Wednesday, January 22, 2025
HomeCHÍNH TRỊ - XÃ HỘIĐốt lò: Phải truy tìm bằng được những “gã thợ mộc” ẩn...

Đốt lò: Phải truy tìm bằng được những “gã thợ mộc” ẩn danh

Rất nhiều cơ quan cố tình đóng thừa ghế và rất nhiều người ngồi nhầm ghế.

Sao tốn nhiều người thế?

Việt Nam thực hiện một cửa từ lâu lắm rồi nhưng tới cửa quan và dịch vụ công vẫn còn nhiều then cài.

Vài lần đi làm hộ khẩu, chứng minh thư (CMT) cho cháu lớn, tôi chứng kiến cảnh nhân viên ngồi la liệt, chen nhau trong không gian chật hẹp. Một người kiểm tra giấy tờ, rồi cô bàn bên rà soát hộ khẩu, một ông bên cạnh ngồi ký cho phép chụp ảnh. Đại loại qua 3-4 người mới xong một việc nho nhỏ.

Cũng dịch vụ đó bên Mỹ đi làm số an sinh (social security number), chỉ gặp đúng một người ở ô cửa sổ bé tý. Người đó làm từ đầu đến cuối, từ kiểm tra, thu tiền, chụp ảnh tới viết giấy hẹn.

Vào bệnh viện Hà Nội cũng thế. Người kiểm tra bệnh án, hò người bên viết phiếu thu, bệnh nhân đi nộp tiền, quay lại lấy giấy hẹn đến bác sỹ, y chang chỗ làm CMT, hộ khẩu.

Khám bệnh bên Mỹ cũng một cửa như đi làm thẻ an sinh hay đăng ký thi bằng lái xe. Nhân viên ký nhận bệnh nhân, kiểm tra số bảo hiểm, gọi để xem giá cả nếu phát sinh, báo gặp bác sỹ, viết chứng từ, thu tiền và hẹn lần sau.

Đó là hai ví dụ về chính phủ to (bộ máy lớn) ở Việt Nam và chính phủ nhỏ (bộ máy nhỏ gọn) ở Mỹ. Big Government và Small Government là khái niệm tranh cãi có từ thời Hoa Kỳ lập quốc.

Chính phủ to hay chính phủ nhỏ?

Cho tới giờ sau gần 250 năm, mỗi lần tranh cử TT các ứng viên vẫn tranh cãi nên chính phủ to hay nhỏ, các kinh tế gia cũng không thể ngã ngũ, đâu là tốt, đâu là xấu.

Chính phủ to kiểm soát phát triển tốt hơn vì đủ lực “thò bàn tay” vào từng lĩnh vực, từ trung ương đến địa phương, từ kinh tế Nhà nước tới tư nhân.

Đốt lò: Phải truy tìm bằng được những “gã thợ mộc” ẩn danh - Ảnh 1.

Mô hình này thích hợp cho thời chiến vì phải tập trung, nhưng nhược điểm là kìm hãm sáng tạo và phát triển do bị các qui định chồng chéo, tiền thuế tiêu vô tội vạ, thường dẫn đến lạm phát và vì “đông như quân Nguyên” nên dễ rơi vào “hành là chính”, “thiếu hiệu quả” và “tham nhũng”.

Chính phủ nhỏ chỉ lo an ninh, quốc phòng, giữ hành lanh pháp lý cho các công ty, dịch vụ, phát triển. “Chính phủ hãy tránh ra cho chúng tôi làm ăn” là câu khẩu hiệu thường thấy trong doanh nghiệp vì họ tin bộ máy nhỏ gọn giúp bớt thuế má bị tiêu bừa bãi, tự do sáng tạo và phát triển được khuyến khích.

Jefferson, tác giả Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, đã tóm gọn về định nghĩa “That government is best which governs least, because its people discipline themselves” là “Chính phủ tốt nhất là chính phủ can thiệp ít nhất, vì dân có thể tự đưa mình vào khuôn khổ”.

Ở Mỹ, sự khác biệt giữa đảng Cộng Hòa và Dân Chủ chỉ có hai từ. Dân Chủ nắm quyền thì dùng Stimulation (kích thích tiêu tiền), Cộng Hòa thì thường xuyên dùng mỗi từ Cut (cắt giảm).

