Monday, December 23, 2024
HomeBLOGKIM LÂN

KIM LÂN

VŨ THƯ HIÊN·THỨ TƯ, 28 THÁNG 8, 2019

Nguyễn Tuân là người giới thiệu tôi với Kim Lân. Tác giả Vang Bóng Một Thời, Quê Hương Chùa Đàn… có tiếng là người quảng giao, biết nhiều người, chơi với nhiều người, nhưng trong việc chọn bạn ông kỹ tính chứ không xô bồ.

Nguyễn Tuân nói với tôi:

– Viết về nông thôn anh này là số một. Con mắt anh ta lạ, vừa lờ đờ vừa hoay hoáy. Lờ đờ là bề ngoài, là giả tảng, hoay hoáy mới là thật – anh ta nhìn thấy những cái mà chúng mình không thấy. Giỏi!

Cha tôi có một tủ sách đầy ắp – sách tiếng Việt, sách tiếng Pháp, những chồng tạp chí Illustration, Tiểu thuyết Thứ Bảy dày cộp. Sách của ông cũng đủ loại, từ Triết học Vương Dương Minh, Bất Khả Tri Luận cho tới Sách Hồng cho trẻ con (“Hôm qua đổ trận mưa rào, Mặt trời sợ ướt lẩn vào đám mây…”) Ông truyền cho tôi cái tính ham học, ham đọc từ bé. Tôi đọc ngốn ngấu mọi thứ. Tôi đọc cho tới khi ngủ rũ với cuốn sách trong tay. Nhiều cuốn tôi đọc mà chẳng hiểu gì. Nhiều tác phẩm của Kim Lân có trong nhà tô: Vợ Nhặt, Đứa Con Người Vợ Lẽ, Con Người Cô Đầu,… Tôi đọc Kim Lân từ ngày ấy.

Về sau này, các tác phẩm của Kim Lân vẫn cuốn hút tôi bởi cái thế giới lạ lẫm của riêng ông. Cùng với Kim Lân còn có Hồ Dzếnh, với giọng văn đẹp một cách tự nhiên, mộc mạc, không cần đến hư cấu.

Cái sự Nguyễn Tuân quý Kim Lân cách riêng làm tôi thấy lạ. Không đến nỗi là hai thái cực, nhưng đặt hai người bên cạnh nhau thì thấy họ khác nhau rất nhiều. Không kể hình dáng bề ngoài, về văn chương hai người cũng khác nhau lắm: người này quan cách chữ nghĩa, người kia chân chất ruộng đồng.

Kim Lân nổi tiếng trong cả nước trước năm 1945 mà ta quen gọi là thời tiền chiến. Ông tiếp tục nổi tiếng ở phần phía Bắc đất nước, nhưng dường như bị lãng quên ở phía Nam. Người đọc bình thường ở miền Nam Việt Nam hầu như không biết đến ông. Ít nhất là tôi đã có cảm tưởng như thế khi trò chuyện với bè bạn về những tên tuổi được nhiều người nhắc tới ở đó. Cũng như thế, không phải có nhiều người biết ở miền Bắc các văn nghệ sĩ đã phải trải qua những khổ nạn nào.

Vào đầu thập niên 60, sau cuộc Cải cách ruộng đất “long trời lở đất” đến vụ “Nhân văn Giai phẩm”mọi người muốn hay không cũng đều phải thận trọng , mà thận trọng đến mức bệnh hoạn, trong sự giao thiệp. “Cải cách ruộng đất” tiếng là chỉ tiến hành ở nông thôn, nhưng người ở thành thị thường cũng từ nông thôn mà ra cũng nơm nớp vì những dây mơ rễ má của quá khứ: từng có ruộng cho phát canh thu tô hoặc từng có chức vụ trong làng xã. “Nhân văn Giai phẩm” tiếng là chỉ đụng tới văn nghệ sĩ nhưng nó đụng tới cả những Ba Giai, Tú Xuất hiện đại ở nông thôn, những nhà thơ làng có những bài vè ác khẩu.

