước sự tồn vong, hưng thịnh của tổ quốc và bất cứ chính sách, chủ trương nào của chính quyền cũng dính liền tới trách nhiệm với tổ quốc. Nếu chính quyền có chủ trương tự lo mọi thứ mà không cần sự góp ý hay góp sức của người dân thì hành vi ấy được xem là chuyên chế và toàn trị, vì vậy người dân không liên đới trách nhiệm với chính quyền khi tổ quốc lâm nguy hay tụt hậu so với nước khác.
Từ thực tế này câu danh ngôn có thể được thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh của bất cứ nước nào tự cho mình là dân chủ: “ Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho chính quyền mà hãy hỏi chính quyền đã làm gì cho tổ quốc”.
Nhà báo Mặc Lâm, nguyên Editor ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do. Ông được nhiều người biết qua các phóng sự như Trại giam Cổng trời, Vụ án xét lại chống Đảng… Bên cạnh những bài phóng sự chính trị, xã hội, văn hóa nhà báo Mặc Lâm còn thực hiện nhiều chương trình phỏng vấn các nhân vật lãnh đạo cao cấp, các khuôn mặt bất đồng chính kiến trong và ngoài nước được người nghe, đọc tán thưởng. Ông cũng phụ trách chuyên mục Văn Hóa Nghệ Thuật cho RFA trong hơn 10 năm. Về hưu năm 2017 sau khi tác phẩm Bàng Bạc Gấm Hoa của ông ra đời tại Hoa Kỳ. Hiện cộng tác cho VOA, RFA, Người Việt, và BBC trong nhiều mục khác nhau. Các bài viết của Mặc Lâm là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.