Thời Obama là thời Big Government, tiêu pha quá trời, nợ chồng chất, Trump lên cắt hết. Nghe tin TT Putin đuổi 60 nahf ngoại giao Mỹ tại Moscow do trả đũa lệnh trừng phạt, TT Trump lại vui vẻ. Ông Twitter luôn “đỡ phải đuổi bớt đám người ăn không ngồi rồi”.

Nhiều cái ghế đều có giá riêng

Hội nghị TW 7 đang bàn về cải cách tiền lương như một nội dung quan trọng.

Bắt đầu từ đâu là một câu chuyện vô cùng khó.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thừa nhận về bộ máy hệ thống chính trị cồng kềnh “số người được hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước ở các đơn vị sự nghiệp và người hoạt động không chuyên trách cấp xã ngày càng nhiều.

Đến nay, chưa kể tổ chức, biên chế trong công an, quân đội và khu vực doanh nghiệp nhà nước, cả nước có khoảng 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập với 2,5 triệu biên chế”.

Không nghi ngờ, trong số 2,5 triệu kia có mặt các vị ngồi thừa thãi ở phòng cấp CMT, bệnh viện công, xã phường thậm chí cả xóm thôn. Rất nhiều chỗ đóng thừa ghế và rất nhiều người ngồi nhầm ghế.

Trong bối cảnh tình trạng tham nhũng, hối lộ đáng báo động, “tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy tội, thậm chí cả chạy tuổi… chậm được ngăn chặn” như Tổng Bí thư nói trong hội nghị, thì nhiều cái ghế đều có giá riêng.

Tôi nhớ có lần tới thăm Santa Fe (tiểu bang New Mexico) vào nhà thờ Lorreto xây từ năm 1873, có cái cầu thang rất đặc biệt. Người ta kể rằng, khi xây xong nhà thờ, các thầy tu phát hiện không có cầu thang đi lên điện thờ trên cao.

Thế là họ cuống lên, trong 9 ngày liền họ cầu xin vị thần thợ mộc có tên là St. Joseph giúp đỡ. Tới ngày cuối cùng, bỗng có một người gõ cửa và báo rằng, ông ta có thể giúp dựng cái cầu thang.

Trong vài ngày ông ta đã dựng xong cầu thang đặc biệt không có trụ đỡ, chỉ có các bậc nối nhau theo một vòng cuốn đi lên, không thấy bất kỳ cái đinh hay nhựa dính. Và ngài thợ mộc bí hiểm ra đi mà không đòi tiền công.

Người ta đồn rằng đây chính là thần thợ mộc S. Joseph được Chúa Jesus cử đến giúp nên mới gọi là Stairway from Heaven – cầu thang đến từ thiên đàng.

Cầu thang chứa ba bí mật mà không ai lý giải được: thợ mộc ẩn danh, cầu thang không cần giá đỡ, và gỗ cũng bí ẩn luôn vì kiểm tra cả vùng, không ở đâu có loại gỗ này.

Để vào xem cái cầu thang mất 10$, hàng năm có tới 250.000 người thăm, họ kiếm 2.5 triệu đô la/năm cho nhà thờ, một sự đầu tư của Chúa lợi nhuận chưa từng thấy dù thợ mộc không lấy một xu.

Nhưng so với “cánh thợ mộc đóng ghế để bộ máy phình to” để tạo ê kíp, để tham nhũng quyền lực ở xứ ta, thì thần thợ mộc S. Joseph phải lạy bằng cụ.

Đố ai tìm được nguyên liệu, thiết kế và cả ông thợ mộc, nhưng rất nhiều ghế vẫn được đóng với giá khủng.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã có lần nói chúng ta phả hướng tới bốn không, gồm: “Không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy và không muốn chạy”.

Và như thế, câu chuyện cải cách tiền lương và chống chạy chọt, phải bắt đầu từ những manh mối quan trọng: Truy tìm bằng được “những gã thợ mộc ẩn danh” đang đang lũng đoạn bộ máy và cản trở đất nước phát triển.

Theo Hiểu Minh

Trí Thức trẻ

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular