Trân Văn
Tuần này, sự kiện bé Lê Hoàng Long, 6 tuổi, học sinh trường Tiểu học Quốc tế Gateway chết vì bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh đã trở thành một trong những chủ để chính cả trên mạng xã hội lẫn trên hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam.
Tập đoàn Giáo dục Quốc tế (Edufit) – chủ đầu tư hệ thống trường phổ thông liên cấp Gateway – đã trở thành đối tượng bị công chúng mổ xẻ. Dựa trên những dữ liệu chính thức, người sử dụng mạng xã hội chuyển cho nhau xem nhiều thông tin…
Edufit có trụ sở chính đặt tại tỉnh Thái Bình với bốn cổ đông sáng lập là Trần Thị Hồng Vân (nắm giữ 35,7% cổ phần), Trần Thị Hồng Hạnh (nắm giữ 35,7% cổ phần), Trần Thị Huyền (nắm giữ 14,3% cổ phần), Nguyễn Thị Xuân Trang (nắm giữ 14,3% cổ phần) (1).
Cả bốn cổ đông sáng lập chỉ mới ngoài 30 nhưng hết sức giàu có, chỉ trong vòng hai năm (từ 2017 đến nay), vốn đầu tư cho Edufit đã tăng từ 20 tỉ lên 150 tỉ. Hệ thống Gateway đã có hàng chục cơ sở ở nhiều tỉnh, thành phố. Chỗ nào cũng được xem là đắc địa
Tuy trên các loại giấy phép, hệ thống Gateway chỉ là tư thục nhưng hệ thống công quyền làm ngơ khi Gateway quảng bá, tuyển sinh, thu học phí như các trường… quốc tế. Nhiều hoạt động, kể cả đưa đón học sinh không được giám sát, chủ đầu tư tự do làm mọi thứ!
Đó cũng là lý do dậy lên những tin đồn, hệ thống Gateway phát triển nhanh và thuận lợi khác thường như thế là vì có dây mơ rễ má với giới lãnh đạo công quyền (2).
Không có cơ quan hữu trách nào phân định thực hư, chỉ có một số cơ quan truyền thông từng quảng bá Edufit, Gateway lẳng lẳng xóa tên Nguyễn Thị Xuân Trang ra khỏi danh sách cổ đông trong những bài giới thiệu cả hai, hoặc bảo rằng người thứ tư đã rút khỏi danh sách cổ đông (3).
Tran Nhat Binh nhắn với “những người xoá thông tin về bà Nguyễn Thị Xuân Trang trong dữ liệu liên quan đến cổ đông của Gateway”: Ông Trọng từng nói “không có vùng cấm, tại sao các ông bà run sợ?” (4). Nguyễn Thiện bình luận: Người được thuê điều hành trường là người chịu trách nhiệm về cái chết của bé Long. Báo chí sợ phạm húy, gạt bỏ tên Nguyễn Thị Xuân Trang ra khỏi danh sách cổ đông là tự… tạo ra vấn đề (5)!
Tương tự, sau khi hệ thống hàng loạt bất thường, kể cả hoạt động có tính lừa đảo (quảng bá – thu tiền như một cơ sở giáo dục quốc tế, mướn một nữ giáo viên ngoại quốc già yếu, bệnh tật làm Hiệu trưởng, chỉ nằm bệnh viện, không biết gì về hoạt động của trường,..), mà không cơ quan hữu trách nào dám kiểm soát – ngăn chặn, Huynh Ngoc Chenh nhắn những cá nhân dựa thế phụ mẫu để kinh doanh: Nếu quý vị chỉ vì tiền, quý vị muốn rửa tiền, xin tha cho ngành giáo dục vốn đã nát bét, đừng làm cho nó nát thêm (6).
Một hệ thống thuần túy là tư thục, tự khoác áo quốc tế để quảng bá – thu tiền như cơ sở giáo dục quốc tế là… sự thật! Không cơ quan hữu trách nào kiểm tra nên không phát giác hàng loạt những vi phạm vốn thuộc loại không bao giờ có khả năng xảy ra ở những tư thục khác (ví dụ, phương tiện đưa đón học sinh chưa được kiểm tra – cấp giấy phép vận tải), thành ra không có ai ngăn chặn, cũng là… sự thật! Chúng mở ra thảm cảnh có thật: Một đứa trẻ sáu tuổi chết vì bị bỏ quên trong xe!
***
Ngoài những chuyện khó tin nhưng có thật dẫn đến thảm cảnh đang được bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội, còn nhiều sự thật khác mà ai cũng thấy, cũng biết nhưng từ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đến cộng đồng dân cư không bận tâm…
Giữa lúc tất cả các cơ quan hữu trách hối hả nhập cuộc để giải quyết những vấn đề có liên quan đến chuyện bé Long uổng tử. Le Duc Duc dẫn ý kiến của Nga Pham – một thân hữu trên facebook: Giá trị đứa trẻ nào cũng quý như nhau! – kèm theo tin mới nhất, vừa có thêm ba đứa trẻ ở Quảng Bình chết đuối. Sáu tháng vừa qua, ở Quảng Bình có khoảng 30 đứa trẻ chết đuối, tai nạn xảy ra liên tục và vụ nào cũng tước đoạt mạng sống của hai, ba đứa trẻ song dường như bị xem là tất nhiên, bình thường (7)!