Người hết tin người, đến nỗi khi khai lý lịch người ta thường để trống mục “bè bạn”. Để trống không có nghĩa là không có ai. Nó chỉ có nghĩa là tôi không có người nào đáng ghi vào mục ấy thôi. Bè bạn khác với người quen, người tôi giao thiệp, hà cớ phải ghi vào. “Tin người quá, dễ dãi quá, có ngày mất chỗ đội mũ”, Kim Lân nói bằng giọng tiên tri bỡn cợt. Ông có lý. Lớ ngớ điền vào đấy một ông bạn bá vơ nào đó để rồi vào một ngày kia ông ta bỗng dưng bị phát hiện hay bị tố cáo là “Ku Zét” (Quốc dân đảng), thậm chí dínhdáng với Phòng Nhì của Pháp hay CIA của Mỹ thì chết. Trong trường hợp này anh sẽ là kẻ “liên quan”. Mà chỉ liên quan thôi cũng đủ lôi thôi rồi – anh sẽ bị gọi đến những nơi không ai muốn đến, ở đấy anh phải trả lời đủ thứ câu hỏi lăng nhăng của các viên chức mẫn cán trong việc truy tầm các phần tử phản cách mạng. Mất thời giờ là cái mất ít nhất. Anh còn có thể bị mất nhiều thứ lớn hơn mà anh không ngờ tới – ngồi tù cùng với ông bạn với tư cách kẻ khả nghi, bị sa thải, bị chuyển công tác, đưa về địa phương, mất béng công việc đang ngon lành.

Không biết trong lần đầu gặp gỡ khi quan sát tôi Kim Lân có nhìn tôi hoay hoáy hay không, nhưng tôi nhớ ánh mắt của ông khi nghe Nguyễn Tuân giới thiệu tôi. Văn gia Nguyễn Tuân nói quá lời, Kim Lân không đến nỗi xét nét quá đáng khi nhìn người mới quen. Cũng có thể ông tin lời giới thiệu của Nguyễn Tuân, nên với tôi ông có cái nhìn ấm áp đôn hậu đi cùng với cái bắt tay chặt.

Kim Lân hay bá vai tôi khi đi cùng. Đó là cử chỉ thân mật. Cánh tay ông nhẹ. Thân hình ông cũng vậy, chắc nhẹ bỗng. Gương mặt xương xẩu, da xạm, nhưng nụ cười toả nắng. Tôi bao giờ cũng nghi ngờ những nhà văn béo tốt, họ dường như đi lạc vào làng văn.

Tôi kính Nguyễn Tuân và một số nhà văn khác bởi văn tài của họ chứ, nói chung, các nhà văn “có môn bài” không hề được lũ viết văn trẻ chúng tôi hiển nhiên coi trọng. “Có môn bài” ở đây được hiểu là sự có chân trong Hội Nhà văn. Vào được cái hội danh giá này thời ấy khó lắm – không phải cứ có sách in là người ta cho vào. Để trở thành hội viên còn phải thông qua sự sàng lọc của một thứ chẳng liên quan gì tới văn chương là “đảng đoàn Hội Nhà văn”. Đảng rõ ràng là tổ chức không dính líu tới văn chương, nhưng đảng lãnh đạo toàn diện, cho nên nó có buộc vào cổ văn chương bằng sợi dây tam cố cũng là chuyện đương nhiên.

Chơi với Kim Lân tôi thấy ông không mặn mà bao nhiêu với cái chân trong Hội Nhà văn. Ông nổi tiếng, người ta không thể không đặt ông vào đấy thì ông vào, ông lững thững vào, chứ chân kia ông để ở ngoài – ông có nhiều bạn văn vô danh tiểu tốt hơn bất kỳ nhà văn nào trong cái hội nọ.

“Này, truyện ngắn Đêm Mất Ngủ của ông được lắm, nó lạ, nó mới, không sa vào lối mòn. Với nó ông có thể trải một chiếu trong đình làng văn được rồi”, ông nói vào một lần tôi được ông kéo về nhà mình trong ngõ hẹp.

Ông thủ thỉ khen tôi sau hai điếu thuốc lào. Tôi thích ngắm Kim Lân vào lúc này. Ông không hút như cách người nghiện đến cơn thèm. Ông hút chậm rãi, tận hưởng đến cùng cái thú của sự hút. Sau khi bắt cái điếu kêu lên một tràng giòn tan, ông rít đến khi vê thuốc đỏ lửa chìm dần vào nõ mới từ từ ngửa mặt lên, miệng không mím cũng không mở, từ đó bay ra một đám mây vần vụ. Đoạn, ông quất cái xe điếu đánh chát vào thànhcái điếu bát đã ngả màu gụ, đặt dấu chấm hết cho điếu thuốc làm ông hài lòng.

Truyện ngắn Đêm Mất Ngủ vừa mới xuất hiện trên tờ Văn Học đã có điều ong tiếng ve rằng nó đi ngược con đường hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Đỉnh điểm của những lời phê phán là bài “Giương cao ngọn cờ tính Đảng, chống chủ nghĩa xét lại hiện đại trong văn nghệ” của Tố Hữu, đăng trên tờ Nhân Dân, sau đó được tất cả các báo nhất tề đăng lại, không trừ cả báo Văn Nghệ đã đăng truyện ngắn này. Ông giáo sư Hoàng Xuân Nhị[1]còn gán thêm cho tôi một tội mà nhà lãnh đạo văn nghệ bỏ sót: “Vũ Thư Hiên đã phất cao ngọn cờ ấn tượng chủ nghĩa nhằm chống lại đường lối văn nghệ xã hội chủ nghĩa của Đảng”. Khốn nạn, khi viết truyện ngắn và cả sau đó nữa tôi nào có biết mặt ngang mũi dọc của cái ấn tượng chủ nghĩa nó là thế nào đâu. Say máu cuồng tín người ta nghĩ ra nhiều đòn, nhiều tội để buộc tôi vào một tội nào đó, không cần biết nó có thật hay không, không cần biết nó lá cái gì . Trong trận đòn hội chợ này nhà phê bình văn học Phong Lê cũng không bỏ lỡ để bồi thêm cho tôi một quả đấm muộn trên tập san Nghiên cứu Văn Học.

Người đưa truyện ngắn của tôi lên trang nhất tờ báo là nhà văn Đỗ Quang Tiến. Ông kể ông cũng bị hạch hỏi, bị kiểm điểm lên kiểm điểm xuống, nhưng ông cứ một mực đổ cho tập thể đã thông qua. Mà tập thể rồi cũng phải nhận tội vì thiếu tinh thần cảnh giác cách mạng nên để lọt, lờ đi cái tội lười, không đọc, hoặc đọc lướt, cho nên ông nhà đoan đi làm văn Đỗ Quang Tiến riết rồi cũng bình an vô sự.

Đỗ Quang Tiến cũng là bạn Kim Lân. Ông cười hì hì khi nghe chuyện bạn bị kiểm điểm:

– Giỏi! Tập thể tức là chẳng có thằng chó nào hết.

Kim Lân không phải không biết cái sự coi thường những lời vàng ngọc của ông vua văn nghệ sẽ có hậu quả thế nào. Có thể ông tin tôi không phải kẻ ưa đưa chuyện sẽ đem câu nói của ông đi khoe với thiên hạ. Mà cũng có thể ông nói văng mạng, chẳng biết sợ là gì.

Tôi ở tuổi coi trời bằng vung, Lời Tố Hữu phê phán tôi chẳng có tác dụng gì. Lời khen của Kim Lân mới là cái quan trọng. Nó cho tôi thêm vững dạ để bước tiếp.

Nhờ Kim Lân và Hồ Dzếnh tôi mới quen Thanh Châu, nhà văn lãng mạn, một cây bút chủ lực của tuần báo Tiểu thuyết Thứ bảy ngày trước. Cũng lại là sự lạ – Kim Lân không hề lãng mạn chút nào lại là bạn, mà là bạn thiết, của Thanh Châu.

Thanh Châu nói về Kim Lân:

– Văn ở người này hay người kia khác nhau còn ở cái tạng, ông ạ. Tạng tôi dù có muốn viết như ông ấy đến mấy cũng không thành. Mà tôi mê cái chất mộc mạc của ông ấy lắm, nhưng bắt chước không được.

Việc kiên quyết xoá sạch quá khứ, trong văn học cũng như trong mọi mặt đời sống tinh thần trước cách mạng là chuyện đương nhiên của đảng cầm quyền. Văn Thanh Châu, và nói chung dòng văn lãng mạn bị giập tắt hoàn toàn ngay lập tức để nhường chỗ cho văn chương công nông binh.

