Monday, December 23, 2024
HomeBIỂN ĐÔNGNhững “án lệ” Estoppel. Đối chiếu qua trường hợp công hàm 1958.

Những “án lệ” Estoppel. Đối chiếu qua trường hợp công hàm 1958.

1/ Án lệ Préah Vihear.

Vụ Tòa Công lý Quốc tế (CIJ – Cour International de Justice) xử tranh chấp Thái Lan và Cambodge (Campuchia) về ngôi đền Préah Vihear ngày 15 tháng sáu năm 1962. Tòa xử Cambodge thắng cuộc. Ngôi đền tranh chấp thuộc lãnh thổ của Cambodge.

Đọc lại các bài viết của các chuyên gia về công pháp quốc tế thời đó, ta thấy vụ xử gây nhiều tranh cãi. Nguyên tắc “văn bản quan trọng hơn bản đồ” đã không được Tòa tôn trọng. Thật vậy, công ước phân định biên giới hai bên Thái-Miên ngày 13 tháng 2 năm 1904 giữa Pháp và Thái lan, phần văn bản qui định đường biên giới (ở khu vực ngôi đền Préah Vihear) là đường “phân thủy” của rặng núi Dangrek. Ngôi đền nằm trên mỏm đồi cao, về phía tây của “sống núi” rặng Dangrek. Tức là ngôi đền thuộc về Thái Lan. Trong khi trên bản đồ phân giới 1908 lại vẽ đường biên giới “đi theo đường phân thủy”, nhưng loại trừ khu vực ngôi đền. Tại đây đường biên giới rời đường nối các đỉnh cao, để lại cho phía Cambodge ngôi đền Préah Vihear.

Préah Vihear

Đây là một vụ án rất đáng được các học giả VN chú ý.

Đâu là nguyên tắc “không được nói ngược gây hại cho người (hay phía) khác” và yếu tố “Reliance” (confiance légitime), hai yếu tố cấu thành “Estoppel” trong “án lệ” này ?

Nguyên văn vụ xử ngôi đền Preah Vihear ngày 15 tháng 6 năm 1962 được ghi lại, những đoạn quan trọng, như sau (nguồn : CIJ) :

a) Với 9 phiếu trên 3, Tòa phán rằng ngôi đền Preah Vihear tọa lạc trên lãnh thổ thuộc chủ quyền của Cambodge. Vì vậy Thái Lan phải cho rút đi các lực lượng quân sự hay cảnh sát, hay những người canh gác đã được bố trí tại ngôi đền, hay ở các khu vực chung quanh, thuộc lãnh thổ Cambodge.

b) Với 7 phiếu trên 5, Tòa phán rằng Thái Lan phải trả lại cho Cambodge những bức tượng, các bia đá, những bộ phận rời thuộc về ngôi đền, những kiểu mẫu bằng sa thạch và đồ gốm cổ, đã có thể bị phía nhà chức trách Thái lấy ra khỏi đền, hay khu vực đền, trong lúc ngôi đền bị Thái chiếm đóng từ năm 1954.

CIJ đã lý luận như sau :

Ngôi đền cổ Preah Vihear ở trong tình trạng hoang phế, tọa lạc trên một mỏm núi thuộc rặng Dangrek mà rặng núi này là biên giới giữa hai nước Thái Lan và Cambodge. Mối tranh chấp có nguyên nhân từ việc phân định biên giới bắt đầu từ năm 1904 đến năm 1908 giữa nước Pháp, đại diện Đông Dương, và nước Xiêm (Siam). Việc phân định này chiếu theo công ước ngày 13 tháng 2 năm 1904. Công ước này đã thiết lập một cách tổng quát một đường biên giới. Đường này sẽ được xác định chính xác bởi một ủy ban phân định hỗn hợp Pháp-Thái.