Trần Minh Tâm – bạn Duc – than: Khẩu hiệu thật nhiều nhưng quan tâm, chăm sóc trẻ con thì ít. Nhiều khu vực rộng lớn được quy hoạch, phân chia thành hàng ngàn lô đất nhưng không dành được lô nào làm công viên cho trẻ con!
Cũng so sánh như thế, Đàm Hà Phú nhắc nhở: Hãy công bằng! Facebooker này kể, ngày nào anh cũng thấy nhiều đứa trẻ dặt dẹo, nhem nhuốc dưới nắng và bụi, bồng ẵm nhau bám theo những chiếc xe dừng chờ đèn xanh xin tiền. Đó cũng là trẻ con nhưng không ai để ý!
Phú thắc mắc: Tại sao một xã hội văn minh lại để cho những đứa trẻ trở thành như vậy? Các vị lãnh đạo, các cơ quan đoàn thể có nhìn thấy chúng? Đó là chưa kể trên đất nước này còn hàng trăm ngàn đứa trẻ không may mắn kiểu khác, phải từ giã cuộc đời lúc còn là thai nhi, hoặc vừa ra đời thì chết vì bị tiêm lộn vaccine, chết đuối, chết vì tai nạn giao thông! Phú hỏi thêm: Không biết các vị lãnh đạo có vào Khoa Nhi của Bệnh viện Ung bướu lần nào chưa?..
Theo Phú, ngay cả khi lành lặn, được đến trường thì những đứa trẻ vẫn thiếu may mắn, bị nhồi sọ đến ngu ngơ, cuồng tín, trở thành bọn redbull trên Internet, đeo đuổi sự học đến năm 18 tuổi bị kẻ khác cướp mất suất vào đại học,…
Phú nhấn mạnh: Tất cả những đứa trẻ đó đều đáng thương như nhau. Chúng ta thường không nói, bởi đó không phải là con em chúng ta, chúng ta chỉ chăm bẵm, bảo vệ con em của mình, còn bọn trẻ đã chết vì đủ thứ như đã kể thì mặc kệ chúng vì bố mẹ chúng nghèo, các vị lãnh đạo cũng mặc kệ chúng.
Tai nạn đến với một đứa trẻ là điều đau buồn nhưng Đàm Hà Phú đề nghị, hãy công bằng hơn với những đứa trẻ kém may mắn khác, hãy cuồng nộ khi có bất kỳ đứa trẻ nào không được chăm sóc, giáo dục tốt. Một xã hội chỉ thật sự tốt đẹp khi mọi đứa trẻ đều được chăm sóc, dạy dỗ tốt nhất mà xã hội có thể, dù ở bất kỳ đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào (8).
Sau sự thật – một đứa trẻ sáu tuổi uổng tử, Thủ tướng Việt Nam đã yêu cầu Bộ Công an rồi Bộ Giáo dục Đào tạo phải làm đủ thứ. Yêu cầu đó cũng thật. Sự quan tâm, phản ứng nhanh lẹ, quyết liệt của cả Thủ tướng lẫn hệ thống công quyền Việt Nam đối với một đứa trẻ uổng tử, liên quan tới trách nhiệm của hệ thống phổ thông liên cấp Gateway và Edufit vừa thật, vừa song hành với một sự thật khác: Còn hàng trăm ngàn đứa trẻ thiếu cơm ăn, áo mặc, vạ vật, vất vưởng bên lề con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà cả Thủ tướng lẫn hệ thống công quyền Việt Nam chưa bao giờ đoái hoài!
Khi những sự thật mâu thuẫn với nhau gay gắt đến thế ắt phải có cái giả. Cái gì là giả?
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10214800077982224&set=pcb.10214800143623865&type=3&theater
(2) https://www.facebook.com/thaivanduongpage/posts/906485463058950
(4) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10219944568946089&set=a.10200560270390740&type=3&theater
(5) https://www.facebook.com/nguyenthien.haihuoctutrao/posts/10215164525166565
(6) https://www.facebook.com/ho.lytien.1/posts/10206007572666061
(7) https://www.facebook.com/duc.leduc/posts/10213788769050557
(8) https://www.facebook.com/DamHaPhu/posts/2654033137940871
Tự kể điều mình biết, tự nói điều mình nghĩ với hàng triệu người đã trở thành chuyện đơn giản và bình thường. Khi một người nói, nhiều người có thể cùng nghe, bất kể người nói là ai, làm gì, ở đâu thì vai trò, vị trí của cá nhân trong tương tác với xã hội đã khác trước và chắc chắn sẽ càng ngày càng khác.
Đó cũng là lý do để dù muốn hay không, hệ thống truyền thông chính thống phải tự thay đổi. Ban Việt ngữ VOA cũng thấy phải tự thay đổi…
Trước mặt bạn là “Thiên hạ luận” – chuyên mục mới của Ban Việt ngữ VOA. Tuy nhiên đây chỉ là bước đầu tiên – tập hợp thông tin, ý kiến của nhiều người sử dụng mạng xã hội bằng Việt ngữ về những sự kiện, vấn đề đang được nhiều người quan tâm và có thể là mọi người nên biết, nên bàn thêm – của một tiến trình.
Liệu “Thiên hạ luận” có thể trở thành nơi mà độc giả chủ động đóng góp mọi thứ (thông tin, ý kiến, hình ảnh) về những sự kiện, vấn đề mà theo họ, mọi người cần biết, cần bàn hay không sẽ do các bạn quyết định.
Các bài viết của Thiên Hạ Luận là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.