Chúng tôi, những đứa trẻ mê văn, rất biết ơn các tác giả của nền văn học trước cách mạng. Mặc cho mọi phủ định, mọi bài nói bài viết chê bai, dè bỉu của những cây bút phê bình mới nổi, chúng tôi hiểu rằng mọi bút pháp văn xuôi, và cả thơ nữa, được phong phú như bây giờ là nhờ công khai sơn phá thạch của các vị ấy. Những tác phẩm của thời kỳ trước cách mạng bị coi là văn hoá độc hại, bị tịch thu, bị thiêu huỷ, nhưng chúng không biến mất hoàn toàn, chúng tôi vẫn tìm ra chúng ở những người yêu sách đã cất giấu được, ở những hiệu sách cũ.

Các nhà văn cũ bị chìm nghỉm trong cơn sóng lừng của những cấm đoán khắt khe.

Thanh Châu chẳng chờ bị nhận chìm, như nhiều nhà văn tiền chiến ông tự chìm. Ông ngồi nhà, khoá trái cửa, tránh mọi giao tiếp.

Đến với Thanh Châu, tôi phải thận trọng từng bước leo một cái thang mảnh dẻ và lung lay, chui qua một cái lỗ nhỏ hình vuông vừa đủ cho một người, để lết vào bên trong cái gác lửng thấp tè. Ngồi ở đó, bên bàn trà của Thanh Châu, tôi được hưởng sự yên tĩnh ở một thế giới khác, bỏ lại sau mình cái thế giới chán phè.

Nhà Thanh Châu là chỗ ẩn náu của mấy nhà văn không ưa thời cuộc bên ngoài. Họ lui tới với Thanh Châu vì ở đó là nơi có thể bàn chuyệnđời, chuyện văn, muốn nói gì thì nói. Lạ một cái là ở đấy chúng tôi chẳng phê phán ai, chẳng chống đối ai, chẳng chống đối cái gì, chúng tôi không rỗi hơi để làm việc ruồi bu, thế mà người ta cũng biết ai thường đến đấy, nói cái gì. Không thể hiểu tại sao – ai đó sểnh miệng hay có người không đáng tin nhập cuộc. Thành thử khi có chuyện ấy xảy ra thì giữa chúng tôi cũng có cái nhột nhột trong câu nói, trong giọng nói, như một phản xạ có điều kiện.

Đến thời có cuộc “đấu tranh giữa hai đường lối” (tức là hai cái gọi là “giáo điều” và “xét lại”) thì tình hình căng như dây đàn. Trong bầu không khí ngột ngạt, ở mọi cơ quan báo chí xuất bản các bài viết, các tác phẩm văn học nghệ thuật đều bị lôi ra xem xét dưới kính phóng đại. Mọi nhà văn nhà báo đều bị coi là xét lại, hoặc tình nghi xét lại. Người ta thổi phồng cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa xét lại hiện đại được Bắc Kinh khởi xướng như là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng vô sản, được các loa đầu đường ra rả phát lại. Mọi văn nghệ sĩ phải tự xem lại mình, tự kiểm điểm , tự đấm ngực mà kêu mea culpa (tôi là kẻ có tội). Có cả những người chẳng hề quan tâm các thứ chính trị linh tinh vội vã xưng mình có tội để được coi là kẻ trung thành với đường lối chính thống. Nhìn quang cảnh ấy tôi thấy xấu hổ cho giới trí thức.

Trong cuộc săn phù thuỷ này có rất nhiều sắc thợ săn – kẻ vì danh, lợi, kẻ chỉ mong được tồn tại, được sống sót. Tôi cũng suýt chết. Những bài báo tôi viết có nói đến tình hữu nghị với Liên Xô, nước được coi là tên đầu sỏ xét lại bị đem ra mổ xẻ, lên án. Chỉ đến khi tôi đưa ra chứng cứ rằng bản quyền những câu chữ ấy không phải của tôi mà của các lãnh tụ đảng được tôi cóp pi nguyên văn thì những nhà phê phán, từ thư ký toà soạn tới chị đánh máy mới ngã ngửa người ra đành phải cho tôi trắng án.