Ở khu vực có ngôi đền Preah Vihear, đường biên giới phải theo đường phân thủy. Theo thỏa thuận từ buổi họp ngày 2 tháng 12 năm 1906, để xác định đường phân thủy, ủy ban hỗn hợp phải tìm hiểu trên thực địa, qua một cuộc hành trình đi dọc theo đường sống núi của rặng Dangrek. Một trắc địa viên người Pháp cùng tháp tùng để ghi nhận địa hình toàn vùng phía đông của rặng núi. Điều không nghi ngờ là các vị chủ tịch của các ủy ban Pháp và Xiêm đã làm cuộc hành trình này và những người này cũng đã có thể thăm viếng ngôi đền. Vào các tháng giêng – tháng hai năm 1907, ủy ban Pháp đã báo cáo lên chính phủ của họ rằng đường biên giới đã hoàn toàn được phân định. Như thế đường biên giới đã được xác định, cho dầu không tìm thấy dấu vết nào về một quyết định, hay một ghi nhận bất kỳ liên quan rặng núi Dangrek trong các biên bản được thành lập sau ngày 2 tháng 12 năm 1906. Lúc ủy ban nhóm họp để kết thúc công trình phân giới, mọi người đã chỉ tập trung vào kết luận về một hiệp ước khác, liên quan biên giới Pháp-Xiêm, tức hiệp ước ngày 23 tháng 3 năm 1907.

Việc cuối cùng của công trình phân định là việc làm bản đồ. Nhà nước Xiêm, vì không có phương tiện kỹ thuật, đã yêu cầu nhân sự phía Pháp để thành lập các bản đồ vùng biên giới. Các bản đồ đã được một ê kíp người Pháp hoàn tất vào xuân năm 1907, trong đó có nhiều người Thái thuộc ủy ban hỗn hợp. Ê kíp này đã thường xuyên quan hệ với nhà nước Thái trong năm 1908.

Một tấm bản đồ của ê kíp này (sau khi thiết lập) đã giao cho nhà nước Thái Lan, theo đó đền Preah Vihear nằm trên lãnh thổ Cambodge. Tấm bản đồ này cũng tài liệu I đính kèm hồ sơ, đã được phía Cambodge làm căn bản để đòi hỏi chủ quyền ngôi đền. Ở điểm này phía Thái phản biện, vì bản đồ không do ủy ban hỗn hợp thiết lập, do đó nó không có giá trị bắt buộc ; tấm bản đồ vẽ đường biên giới không phù hợp với đường phân thủy, mà đáng lẽ đường (phân thủy) này để dành ngôi đền về phía Thái ; tấm bản đồ này cũng chưa hề được phía Thái công nhận, hoặc giả nếu có, là do phía Thái Lan tưởng rằng đường biên giới đã vẽ đúng theo đường phân thủy.

Cambodia Roads
Temple de Preah Vihear

Tấm bản đồ I kèm theo chưa bao giờ được công nhận bởi ủy ban hỗn hợp. Ủy ban này đã ngừng hoạt động từ nhiều tháng trước khi tấm bản đồ I được thiết lập. Người ta có thể hoài nghi việc tấm bản đồ này đã được những trắc địa viên sử dụng làm căn bản trong khu vực núi Dangrek và Tòa cho rằng, nguyên thủy, tấm bản đồ này không có tính bắt buộc. Nhưng mọi người đã thấy, trong hồ sơ phân định, bộ bản đồ đã chuyển lên chính phủ Thái như là kết quả của công trình phân định biên giới. Nhà cầm quyền Thái đã không có phản ứng nào (về các tấm bản đồ này) từ thời kỳ đó, cũng không có phản ứng nào trong nhiều năm sau. Người ta phải kết luận rằng nó đã được sự chấp nhận chính phủ Thái. Nếu phía Thái đã chấp nhận tấm bản đồ đính kèm I mà không làm các cuộc nghiên cứu, thì bây giờ họ không thể vịn vào lỗi lầm này để làm vô hiệu điều mà họ đã chấp thuận.

Nhà nước Xiêm, sau đó là Thái Lan, đã chưa bao giờ đặt vấn đề về bản đồ đính kèm I trước năm 1958, là lúc hai bên Thái và Cambodge đã mở những cuộc thuơng thảo về chủ quyền ngôi đền. Trong khi đó, vào các năm 1934-1934, một cuộc trắc địa đã cho thấy có sự khác biệt giữa đường phân thủy trên thực tế và đồ tuyến biên giới trên bản đồ I. Một số bản đồ khác đã được thiết lập, trong đó đặt ngôi đền thuộc lãnh thổ Thái Lan. Nhưng phía Thái Lan vẫn tiếp tục sử dụng, thậm chí in ra, những tấm bản đồ theo đó ngôi đền Preah Vihear thuộc về phía Cambodge.

Mặt khác, trong khoảng thời gian thuơng thuyết về hiệp ước Pháp-Xiêm 1925 và 1937, mà các hiệp ước này khẳng định hiệu lực của đường biên giới, hoặc là vào năm 1947, trước ủy ban hòa giải Pháp-Xiêm tại Washington, đáng lẽ phía Thái đã đặt lại vấn đề này, thì họ đã không làm gì cả. Kết luận lại, như thế Thái Lan đã chấp nhận đường biên giới như đã vẽ trong bản đồ I, cho dầu nó có phù hợp hay không phù hợp với đường phân thủy của rặng Dangrek. Phía Thái Lan đã tuyên bố rằng, trong mọi thời kỳ tranh chấp, vì đã chiếm hữu trên thực tế ngôi đền, do đó Thái không cần phải đặt lại vấn đề này. Việc chiếm hữu và hành sử chủ quyền trên thực tế là những bằng chứng rằng phía Thái Lan chưa bao giờ chấp nhận đường biên giới theo như bản đồ I.

Nhưng Tòa cho rằng, sẽ khó chấp thuận các hành động này, đến từ các chính quyền địa phương, vì nó phủ nhận thái độ của chính quyền trung ương. Hơn nữa, vào năm 1930, lúc hoàng thân Damrong (bộ trưởng bộ Nội Vụ Thái), lúc thăm viếng ngôi đền, đã được sự tiếp đón chính thức của giới chức Pháp phụ trách địa phương của Cambodge, dịp này Thái Lan đã không có thái độ nào.

Vì vậy Tòa cho rằng phía Thái Lan đã thực sự nhìn nhận tấm bản đồ I. Cho dầu còn hiện hữu một hoài nghi về việc này, nhưng bây giờ Thái Lan không thể phủ nhận cái mà họ đã ký nhận trước đó, bởi vì Pháp và Cambodge đã tin cậy vào nó, cũng như phía Thái Lan đã hưởng được những lợi ích mà công ước 1904 dành cho nước này trong vòng 50 năm. Mặc khác, sự ký nhận này bao hàm luôn tấm bản đồ I, như những điều ước khác. Vào thời kỳ đó hai bên có thỏa thuận về cách diễn đạt ý nghĩa của các điều ước, theo đó đường biên giới vẽ trên bản đồ sẽ mạnh hơn ý nghĩa diễn tả trong công ước. Trong khi đó, không có gì cho thấy rằng hai bên ký kết có sự chú ý đặc biệt đến đường phân thủy, cho dầu bản thân đường này thể hiện một sự quan trọng cực kỳ cho hai bên trong việc xác định đường biên giới. Tòa cho rằng ý nghĩa của nó hôm nay vẫn không thể khác.

Vì vậy, Tòa cho rằng, trong vùng tranh chấp, đường biên giới là đường xác định trên bản đồ I và sẽ không cần thiết để tìm hiểu là đường biên giới này có phù hợp với đường phân thủy hay không.

Vì những lý lẽ này Tòa phán quyết thắng kiện cho bên Cambodge về chủ quyền ngôi đền Preah Vihear.

Trở lại vấn đề nghiên cứu, đâu là yếu tố “không được nói ngược gây hại cho người khác” và “reliance” (confiance légitime) cấu thành “Estoppel” trong vụ án này ?

Yếu tố “không được nói ngược” là tấm bản đồ phân giới do ủy ban hỗn hợp phân giới trên thực địa, do Pháp vẽ năm 1907, nộp cho chính phủ Thái năm 1908.

Tòa cho rằng: “ trong hồ sơ phân định, bộ bản đồ đã chuyển lên chính phủ Thái như là kết quả của công trình phân định biên giới. Nhà cầm quyền Thái đã không có phản ứng nào (về các tấm bản đồ này) từ thời kỳ đó, cũng không có phản ứng nào trong nhiều năm sau. Người ta phải kết luận rằng nó đã được sự chấp nhận chính phủ Thái. Nếu phía Thái đã chấp nhận tấm bản đồ đính kèm I mà không làm các cuộc nghiên cứu, thì bây giờ họ không thể vịn vào lỗi lầm này để làm vô hiệu điều mà họ đã chấp thuận”.

Yếu tố “gây hại cho người (hay phía) khác” (và yếu tố “confiance légitime – sự tin tưởng chính đáng”) :

Tòa cho rằng: “Cho dầu còn hiện hữu một hoài nghi về việc này, nhưng bây giờ Thái Lan không thể phủ nhận cái mà họ đã ký nhận trước đó, bởi vì Pháp và Cambodge đã tin cậy vào nó, cũng như phía Thái Lan đã hưởng được những lợi ích mà công ước 1904 dành cho nước này trong vòng 50 năm.”

Yếu tố “reliance”:

Xét ý kiến của tòa trong đoạn: “Phía Thái Lan đã tuyên bố rằng, trong mọi thời kỳ tranh chấp, vì đã chiếm hữu trên thực tế ngôi đền, do đó Thái không cần phải đặt lại vấn đề này. Việc chiếm hữu và hành sử chủ quyền trên thực tế là những bằng chứng rằng phía Thái Lan chưa bao giờ chấp nhận đường biên giới theo như bản đồ I. Nhưng Tòa cho rằng, sẽ khó chấp thuận các hành động này, đến từ các chính quyền địa phương, vì nó phủ nhận thái độ của chính quyền trung ương. Hơn nữa, vào năm 1930, lúc hoàng thân Damrong (bộ trưởng bộ Nội Vụ Thái), lúc thăm viếng ngôi đền, đã được sự tiếp đón chính thức của giới chức Pháp phụ trách địa phương của Cambodge, dịp này Thái Lan đã không có thái độ nào.”

Yếu tố “reliance” (confiance légitime) là phái đoàn Thái lan do hoàng thân Damrong cầm đầu đến thăm ngôi đền với tư cách là “khách”. Phía “chủ nhân” là các giới chức của Pháp.

Bài học nào rút ra từ vụ án này ?

Thứ nhứt, yếu tố “reliance – confiance légitime” chỉ được cấu thành khi một bên “có thẩm quyền về lãnh thổ”.

Trường hợp công hàm 1958, VNDCCH “nhìn nhận và tán thành” hải phận 12 hải lý ở HS và TS, gián tiếp công nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS. VNDCCH không phải là bên “có thẩm quyền về lãnh thổ” ở HS và TS. Yếu tố “reliance” chưa được cấu thành.

Thứ hai, tư cách pháp nhân các bên tranh chấp là “quốc gia”.

VNDCCH chưa bao giờ là “quốc gia” đúng nghĩa cả.

VNDCCH không có tư cách pháp nhân “quốc gia”. VNDCCH lại không có “thẩm quyền về lãnh thổ” ở HS và TS. Tuyên bố đơn phương 1958 của VNDCCH đơn thuần không có giá trị “cam kết”. Mặt khác tuyên bố này vi phạm các Nguyên tắc của LHQ về hiệu lưc các tuyên bố đơn phương”, ở khoản 3.

Tức là yếu tố “không được nói ngược gây thiệt hại cho phía bên kia” không thể cấu thành cho trường hợp công hàm 1958 của VNDCCH.

(Đoạn Tòa nói về tư cách của chính quyền địa phương không thể vượt qua mặt chính quyền trung ương trong vụ chiếm đóng ngôi đền cũng rất quan trọng cho hồ sơ của VN. Các sử gia thế giới nói rằng TQ tuyên bố chủ quyền ở HS năm 1909. Tuyên bố này không có giá trị vì đó là tuyên bố của một chính quyền địa phương).

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular