Hòa Ái, phóng viên RFA
2017-12-21
Thanh niên trẻ Trần Hòang Phúc, thành viên của nhóm Sáng kiến Lãnh đạo Đông Nam Á- YSEALI, do cựu tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama lập nên, bị bắt giữ với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam hồi cuối tháng 6 năm 2017.
Gia đình không được thăm gặp
Mặc dù là thành viên của nhóm Sáng kiến Lãnh đạo Đông Nam Á- YSEALI, do cựu tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama lập nên, nhưng bạn trẻ sinh viên trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Phúc, 23 tuổi đã không được trao bằng tốt nghiệp vì dấn thân hoạt động dân chủ. Phúc là Chủ tịch Hội sinh viên nhân quyền, được thành lập hồi đầu năm 2016.
Hồi hạ tuần tháng Năm năm ngoái, Trần Hoàng Phúc được mời đến tham dự cuộc giao lưu với Tổng thống Barack Obama tại Sài Gòn, tuy nhiên cơ quan chức năng đã ngăn chặn không cho Phúc tham dự.
Trong bản phúc trình của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền-Human Rights Watch, công bố hồi tháng Sáu vừa qua, Trần Hoàng Phúc là một trong 36 blogger và nhà hoạt động chính trị tại Việt Nam bị các đối tượng “côn đồ” lạ mặt hành hung, tính từ tháng Giêng năm 2015 cho đến tháng Sáu năm 2017.
Vào chiều ngày 29/06/2017, Trần Hoàng Phúc bị an ninh và công an bắt tại phòng trọ ở Hà Nội. Và, sau 4 ngày ra Hà Nội tìm kiếm tin tức của con trai, mẹ của Trần Hòang Phúc mới nhận được thông báo chính thức từ Công an Điều tra Hà Nội cho biết Phúc bị bắt tạm giam tại Trại giam số 1. Sau gần 6 tháng bị bắt giữ, cô giáo Huỳnh Thị Út, mẹ của Phúc nói gia đình vẫn chưa được thăm gặp.
Hòa Ái có cuộc trao đổi ngắn với cô Huỳnh Thị Út vào tối ngày 22/12/2017:
Hòa Ái: Gia đình có nhận được tin tức gì về sức khỏe, tinh thần của Phúc trong trại giam như thế nào không, thưa cô?
Cô Huỳnh Thị Út: Gia đình chưa tiếp xúc được với cháu Trần Hoàng Phúc, nhưng thông qua luật sư thì gia đình cũng biết được sức khỏe của Phúc bình thường và tinh thần ổn định.
Hòa Ái: Thời gian luật sư tiếp cận với Phúc bao nhiêu lần và trong những cuộc gặp gỡ đó, Phúc có nhắn gửi gì về cho gia đình hay không?
Phúc đã rất nhiều lần xin giấy bút để viết thư cho ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang thì Phúc chưa hề nhận được giấy bút nào cả. Nhân viên trại giam cứ hẹn lần hẹn lựa, viện lý do nào là chỉ huy đi vắng hay chỉ huy bận và sau đó lờ luôn, không cho Phúc giấy bút nào hết
-Thân mẫu Trần Hoàng Phúc
Cô Huỳnh Thị Út: Hiện tại có 3 luật sư vào Trại tạm giam số 1 gặp Phúc rồi. Thông qua luật sư, Phúc có một số lời nhắn như gửi cho Phúc quần áo ấm để mặc mùa đông; gửi cho Phúc nước mắm, nước tương, lương khô, xà bông bột, xà bông cục, dầu gội đầu rồi gửi thêm cho Phúc thuốc cảm, thuốc ho, thuốc sổ mũi, thuốc tiêu chảy, thuốc kiết lỵ, dầu gió và đồ cạo gió bằng nhựa và gửi cho Phúc sách để đọc. Bởi vì, Phúc nói rằng ở trong tù Phúc được ăn, được ngủ, được đi vệ sinh giống như con heo nên Phúc muốn được gửi sách vào để đọc. Phúc nói có sách đọc ở trong tù thì Phúc mới làm một con người được.
Phúc cũng muốn gia đình gửi vào một đôi giày mềm, không có dây để Phúc mang khi ra tòa, bày tỏ thái độ kính trọng đối với vị quan tòa thực thi công lý.
Phúc còn nói là từ lúc bị bắt đến giờ, Phúc đã rất nhiều lần xin giấy bút để viết thư cho ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang thì Phúc chưa hề nhận được giấy bút nào cả. Nhân viên trại giam cứ hẹn lần hẹn lựa, viện lý do nào là chỉ huy đi vắng hay chỉ huy bận và sau đó lờ luôn, không cho Phúc giấy bút nào hết.
Không được gửi thuốc men và sách báo
Hòa Ái: Theo như những lời nhắn gửi của Phúc về cho gia đình, gia đình có liên lạc với trại giam để gửi những đồ vật dụng mà Phúc đang trông chờ hay sách vở và giấy bút thì gia đình có được chuyển vào hay không?
Cô Huỳnh Thị Út: Bản thân gia đình Phúc có đến Trại tạm giam số 1 thì bên đó nói không được gửi sách vào. Giấy bút cũng không được gửi. Những thứ thuốc thông thường như tôi nói lúc nãy gồm thuốc cảm, thuốc ho, thuốc sổ mũi, trại giam cũng không cho gửi vào.
Hòa Ái: Nhưng lý do vì sao họ không cho gửi những nhu cầu căn bản cần thiết của một người đang bị giam giữ, đặc biệt là thuốc men? Họ có giải thích cho gia đình không?
Cô Huỳnh Thị Út: Người ta nói quy định ở đây là không được gửi vào. Những thuốc men đó đã có trạm xá trong trại giam lo rồi. Nhưng với tấm lòng của một người mẹ, khi cháu nhắn ra xin gửi các thuốc men đó thì tôi suy nghĩ có lẽ Phúc bị bệnh trong đó chăng, cho nên Phúc xin thuốc để uống.
Hòa Ái: Bây giờ họ không cho gửi vào thì cô lo lắng nhiều không?
Cô Huỳnh Thị Út: Là một người mẹ thì đương nhiên tôi rất lo lắng cho Phúc. Ở trong đó, không biết sức khỏe của Phúc như thế nào? Vì cháu là người ở miền Nam, thời tiết nóng còn ở ngoài Bắc, ở Hà Nội thì rất lạnh. Tôi lo lắng không biết Phúc có chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt ở Hà Nội hay không? Sợ cháu bị lạnh rồi bị bệnh. Không biết cháu có được chăm sóc sức khỏe hay không? Cháu có được khám bệnh định kỳ hay không? Cháu nhắn gửi thêm nước mắm, nước tương nên tôi không biết chế độ ăn uống trong đó như thế nào? Tinh thần của cháu nữa, cháu không được đọc sách…Do đó, tôi rất lo lắng cho Phúc rất nhiều.
Mong được xử vô tội
Hòa Ái: Theo thông tin hồ sơ của Phúc đã chuyển qua tòa án và có thể có phiên xử sơ thẩm đối với Phúc. Hòa Ái được biết các luật sư đã nộp đơn để xin được bào chữa cho Phúc. Nhưng sau 3 ngày nộp đơn theo quy định của pháp luật, các luật sư vẫn chưa được tòa cấp giấy chứng nhận cho bào chữa. Đến bây giờ, các luật sư có thông báo cho gia đình họ đã được phép bào chữa cho Phúc hay không?
Tôi mong mỏi Phúc có quyền được phát biểu, tự bào chữa và biện hộ cho mình trước tòa án. Tôi muốn có phiên tòa xử công khai, gia đình Phúc được phép tham dự phiên tòa này…Tôi mong muốn sau khi xử xong, con tôi được vô tội
-Thân mẫu Trần Hòang Phúc
Cô Huỳnh Thị Út: Tôi có nhờ 3 luật sư. Ba luật sư đã có vào thăm Phúc rồi. Còn việc được tòa chấp nhận cho quyền bào chữa hay không thì tôi chưa nghe luật sư nói. Tôi nghĩ rằng luật sư sẽ là người công khai vấn đề này lên cho cộng đồng biết.
Hòa Ái: Trước khi kết thúc buổi trao đổi hôm nay, cô muốn chia sẻ gì về trường hợp con trai Trần Hoàng Phúc?
Cô Huỳnh Thị Út: Về trường hợp của cháu Trần Hòang Phúc, với tư cách của một người mẹ, thì tôi mong mỏi nhiều điều lắm. Thứ nhất, ngoài các luật sư bào chữa cho Phúc, tôi mong mỏi Phúc có quyền được phát biểu, tự bào chữa và biện hộ cho mình trước tòa án. Thứ hai, tôi muốn có phiên tòa xử công khai, gia đình Phúc được phép tham dự phiên tòa này. Tôi muốn bộ phận truyền thông trong và ngoài nước cũng được tham dự phiên tòa vì vụ án của Phúc không có gì gọi là bí mật quốc gia hay vi phạm thuần phong mỹ tục. Tôi cũng mong có sự tham dự của đại diện lãnh sự quán các nước tại phiên tòa. Và điều cuối cùng, tôi mong muốn sau khi xử xong, con tôi được vô tội.
Đây là những điều mong mỏi của tôi trong phiên tòa sắp tới.
Hòa Ái: cảm ơn cô Huỳnh Thị Út dành thời gian cho cuộc trao đổi này với Đài Á Châu Tự Do.