Hiền lành như Kim Lân mà rồi cũng không thoát cuộc đấu tranh giữa hai đường lối một mất một còn để trở thành nạn nhân vì truyện ngắn Con Chó Xấu Xí. Tôi không nhớ ai là người đầu têu phê phán truyện Con Chó Xấu Xí. Trong những cuộc họp té nước theo mưa, bằng giọng cao đạo người ta nổ như pháo rằng Kim Lân là một tên xỏ lá có hạng, Kim Lân dám ví Đảng như ông chủ, còn trí thức là con chó. Cả nhà ông chủ hắt hủi con chó ghẻ lở gày còm, nó bị đạp, bị đá, nhìn thấy bóng người là nó len lét lủi như chạch. Chỉ đến khi nó hết bệnh, trở nên khoẻ mạnh, béo tốt, thân hình nể nang của nó hứa hẹn những đĩa luộc, đĩa dồi và nồi nhựa mận bốc mùi ngào ngạt, nó mới được mọi người hết lời khen ngợi. Con chó khốn khổ thì chỉ biết một mực trung thành với chủ, nó giữ nhà cho chủ khi chủ chạy Tây càn cho đến khi nó bị thương gần chết vẫn còn lết đến mừng chủ trở về. Miêu tả thân phận con chó còi cọc đói khổ trên nền xám của nông thôn Việt Nam Con Chó Xấu Xí là một truyện ngắn cực hay.

Như có một cái dớp, mọi tác phẩm mang tên các con vật như Văn Ngan Tướng Công của Vũ Tú Nam, Con Nai Đen của Nguyễn Đình Thi đều chịu chung số phận với Con Chó Xấu Xí. Tôi cũng không nhớ ai đã viết thế này về Văn Ngan Tướng Công: “Vũ Tú Nam ví đảng như con ngan, bay không biết bay, bơi không biết bơi, chỉ nỏ mồm cạc cạc”. Con Nai Đen, không bị đánh công khai, có lẽ do người ta còn chút nể nang ông chủ tịch Hội Nhà văn nhưng lời phê phán của Tố Hữu rằng tác giả đi chệch đường, lấy truyện xưa để nói nay, một thứ sáng tác bệnh hoạn được truyền miệng rộng rãi. Nguyễn Đình Thi và Vũ Tú Nam dù cùng gặp tai nạn với Kim Lân nhưng trước sau hai vị vẫn là ”người của đảng”, không được lũ viết văn trẻ chúng tôi coi là “người cánh ta”.

Tôi kể chuyện này để thấy tôi không lầm về Kim Lân.

Cũng như mọi người, ông sống thận trọng. Một hôm, từ nhà Thanh Châu ra về ông bảo tôi: “Này, ông phải cẩn thận đấy. Đỗ Nhuận vừa nói trong cuộc họp ở hội rằng Vũ Thư Hiên là một tên xét lại”.

“Xét lại” là một từ rất xấu, rất nguy hiểm. Người bị gọi là “xét lại” là người có thể bị nhiều tai ương không ngờ.

Tôi ngây thơ cứ nghĩ Đỗ Nhuận đối với tôi có tình. Chúng tôi hể hả khi gặp nhau, trò chuyện vui vẻ. Tôi quý tác giả bài ca Sơn La Âm U, Núi Khuất trong Sương Mù, Giải Phóng Điện Biên, Bộ Đội Ta Tiến quân Trở Về…Mới hôm trước anh còn rủ tôi đi cà phê Lâm Toét: “Thể nào ông cũng viết cho tôi một bài về nhạc kịch Cô Sao đấy nhá! Tôi thích cách ông viết. Ông phải “lăng-xê” nó cho tôi”.

Thêm một lần tôi hiểu con người có hai mặt hoặc nhiều mặt trong cái xã hội tôi đang sống.

Tôi cảm ơn Kim Lân đã nhắc nhở. Nhưng tôi không biết phải cẩn thận thì cẩn thận thế nào cho đủ.

– Đừng nghĩ tới chuyện viết trong thời gian này – Kim Lân nói – Tôi cũng thế, tôi im. Hoặc tôi xuất bản bằng mồm.

Trong các truyện ngắn xuất bản bằng mồm của Kim Lân, có tôi, Thanh Châu và Hồ Dzếnh cùng nghe, có một truyện tôi đặc biệt nhớ: Thằng Câm. Truyện này rồi sau Kim Lân hoá ra cũng chẳng viết ra giấy. Nó chẳng được in ở đâu, cũng không nghe ai nói tới một bản thảo của Kim Lân có tên như thế.

Như mọi truyện của Kim Lân, truyện Thằng Câm rất đơn giản. Ở một hợp tác xã nông nghiệp nọ có một chàng trai ế vợ. Anh khoẻ mạnh, không đẹp trai, cũng không xấu xí. Nhưng anh bị câm bẩm sinh. Sau nhiều mai mối, cuối cùng một cô gái làng bên thuận lấy anh. Họ sống với nhau được một thời gian không dài. Cho đến một ngày, trong cuộc chấm điểm lao động của hợp tác xã, anh bất bình với cách chấm điểm mà anh cho là không hợp lý, anh ú ớ cãi lại. Vợ anh cũng không hiểu anh nói gì, cô dịch lời của anh sai, anh quát cô, anh la hét rầm rĩ, vung tay định tát cô ngay trong cuộc họp. Cô bỏ chạy, nước mắt ròng ròng. Đêm hôm đó, cô thu xếp quần áo cho vào tay nải, đợi anh ngủ say thì đi. Nhưng ra đến cổng, cô bịn rịn quay lại nhìn vào cửa sổ nơi anh nằm và giật mình: qua những chấn song cô nhìn thấy mặt anh thẫn thờ, tuyệt vọng, đau đớn. Anh vẫn thức, anh biết chị sẽ bỏ đi, anh không cản, anh chấp nhận số phận hẩm hiu của kẻ tật nguyền.

Chuyện chỉ có thế. Nhưng cách kể chuyện của Kim Lân làm người nghe rùng mình về tình người không nói ra.

Nếu nó được viết ra thì Thằng Câm chắc chắn sẽ là một truyện ngắn tuyệt vời. Kim Lân là phù thuỷ trong chuyện đời được viết thành văn.

Kim Lân nói về nghề văn:

– Chữ nghĩa của ta thật hay. Nó có chữ “ngứa nghề”. Tôi đã hỏi các vị thần sầu tiếng Tây thì các vị ấy bảo trong tiếng Tây cũng không có chữ ấy. Ngứa thì phải gãi. Trong văn cũng vậy. có ngứa nghề mới viết được. Ngứa là thế nào? Là có một cái gì đó nhập vào ta, bắt ta phải chú ý đến nó, đòi ta phải suy nghĩ về nó, phải kiếm cách cho nó được bộc lộ ra. Lúc ấy là phải gãi, phải viết nó ra. Không ngứa mà gãi là không thành, là thành cái vô duyên

Rồi chúng tôi xa nhau một thời gian dài.

Trong xà lim cấm cố tôi nhớ nhiều thứ tôi bỏ lại bên ngoài. Tôi nhớ về vùng quê thời thơ ấu, của tôi, rồi tỉ mẩn ghi lại những gì tôi còn nhớ vào những mẩu giấy mà người tù bị biệt giam còn có thể có – giấy gói kẹo, vỏ bao thuốc lá… Những mẫu ghi chép ấy về sau này được mẹ tôi và các em tôi giấu giếm mang được ra ngoài, chép lại, để rồi sau này, như nhờ một phép màu, nó được in thành cuốn Miền Thơ Ấu.

Rồi Miền Thơ Ấu cũng đến tay Kim Lân.

Găp lại Kim Lân ở Sài Gòn, tôi nói với ông:

– Viết về nông thôn tôi sợ nhất ông. Nông thôn dưới ngòi bút của ông mới là nông thôn đích thực.

Kim Lân ôm lấy tôi:

– Tôi xúc động đọc Miền Thơ Ấu. Tôi là thằng nhà quê, viết chuyện nhà quê, bằng văn nhà quê. Còn ông là dân tỉnh, viết chuyện nhà quê bằng văn tỉnh. Khác nhau có thế thôi, ông ạ.

Đó là lần gặp gỡ cuối cùng của tôi với Kim Lân.

Ông đi, để lại trong tôi một trống vắng không thể lấp đầy.

8.2019

[1] Hoàng Xuân Nhị (sinh 1914), giáo sư khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đóng góp nhiều cho nền phê bình văn học xã hội chủ nghĩa, nhất nhất theo quan điểm bảo thủ mác-xít.
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular